Điều làm chị Ng.T.M.T (29 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM) ấm ức nhất khi mang thai là cha mẹ chồng không cho chị đi đâu cả. Không những bỏ lỡ 2 chuyến nghỉ mát do cơ quan tổ chức, chị còn suýt không được về quê dự đám giỗ khi đang mang thai tháng thứ 5.
Thai phụ khác với bệnh nhân
"Tôi mở máy tính cho mẹ chồng xem hình ảnh các cô người mẫu nước ngoài đi biển với cái bụng bầu còn to hơn của tôi nhưng bà càng bực, nói rằng mấy cô kia không biết lo cho con" - chị T. kể. Chồng chị bối rối giữa một bên là vợ, một bên là mẹ nên "cầu cứu" cô bạn thân là bác sĩ (BS) sản khoa.
Nữ BS này đã đến nhà chơi và giải thích rõ quan điểm y khoa về thai kỳ và những chuyến đi, rằng nên hạn chế các chuyến đi vất vả nhưng cũng đừng bắt thai phụ ở mãi một chỗ. Thai của T. hoàn toàn khỏe mạnh, việc cấm chị về thăm nhà là không nên. Bởi lẽ, người có thai tháng thứ 5 hoàn toàn có thể đi máy bay và việc "cấm túc" chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, từ đó tác động xấu đến thai kỳ.
BS Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), nhấn mạnh: Trước hết, nên hiểu mang thai không phải là một tình trạng bệnh lý mà là tình huống đặc biệt trong đời sống của người phụ nữ. Sức khỏe thai kỳ phải kể đến cả hai mặt: thể chất và tinh thần.
Tư vấn cho thai phụ tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Đi nghỉ hè" với một người bình thường có thể bao gồm các chuyến du lịch từ thư giãn nhẹ nhàng đến khám phá mạo hiểm, về quê hay thăm bạn bè ở địa phương khác… Theo BS Hải, đi nghỉ hè là việc hoàn toàn có thể đối với một thai phụ bình thường và không có gì trở ngại đối với thai kỳ. Tuy nhiên, tính chất của chuyến đi đó nên là một kỳ nghỉ dưỡng. Ví dụ, bạn có thể đi du lịch biển, về quê… và tận hưởng những ngày nghỉ ngơi thư giãn. Việc này hoàn toàn có lợi cho thai kỳ vì giúp thai phụ giảm stress, thoải mái về tâm lý… Song, các chuyến du lịch mạo hiểm cần nhiều sức lực như leo núi thì rõ ràng là không phù hợp với thai phụ.
Các hoạt động trong chuyến đi cũng nên vừa sức. Ví dụ, nếu đi bộ thì phải là tản bộ thư giãn chứ không nên vất vả leo trèo, đi quá xa, quá nhiều. Cũng nên xem xét việc phải ngồi xe lâu một chỗ. Ngoài ra, nên lưu ý bạn có thể tìm được sự trợ giúp y tế thuận tiện hay không tại nơi đến. Riêng với thai phụ đã vào tháng cuối của thai kỳ thì không nên đi xa, bởi việc chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Khám thai trước chuyến đi dài
BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, khuyên rằng nếu vẫn băn khoăn trước một chuyến đi, bạn hãy hỏi ý kiến BS sản khoa đang theo dõi thai kỳ cho mình; có thể cho BS biết lịch trình chuyến đi, phương tiện di chuyển, những hoạt động sẽ tham gia…
Những điều cần lưu ý khi đi xa còn phụ thuộc vào tuổi thai (đang ở giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối). Trong 3 tháng đầu, thai còn non nớt, cần sinh hoạt nhẹ nhàng; 3 tháng cuối thì nguy cơ chuyển dạ sinh non sẽ cao hơn giai đoạn trước. Ngoài ra, trước một chuyến đi dài ngày, nhất là ở nơi có điều kiện y tế hạn chế, thai phụ nên đến BS kiểm tra thai để chắc chắn tình trạng thai kỳ vẫn ổn định.
BS Trần Ngọc Hải lưu ý thêm: Đã gọi là nghỉ dưỡng thì bản thân thai phụ phải hoàn toàn thoải mái với chuyến đi đó. Nếu đi mà cứ băn khoăn, lo lắng thì tốt nhất là đừng nên đi. Bởi lẽ, chính sự lo âu, căng thẳng sẽ tác động xấu đến sức khỏe, có thể là nguyên nhân dẫn đến chuyển dạ sinh non ở giai đoạn cuối thai kỳ.
Hãy thông báo với công ty lữ hành
BS Nguyễn Ngọc Thông khuyến cáo trước khi tham gia một tour du lịch hay đặt vé tàu, xe, máy bay, thai phụ nên thông báo tình trạng mang thai của mình với công ty lữ hành, hãng vận tải. Thai phụ cần biết tour du lịch đó có những hoạt động gì, phù hợp với thai phụ hay không.
Đối với phương tiện vận chuyển, thông thường các hãng vận tải đều có các quy định riêng với phụ nữ mang thai, nhất là đường hàng không. Các quy định này đều nhằm bảo đảm an toàn trước nhất là cho chính thai phụ. Vì thế, đừng nên lơ là hay cố "lách luật". Việc thông báo tình trạng mang thai cũng là cách để thai phụ được hỗ trợ khi cần thiết.
Bình luận (0)