Chiều 25-11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT- TT) đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về "Thực trạng, thách thức và giải pháp tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam" tại TP HCM. Tại đây, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TT-TT, cho biết Việt Nam hiện là nước đứng thứ 15 trên thế giới về sử dụng thuốc lá với 15,4 triệu người. Trong đó có 14,8 triệu người là nam, 603.000 người là nữ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), mỗi năm người Việt chi 49.000 tỉ đồng để mua thuốc lá. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) chiếm khoảng 1% GDP của Việt Nam.
"Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015, trong đó nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần. Đây là con số đáng báo động" - bà Hương nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) báo cáo tại hội thảo
Chính vì lý do này, bà Thu Hương cho rằng Bộ Y tế đề xuất cấm các loại thuốc lá điện tử là hợp lý. Bởi, dù cấm quảng cáo thuốc lá nhưng có đến 90% các điểm bán lẻ thuốc lá vi phạm quy định trưng bày, xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử tràn lan trên mạng xã hội, rất khó kiểm soát.
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Giá ngạc nhiên vì thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, điều này đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá.
"Chúng ta cần thay đổi điều này, làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được hiệu quả" - bà Angela nhấn mạnh.
ThS Đào Thế Sơn, Trường ĐH Thương Mại nêu ra những chính sách hạn chế thuốc lá ở Việt Nam
ThS Đào Thế Sơn, Trường ĐH Thương Mại nói rằng thuế là chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất, nhưng Việt Nam có lộ trình tăng thuế ở mặt hàng này chậm, thu nhập của người dân tăng nhanh hơn so với giá thuốc. Bên cạnh đó, các mức tăng thuế cũng không đủ lớn, chi phí người dân phải trả cho một bao thuốc gần như không thay đổi sau 10 năm.
"Ở những hộ nghèo, chi phí cho thuốc lá lấy từ phần chi tiêu cho giáo dục" - ông Sơn khẳng định.
Bình luận (0)