Mỗi tháng mua nửa căn hộ
“Mục sở thị” bảng tổng kết bán hàng của nhân viên Công ty Dược phẩm Shering - Plough thuộc một tập đoàn dược của Mỹ có văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhiều bác sĩ thực sự “choáng” bởi chiết khấu hoa hồng cao ngất ngưởng.
Cứ mỗi sản phẩm kê đơn, bác sĩ được chiết khấu tới 10%, thậm chí 30% giá trị. Cụ thể, chỉ với hai loại thuốc đặc trị viêm gan là P.50 (Peg-intron 50mcg) và P.80 (Peg-intron 80mcg), mỗi tháng có bác sĩ được chiết khấu lên tới nửa tỷ đồng, tương đương trị giá nửa căn hộ chung cư hiện nay.
Bảng tổng kết bán hàng tháng 7-2009 của một nhân viên Công ty Dược Shering - Plough cho thấy, nhân viên này đã “đi” thuốc cho phòng mạch của BS Trương Bá Trung (nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM) 300 lọ thuốc P.50 với giá 1,8 triệu đồng/lọ, và 525 lọ P.80 với giá 3 triệu đồng/lọ. Được biết, với chiết khấu cho BS Trung bình quân 25% như “thỏa thuận”, bác sĩ này đã “ẵm” trọn số tiền 528 triệu đồng.
Còn trong tháng 8-2009, bác sĩ Trung đã sử dụng 612 lọ thuốc P.80 và đương nhiên, số tiền hoa hồng mà Công ty Dược Shering -Plough đã chiết khấu cũng lên tới 459 triệu đồng…
Qua điều tra được biết, BS Trung là một chuyên gia về gan mật đang công tác tại BV Đại học Y Dược TPHCM. Ngoài công tác tại bệnh viện công, phòng mạch của BS Trung luôn đông bệnh nhân mắc các bệnh lý về gan mật và có số lượng dùng thuốc đặc trị P.50 và P.80 rất lớn…
Tương tự, thông tin mà PV Báo SGGP có được cho thấy, bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương, cũng đang công tác tại BV Đại học Y Dược TPHCM, có phòng mạch riêng và thường xuyên được Công ty Shering - Plough chiết khấu hoa hồng cao.
Trong tháng 8-2009, phòng mạch của bác sĩ Hương được chiết khấu 226 triệu đồng từ thuốc P.50 và P.80. Một số bác sĩ khác như bác sĩ B.V.Đ (công tác tại BV Chợ Rẫy), có phòng mạch ở đường Nguyễn Trãi, quận 1; bác sĩ T.Th. (công tác tại Trung tâm Medic TPHCM) cũng thường xuyên kê đơn thuốc P.50 và P.80, được nhà phân phối trả hoa hồng cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Chẳng hạn tháng 6-2009, hoa hồng của bác sĩ Đ. là 90 triệu đồng; tháng 7-2009 là 207 triệu đồng, và tháng 8 là 126 triệu đồng…
Lật tẩy chiêu bài của hãng dược
Từ cuối năm 2009, Công ty Dược Shering - Plough được sáp nhập vào Hãng Dược phẩm Merck Sharp & Dohme (MSD) tại Việt Nam. Khi đó, ông Tôn Thất Lương Nguyên được thuê làm Trưởng đại diện Công ty Dược Shering - Plough tại Việt Nam.
Trên cương vị này, ông Nguyên chỉ đạo ráo riết chiết khấu hoa hồng cho bác sĩ để vừa được tiếng vừa được miếng. Nhiều đơn đặt hàng thuốc P.50 và P.80 từ một số nhà thuốc trên địa bàn TPHCM được ông Nguyên ra “nghị quyết” chiết khấu 30% trên đơn hàng.
Thông qua một công ty phân phối dược phẩm tại Việt Nam, nhiều đơn đặt hàng thuốc đặc trị gan P.50 và P.80 của Công ty Shering - Plough đồng ý chiết khấu hoa hồng, có đơn hàng chiết khấu từ hơn 200 - 500 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, trưởng đại diện Công ty Dược Shering - Plough quy định chế độ chiết khấu 30% cho tất cả bác sĩ đối với sản phẩm thuốc điều trị gan P.50 và P.80. Tuy nhiên khi áp dụng thì có sự phân biệt: bác sĩ nào dùng thuốc nhiều thì mức chiết khấu cao (20% - 30%), bác sĩ nào dùng ít thì mức chiết khấu thấp (10%).
Một số trình dược viên cho biết mỗi tháng sản phẩm P.50 và P.80 của Công ty Shering - Plough tại TPHCM bán được khoảng 6 tỷ đồng, và nếu tính theo tỷ lệ ăn chia và “chế độ” riêng thì ông Trưởng đại diện công ty này hưởng 10%, tương đương khoảng 1 tỷ đồng từ chiết khấu/tháng.
Để bác sĩ nhận hoa hồng từ các hãng dược, trình dược viên có nhiệm vụ lấy số liệu thuốc của công ty mình do bác sĩ kê toa từ khoa dược bệnh viện. Có thể bằng cách nhờ nhân viên tại mỗi khoa thống kê số lượng thuốc đã dùng của công ty. Hoặc không trình dược viên tới nhà thuốc của bệnh viện mà thuốc của họ có bán trong đó, để xem toa thuốc của mình được bác sĩ kê có nhiều không, sau đó đối chiếu và trích hoa hồng cho bác sĩ.
Ngoài ra, để nhận chiết khấu, bác sĩ sẽ kê toa và yêu cầu bệnh nhân ra một số nhà thuốc “mối” của mình để mua. Tại đây nhà thuốc ghi lại toa thuốc có loại thuốc mà bác sĩ kê và hàng tháng thống kê lại, sau đó công ty dược sẽ chiết khấu phần trăm trên tổng giá trị mà người bệnh mua được…
Với những lắt léo kết hợp giữa bác sĩ + trình dược viên + hãng dược, bệnh nhân bị uống thuốc tràn lan trong khi bệnh của họ chưa đến mức phải dùng đến thuốc… đặc trị.
Theo nhận định của một số nhà quản lý, một loại thuốc xuất xưởng phải chịu không biết bao chi phí, từ nguyên vật liệu, chi phí tiếp thị, quảng cáo và hoa hồng cho bác sĩ… Do đó, giá thuốc cứ ở “trên trời” và oằn lưng gánh chịu không ai ngoài người bệnh.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý |
Bình luận (0)