Điện thoại tổng đài của Bệnh viện (BV) Đa khoa Vạn Hạnh reo vang. Cô nhân viên trực cho biết đó là cuộc gọi cần khám của một bệnh nhân. Lập tức, đội ngũ y, bác sĩ dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà xách đồ nghề lên đường.
Vừa tiện lợi vừa nhân văn
Bệnh nhân là một cụ bà sinh sống tại quận 10, TP HCM, bị bệnh về xương khớp nhiều năm không thể đi lại. Sau khi đến nơi, các bác sĩ bắt đầu quy trình khám bệnh tại nhà: đo huyết áp và thân nhiệt, nghe tim phổi, thăm hỏi tiền sử bệnh tật và những thuốc đã dùng trước đó...; đồng thời dặn dò người thân trong gia đình những điều cần thiết trước khi rời đi.
Theo BS Huỳnh Thị Kim Dung, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Vạn Hạnh, những năm gần đây, khám chữa bệnh tại nhà đã trở thành dịch vụ quen thuộc của BV, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Cụ thể, người bệnh không mất nhiều thời gian chờ đợi khám, không phải đến BV trong điều kiện đi lại khó khăn. Với trang thiết bị y tế và đội ngũ chuyên môn sẵn có, BV có thể xử trí tại chỗ các bệnh lý thông thường hoặc cấp cứu, đưa bệnh nhân về BV điều trị nhanh nhất khi cần thiết. “Khám bệnh kiểu này không chỉ tiện lợi mà ít nhiều còn mang ý nghĩa nhân văn” - BS Dung nói.
Dịch vụ trên là một trong những hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) được triển khai tại TP HCM. BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết từ khi thành lập năm 2013, Phòng khám BSGĐ của BV này đã thu hút khá đông bệnh nhân, từ 20-30 người/ngày lúc mới triển khai, đến nay trung bình là 150 người/ngày. “Theo mô hình này, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu được thực hiện liên tục, xuyên suốt, giảm thời gian chờ đợi, giảm chuyển lên tuyến trên nên đã góp phần đáng kể giảm tải BV. Chỉ riêng tại đây đã giảm được 40% bệnh nhân chuyển lên tuyến trên” - BS Khanh thông tin.
Hướng đến toàn dân
Theo PGS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, mô hình BSGĐ đã ra đời và áp dụng từ lâu ở nhiều nước phát triển. Y học gia đình là một chuyên khoa y học lâm sàng nhưng có định hướng dự phòng bệnh thông qua khám tầm soát, theo dõi suốt đời các vấn đề sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu triển khai từ năm 2007. PGS-TS Phạm Lê An - Trưởng Trung tâm Đào tạo BSGĐ, Đại học Y Dược TP HCM - cho biết BSGĐ không phải là bác sĩ riêng của từng gia đình, cũng không phải là bác sĩ của nhà giàu mà là bác sĩ của những bệnh nhân có nhu cầu được thăm khám chu đáo. Ngoài quản lý bệnh nhân cùng các thành viên trong gia đình một cách toàn diện và liên tục từ lúc sinh ra đến cuối đời, BSGĐ có trách nhiệm cung cấp thông tin về bệnh sử khi chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa nhằm giúp bác sĩ tuyến trên hay bác sĩ chuyên khoa nắm bắt diễn biến của bệnh tật, chẩn đoán nhanh và đầy đủ hơn.
Tại TP HCM, trong những năm qua, mô hình BSGĐ là một trong các chủ trương phát triển của ngành y tế TP nhằm giúp người dân được chăm sóc toàn diện và theo dõi tình trạng sức khỏe liên tục. Theo lộ trình, mô hình này sẽ được nhân rộng, phủ kín ở tuyến y tế cơ sở, trạm y tế, y tế tư nhân, góp phần giải quyết tình trạng quá tải của BV tuyến trên. Tại các BV quận 10, BV quận 2, BV Bình Tân, BV quận Gò Vấp…, các phòng khám BSGĐ đã thu hút đông đảo người dân đến khám và điều trị, góp phần giảm gánh nặng quá tải cho ngành y tế TP.
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết đến nay đã có 224 phòng khám BSGĐ tại 20 BV quận - huyện, 191 trạm y tế phường - xã và 13 phòng khám đa khoa tư nhân. Sau 4 năm triển khai thí điểm, các phòng khám BSGĐ đã khám, điều trị cho hơn 650.000 lượt người bệnh, cấp cứu trên 900 trường hợp, chuyển lên tuyến trên điều trị hơn 3.800 ca…; đồng thời lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho 81.700 người.
Theo PGS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang chịu gánh nặng bệnh tật kép với các bệnh lây nhiễm lưu hành và diễn biến phức tạp, các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh cùng với tình trạng già hóa dân số. Định hướng của y tế Việt Nam trong thời gian tới là phát triển hệ thống y tế bền vững, hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân. PGS Tuấn nhấn mạnh: “Song song với phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao và hiện đại, cần phát triển y tế cơ sở để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại nơi sinh sống. Nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là một trong những quyết sách của Bộ Y tế”.
Nâng cao năng lực y tế cơ sở
Tính đến tháng 6-2016, Việt Nam đã có 336 phòng khám BSGĐ tại 6 tỉnh, thành. Theo các chuyên gia y tế, BV cần phải được trả về đúng với vị trí, vai trò của nó. Đây không còn là nơi điều trị “sổ mũi nhức đầu” mà phải phát triển theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng. Y học gia đình là chìa khóa giải quyết cùng lúc 2 vấn đề: giảm chi phí y tế và quá tải BV. Tuy nhiên, cần phải tăng năng lực tuyến cơ sở (con người và trang thiết bị) để tạo được niềm tin đối với người bệnh. Theo dự kiến, từ nay đến năm 2020, TP HCM sẽ triển khai ít nhất 2.000 phòng khám BSGĐ.
Bình luận (0)