Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thế Cường, Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết trong số hơn 200 người được khám sàng lọc và tư vấn miễn phí các bệnh lý về thận như suy thận, thận đa nang, viêm cầu thận mạn, nhiễm trùng tiết niệu, ngày 29-2 có một tỉ lệ không nhỏ là dân văn phòng.
Theo bác sĩ Cường, dân văn phòng được coi là những đối tượng nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tiết niệu do ít vận động, ngồi nhiều. Trong đó, tỉ lệ nữ mắc nhiều hơn nam giới. "Khi ngồi quá lâu, mải làm việc lại quên vận động khiến việc lưu thông mạch máu kém, cơ thể ứ đọng nước tiểu dẫn tới nhiễm trùng bàng quang. Đặc biệt, nữ giới có cấu tạo đường niệu đạo ngắn hơn, lại có thói quen nhịn tiểu nhiều so với nam giới nên nguy cơ viêm đường tiết niệu nhiều hơn"- bác sĩ Cường lưu ý.
Bác sĩ cảnh báo thói quen nhịn tiểu, lười vận động làm tăng nguy cơ bị viêm đường tiết niệu
Ngoài ra, một trong những lý do tỷ lệ tái nhiễm trùng tiết niệu hoặc bị viêm tiết niệu, viêm bàng quang mãn tính là do hiện nay, nhiều người bệnh có triệu chứng không đi khám, không được kê đúng đơn thuốc. Khi tự ý mua thuốc, thấy hết triệu chứng viêm, bỏ dở liều thuốc khiến cho nhiều người bị kháng kháng sinh, lâu này dẫn tới viêm đường tiết niệu mãn tính, viêm niệu đạo, viêm bàng quang mãn tính.
Người dân đến khám và tư vấn nhằm phát hiện các bệnh về thận - tiết niệu
Bác sĩ Cường khuyến cáo, người dân nên uống ít nhất 1,5 lít nước hằng ngày, chưa kể nước trái cây, nước canh trong bữa ăn hàng ngày. Với người vận động ra nhiều mồ hôi, nên uống nhiều nước hơn. Viêm đường tiết niệu có thể gây ra nhiễm trùng nặng, gây ra tình trạng sốc nhiễm trùng, nguy hiểm cho tính mạng.
Vì thế, dân văn phòng nên chú ý sau khoảng 30 phút nên đứng dậy vận động 1- 2 phút trong lúc làm việc và không nên nhịn tiểu. Nếu đã mắc bệnh thận mãn tính, phải kiểm soát để không làm cho bệnh thận tiến triển nhanh dẫn tới phải lọc máu, chạy thận.
Siêu âm, xét nghiệm sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh lý về thận - tiết niệu
Cũng theo bác sĩ Cường, bệnh lý thận ở Việt Nam dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng ước tính có khoảng năm triệu người bị bệnh thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng người bệnh suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người.
Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mãn tính rất dễ dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận khiến cho người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế.
Bình luận (0)