Bác sĩ đang cắt lọc tổn thương bàn chân cho bệnh nhân biến chứng đái tháo đường
BV Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng tấy đỏ toàn bộ bàn chân phải, loét hoại tử nghiêm trọng do tự ý điều trị đái tháo đường... Bệnh nhân là Nguyễn Hữu C. (41 tuổi, ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) mắc đái tháo đường đã 17 năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, anh C. thường tự mua thuốc điều trị tại nhà và do bận rộn công việc nên uống thuốc không đều đặn.
Cách đây 1 tháng, chân anh C. mọc một vài mụn nước ở ngón chân cái. Sau đó 2-3 ngày, những mụn nước ấy vỡ ra. Những cọ xát do di chuyển khiến những vết sưng ngày càng lan rộng. Ngón chân cái của anh sưng nề, chuyển sang màu đen bầm như tụ máu. Sau đó, anh C. bị sốt mê man và được gia đình đưa đến BV Nội tiết Trung ương trong tình trạng tấy đỏ toàn bộ bàn chân phải, loét hoại tử nghiêm trọng.
Hình ảnh bàn chân biến chứng khiến các bác sĩ cũng phải rùng mình
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, BV Nội tiết Trung ương, bệnh nhân C. được chẩn đoán loét hoại tử bàn chân do đái tháo đường type 1, biến chứng thần kinh ngoại vi, thần kinh tự động. Bàn chân và ngón chân của bệnh nhân bị hoại tử, lõm sâu, chảy nhiều dịch... Bệnh nhân được chỉ định cắt lọc phần thịt hoại tử và áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết. Sau gần 1 tháng điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên, do biến chứng hoại tử nên các bác sĩ buộc phải tháo bỏ ngón cái bàn chân phải của anh C.
Bác sĩ Thiện cho biết nếu chỉ chậm trễ khoảng 1 tuần, có thể bệnh nhân sẽ phải tháo bỏ đến khớp gối. "Thực tế BV đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường chỉ có vài mụn nước tưởng chừng như vô hại, nhưng sau vài ngày đã dẫn đến nguy cơ tháo bỏ bàn chân, thậm chí cả cẳng chân. Đáng nói, trước khi nhập viện, bệnh nhân hoàn toàn không nghĩ rằng đây là do biến chứng của bệnh đái tháo đường mà chỉ phán đoán là bệnh ngoài da do nóng trong hoặc ảnh hưởng của bệnh thận"- bác sĩ Thiện cảnh báo.
Theo giới chuyên môn, bệnh đái tháo đường có diễn biến khá âm thầm, không triệu chứng nên trong giai đoạn đầu, người bệnh thường không biết hoặc biết nhưng không hề quan tâm đúng mức. Bệnh đái tháo đường cũng được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành… Số ca tử vong do đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm. Để phòng tránh mắc bệnh đái tháo đường, bác sĩ Thiện khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe thường xuyên và xét nghiệm đường huyết định kỳ để phát hiện sớm bệnh, từ đó can thiệp kịp thời.
Bình luận (0)