Những chỗ nhiều F0, thay vì lo lắng với con số, hãy nghĩ như thế này: Nếu không "vét" thì sẽ lây thêm cỡ nào? Nếu không giãn cách thì lây thêm cỡ nào? Nếu giãn cách mà không "vét" thì giãn cách đến bao giờ? Con số tăng dù giãn cách vì họ là số F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Đừng quên bệnh này vẫn có thể có đến 60%-70% F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, mà triệu chứng bệnh này lại không có cách gì phân biệt với bệnh cảm thông thường.
Những chỗ ít hoặc không có F0 thì đừng vội mừng. Xét nghiệm âm tính vào một thời điểm chỉ giúp xác định người đó chưa dương tính, tức không bệnh hoặc có thể đã nhiễm mà đang ủ, chưa dương tính nên chưa lây Nếu vội vàng "giao lưu" trở lại, có khi bạn đã vô tình tiếp xúc với F0. Có khi vào thời điểm xét nghiệm, F0 đó chưa dương tính (vì nếu test PCR gộp, kết quả không có liền), lúc gặp mình thì họ đã dương tính. Mà có khi chính mình là F0 tiềm ẩn đó.
Không thể nhận diện F0 tuyệt đối, vì có rất nhiều F0 không triệu chứng, đến khi test kháng thể mới biết hoặc đến khi lây cho người nhà mà người nhà có triệu chứng thì mới biết.
Việc "thả lỏng" quá sớm sau 1-2 đợt xét nghiệm từng là lý do khiến nhiều khu phố bị phong tỏa nhiều lần đến khi hết F0. Không có chuyện virus ủ trên 14 ngày. Khu nào bị phong tỏa cả tháng vì cứ phát hiện F0 "lai rai" là do có người cách ly sai.
Hiện giờ, nhiều nơi đang tính đến việc "tái hòa nhập" khi tỉ lệ vắc-xin bao phủ cộng đồng đã được nâng cao. Tuy nhiên, phải hiểu "tái hòa nhập" là sự nới lỏng dần dần, chứ không phải bạn có thể thoải mái bỏ khẩu trang, giao lưu, thăm viếng như khi chưa có dịch.
Ở TP HCM, tuy tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng vẫn còn nhiều người cao tuổi, có bệnh nền chưa tiêm đủ 2 mũi. Khối điều trị vẫn còn quá tải. Do đó, nếu "tái hòa nhập", bước đầu là để đi làm, để khôi phục kinh tế chứ chưa thể "giao lưu" thăm viếng nhau, nhất là khi gia đình bạn hay gia đình người bạn định gặp gỡ có người cao tuổi, người có bệnh nền.
Bình luận (0)