BS.CKII Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh nhân tên Lê Tấn T. (SN 1960; ngụ tỉnh Đồng Tháp), nhập viện do đau hông trái và thỉnh thoảng tiểu gắt. Bệnh nhân biết có sỏi san hô 2 bên cách nay 6 năm và đã mổ hở lấy sỏi san hô thận phải (thận xẻ đôi nhu mô thận) nhưng không áp dụng hạ thân nhiệt.
Nhiều viên sỏi san hô có nhánh được lấy ra từ thận của bệnh nhân T.
Kết quả siêu âm ổ bụng, chụp XQ hệ niệu không chuẩn bị và CT scan 2 thận cho thấy bệnh nhân T. sỏi thận trái dạng san hô kéo dài tới 1/3 trên niệu quản trái.
Trường hợp này không thể lấy sỏi qua đường bể thận, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật sỏi san hô thận trái có hạ nhiệt để có thể lấy sạch sỏi, hạn chế chảy máu và bảo tồn chủ mô thận.
Bệnh nhân T. đã khỏe sau ca phẫu thuật lấy sỏi san hộ
Ê-kíp bác sĩ đã xẻ đôi mở rộng thận trái lấy ra sỏi san hô và nhiều viên sỏi nhỏ. Sáng 12-11, bệnh nhân tỉnh, sinh tồn ổn, không sốt dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Theo BS.CKII Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Khoa Ngoại thận tiết niệu, sỏi thận san hô là tình trạng các viên sỏi lấp đầy từ 2 nhánh đài thận trở lên, có hình trông giống san hô. Đặc điểm của sỏi san hô là có nhiều nhánh, gai nhỏ, thường có màu vàng trắng và nằm trong các đài thận, lấp đầy đài thận, rất cứng và khó bị bào mòn.
Ở Việt Nam, bệnh nhân thường đến bệnh viện muộn, sức khỏe đã giảm sút, sỏi đã to và có nhiều biến chứng nặng nề.
Bình luận (0)