Bóng cười hiện được giới trẻ ưa thích vì tạo cảm giác lâng lâng-Ảnh minh họa
Bệnh viện (BV) Bạch Mai ngày 27-10 cho biết thông tin một cô gái phải nhập viện với tình trạng khó vận động, choáng váng, buồn nôn vì hít bóng cười là không chính xác
Trước đó, thông tin được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội về một cô gái 22 tuổi ở Hà Nội vào tối ngày 17-10, sau khi sử dụng bóng cười tại một quán bar ở Hà Nội có biểu hiện choáng váng, buồn nôn, tay chân co giật. Sau vài tiếng, chân tay của cô gái này mất cảm giác và phải nhập viện tại Khoa Thần kinh, BV Bạch Mai. Thông tin này khiến nhiều người hoang mang, vì bóng cười là dịch vụ hiện cung cấp nhiều tại quán bar, karaoke… được giới trẻ ưa thích vì tạo cảm giác lâng lâng.
Trao đổi với báo chí ngày 27-10, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai, cho biết mới đây Khoa Thần kinh có tiếp nhận một bệnh nhân nữ vào viện trong tình trạng có rối loạn vận động, dấu hiệu chân tay yếu, nhưng không liên quan đến hút bóng cười như thông tin lan truyền trên mạng. Theo đánh giá ban đầu các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm tủy cắt ngang - một dạng rối loạn thần kinh và là một loại bệnh tự miễn. Để có kết luận chính xác còn cần làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán, kết quả chọc tủy… để tìm ra bệnh của cô gái. Lãnh đạo Khoa Thần Kinh BV Bạch Mai cũng khẳng định bệnh lý của bệnh nhân không liên quan đến bóng cười.
Theo giới chuyên môn, bóng cười chứa khí N2O (nitơ) hay khí cười. Ở nước ngoài, trong nha khoa, nitơ được trộn với ôxy và cung cấp thông qua một mặt nạ với mục đích là giảm đau, giúp bệnh nhân có cảm giác thoải mái, không sợ hãi. Loại khí này tác động đến hệ thần kinh trung ương gây vui vẻ, hưng phấn… Trong khi đó, trường hợp của bệnh nhân trên có biểu hiện liệt tay, chân liên quan đến thần kinh tủy sống. Tại Việt Nam, bóng cười được rao bán công khai trên mạng, với giá dao động khoảng trên dưới 2,4 triệu đồng cho 5 kg khí N2O. Ở nhiệt độ bình thường, khí này là chất không màu, không mùi, có vị ngọt nhẹ. Bóng cười không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt. Được biết, khí NO2 trong bóng cười ở một số nước hiện vẫn sử dụng trong y tế, đặc biệt là trong nha khoa khi thực hiện nhổ răng, nha sĩ vẫn sử dụng khí này nhằm giúp bệnh nhân đỡ lo lắng hơn.
Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo giới trẻ không lạm dụng khí cười, nó có thể gây cảm xúc bất thường, thậm chí có thể chóng mặt, giảm khả năng suy nghĩ, nặng hơn có thể dẫn đến bất tỉnh và tử vong vì thiếu ôxy.
Bình luận (0)