Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về bài thuốc chữa bệnh ung thư của lương y Đinh Thị Phiển (thị xã Hòa Bình). Về bài thuốc này, đã có không ít thông tin khác nhau, nghi ngờ sự hiệu nghiệm của bài thuốc cũng như y đức của bà Phiển.
Theo ý kiến của bác sĩ Nguyễn Văn Thỏa (hiện đang công tác tại Sở Y tế tỉnh Hòa Bình) cho rằng: Chưa có cơ sở để khẳng định bài thuốc của bà Phiển là có khả năng chữa được bệnh ung thư.
Bài thuốc "cây xạ đen": Chỉ có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư
Tại cơ sở khám chữa bệnh của bà Đinh Thị Phiển, mỗi ngày cũng có tới hàng chục người tìm đến. Giúp việc cho bà là những lương y hiện cũng đang công tác tại Xí nghiệp Thuốc y học dân tộc Hòa Bình. Đã có rất nhiều người không hiểu thuốc có công dụng thật hay không nhưng cũng lặn lội hàng trăm cây số đến đây để lấy thuốc với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương". Anh Đoàn Văn Thắng quê ở Đồng Hỉ, Thái Nguyên cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi lên đây, lấy thuốc cho người thân hiện bị K giáp trạng. Tôi hy vọng rằng bài thuốc này có hiệu quả cho người thân của mình".
Còn bác Trần Vân Hồng ở Ân Thi, Hưng Yên đã lên đây lấy thuốc 2 lần cho người chú ở TPHCM bị viêm tủy, cho hay: "Người bệnh uống thuốc của bà Phiển, thấy bệnh có chuyển biến, đỡ đau và khỏe ra hơn trước nên lại lên đây để lấy thuốc uống"...
Về phía mình, bà Phiển tỏ ra khá bức xúc về những thông tin bất lợi cho bài thuốc của bà. Bà Phiển khẳng định với phóng viên: "Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ khẳng định rằng bài thuốc của gia đình tôi có thể chữa được hay chữa khỏi căn bệnh ung thư. Muốn khẳng định được thì cần phải có cả một hội đồng khoa học và được thử nghiệm nhiều năm mới có thể kết luận được.
Tôi chỉ biết đây là bài thuốc gia truyền để lại, các thế hệ trước của gia đình tôi đã sử dụng bài thuốc này để làm teo các khối ung, nhọt và những u, cục trong cơ thể của người bệnh và chữa vô sinh rất tốt. Đến khi Thiếu tướng - GS - TSKH Lê Thế Trung nghiên cứu bài thuốc này và cho rằng nó có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư và nó rất có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị ung thư thì bấy giờ các phương tiện thông tin đại chúng mới đưa tin nhiều về bài thuốc của gia đình tôi có tác dụng tốt trong điều trị bệnh ung thư.
Và chính từ lúc đó, người bệnh từ khắp nơi mới đổ về ngày càng nhiều. Tôi rất mong muốn Bộ Y tế nghiên cứu để khẳng định về tác dụng của bài thuốc xem nó ảnh hưởng tích cực hay không có tác dụng gì trong điều trị ung thư. Nếu có thì để cho mọi người tiếp tục điều trị còn không thì tôi cũng rất sẵn lòng dẹp bỏ bài thuốc này".
Sở Y tế Hòa Bình đang nghiên cứu trực tiếp trên người bệnh
Về vấn đề này, bác sĩ Quách Đình Thông, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, cho biết Sở Y tế vẫn đang tiếp tục nghiên cứu trực tiếp trên những người bệnh đã dùng thuốc của bà Phiển. Kết quả ban đầu là rất khả quan và có rất nhiều trường hợp đã tự khẳng định rằng khi uống thuốc của bà Phiển thì không còn thấy đau đớn nữa, sức khỏe tiến triển tốt. Tuy nhiên, để đưa ra được kết luận cuối cùng rằng bài thuốc của bà Phiển thực sự có tác dụng trong điều trị ung thư thì ít nhất phải chờ đợi sau một thời gian khoảng 5 năm, khi những người mắc bệnh ung thư phải có những chuyển biến tích cực về sức khỏe và thể trạng trở lại như lúc ban đầu chưa mắc bệnh. Còn hiện nay, bài thuốc của bà Phiển mới được sử dụng rộng rãi trong thời gian hơn 1 năm nên mọi kết luận nếu đưa ra lúc này sẽ đều là vội vàng.
Tuy vậy, có một sự thật không thể phủ nhận là khi uống thuốc của bà Phiển, nhiều bệnh nhân mà chúng tôi đã tìm gặp đều cho biết họ cảm thấy đỡ đau hơn trước, ăn ngủ tốt hơn trước. Trong khi đó, mức chi phí để điều trị lại không quá tốn kém (nếu so với thuốc tây y trị giá hàng triệu đồng một mũi tiêm thì giá 30.000 đồng/thang thuốc nam là không đáng kể) nên bệnh nhân có thể yên tâm điều trị lâu dài.
Điều mà bác sĩ Thông cũng như lương y Đinh Thị Phiển mong muốn lúc này là Bộ Y tế sớm có những đầu tư, hỗ trợ thích đáng vào công việc nghiên cứu tác dụng của bài thuốc này và để có những kết luận một cách chính thức từ chính những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chống ung thư.
Bình luận (0)