Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt liên quan đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, đòi hỏi người kinh doanh loại hàng hóa này phải là dược sĩ có đủ trình độ chuyên môn. Thế nhưng, những quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế đối với nhà thuốc đang bị xem nhẹ.
Trẻ em thành... “dược sĩ”
Đang diễn ra một thực tế đáng quan ngại là tình trạng các nhà thuốc buôn bán nhộn nhịp trong khi chủ nhà thuốc vắng mặt; người bán thuốc không mặc đồng phục, không đeo bảng tên; nơi bán thuốc ẩm thấp, kém vệ sinh; trẻ em tham gia bán thuốc; bán các loại thuốc kháng sinh, tiểu đường, tim mạch, huyết áp… mà không cần đơn của bác sĩ.
Một lần bị cảm sốt vào ban đêm, đang loay hoay chưa biết đến nhà thuốc nào thì tôi được chị hàng xóm chỉ ra tiệm tạp hóa đầu hẻm để mua với lời dặn: “Ở đó không có bảng hiệu nhà thuốc nhưng cứ vào hỏi mua, người ta sẽ bán”. Theo chỉ dẫn, tôi đến đúng tiệm tạp hóa K.T trên đường 11, phường 4, quận 4, TP HCM. Thấy trên bảng hiệu ghi bán đồ chơi trẻ em, bánh kẹo các loại, tôi nghi ngại nhưng cũng bước vào bên trong. Tại đây, tiệm trưng bày toàn hàng tạp hóa mà chẳng thấy thuốc men gì. Một phụ nữ tuổi chừng trên 50 nghe tôi ho khan vài tiếng, liền hỏi: “Mua thuốc phải không?”. Nghe tôi trả lời em bị “cảm, ho, viêm họng”, người bán nhanh nhẹn kéo hộc tủ bên dưới lấy thuốc. Tôi quan sát thấy các loại thuốc đựng trong chai, vỉ, túi ni-lông, thậm chí để trong các chai kẹo chewing gum và nằm lẫn lộn với nhau. Vừa lấy thuốc, người bán vừa gợi ý: “Lấy kháng sinh mạnh chút cho mau khỏi nghen?”. Tôi gật đầu rồi bắt chuyện: “Chị bán thuốc rành vậy sao không mở hiệu thuốc, lại bán tạp hóa?”. Người bán trả lời trong khi đang loay hoay tìm thuốc: “Trước đây, tôi treo bảng hiệu nhà thuốc đó chứ nhưng thấy thuế cao quá nên đổi bảng tạp hóa để khỏi ai dòm ngó. Với lại, chủ yếu là bán cho khách quen trong khu phố nên ai cũng biết, để bảng hiệu làm gì”.
Tương tự, nhà thuốc tây P.H trên đường Hoàng Diệu, quận 4, TP HCM dù có bảng hiệu đăng ký kinh doanh nhà thuốc đạt chuẩn GPP nhưng chưa bao giờ thấy người đứng bán mặc áo choàng trắng. Đã vậy, khách đến mua thuốc thỉnh thoảng còn gặp những cô bé khoảng 15 tuổi, thậm chí là một em bé độ 8 tuổi, đứng bán, còn người đứng giấy phép kinh doanh lại thản nhiên ngồi xem tivi. Khi tôi khen “bé giỏi quá, mới chút xíu đã thành dược sĩ”, con bé láu lỉnh trả lời: “Bán thuốc dễ lắm cô, mẹ con chỉ dẫn và nhờ con lấy thuốc vài lần là biết liền. Có hôm mẹ đi chợ, chú kia đến mua thuốc cảm, viêm họng mà chờ lâu quá nên con lấy bán luôn. Chỉ cần Tiffy, Decolgen, viên nhộng và kèm thêm kháng sinh, nếu sốt thì con cho thêm viên sủi Efferalgan”. Vừa nói, con bé vừa cười tít mắt ra vẻ hãnh diện lắm. Nghe con nói huyên thuyên, người mẹ từ bên trong nhắc vọng ra: “Bán lẹ lên, nói nhiều quá!”.
Bán thuốc không cần toa
Một vấn đề khác đang đặt ra là tình trạng bán thuốc không cần toa ở không ít nhà thuốc. Có những loại thuốc được quy định phải có toa của bác sĩ mới bán, thậm chí ghi rõ trên bao bì thuốc bán theo toa nhưng với cùng một lý do “bán theo toa có mà chết đói”, các nhà thuốc bất chấp quy định này và vẫn bán thoải mái khi người mua có nhu cầu. Chị Thúy Hằng - một tiểu thương ở quận Bình Thạnh, TP HCM - kể: “Tôi đi mua thuốc cho con nhỏ bị sổ mũi, chủ tiệm bán cho 3 loại, trong đó có mấy gói kháng sinh Hafixim 100 ghi trên bao bì thuốc bán theo toa. Tôi e ngại hỏi loại thuốc này ghi bán theo toa, giờ không có chỉ định của bác sĩ thì uống có sao không? Người bán trả lời: Tôi là dược sĩ kê đơn cho chị được rồi chứ đòi gì bác sĩ nữa!”.
Bán nhiều và khá “thoải mái” là các loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là các thuốc tăng cường sinh lực như Viagra, Cialis, Levitra… dù đã được nhiều bác sĩ lưu ý không tùy tiện sử dụng khi chưa có chỉ định.
Tại nhà thuốc V.D 2 trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM, đứng bán thuốc là một nữ dược sĩ còn khá trẻ. Khi tôi nói chồng mình bị yếu sinh lý không biết có thuốc gì hay thì người bán đi ngay đến cái kệ có ghi dòng chữ “thuốc kê toa” lấy ra mấy lọ Ausbiomed (Úc), Benamic (Mỹ), bổ thận tráng dương và cả rượu với lời giới thiệu đây là những loại nên dùng hằng ngày để giúp phục hồi sinh lý nam. Tiếp đó, cô này lấy ra mấy vỉ Viagra và Adagrin bảo tôi cho chồng uống “sẽ có tác dụng tức thời”. Khi tôi hỏi có cần đi khám bác sĩ rồi mới dùng thuốc không thì cô trả lời “không cần” và tư vấn thêm: “Chị chỉ cần cho anh điều trị kết hợp Adagrin và Ausbiomed là được. Ở đây em bán mấy loại này nhiều, ai đã mua một lần đều quay lại vì thuốc công hiệu lắm. Không chỉ người lớn tuổi mà thanh niên dưới 30 tuổi cũng đến hỏi mua. Chị cứ an tâm cho anh nhà uống”. Thấy tôi còn chần chừ, cô ta lại giục: “Chị cứ lên mạng xem tên thuốc và cách dùng, ưa loại nào thì ra đây em bán”.
Theo cảnh báo của các chuyên gia y dược, thuốc là con dao hai lưỡi, bên cạnh tác dụng có lợi là những tác dụng không mong muốn, tác dụng phụ hoặc phản ứng có hại do thuốc gây ra, trường hợp nặng có thể dẫn đến tai biến, thậm chí tử vong. Bức tranh mua bán thuốc đang lộ rõ những mảng tối, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra, xử phạt nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những nguy hại trước mắt và tiềm tàng đối với người bệnh.
TP HCM: 46 nhà thuốc bị đình chỉ hoạt động
Theo Thanh tra Sở Y tế TP HCM, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã thanh - kiểm tra định kỳ và đột xuất 2.779 cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, phạt 296 cơ sở với tổng số tiền 1,7 tỉ đồng; đình chỉ hoạt động 46 cơ sở, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn 1 tháng đối với 12 cơ sở và 3 tháng đối với 1 cơ sở. Các vi phạm chủ yếu gồm: Người quản lý chuyên môn vắng mặt không thực hiện việc ủy quyền theo quy định; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; để lẫn các sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc; không thực hiện việc theo dõi hoạt động mua bán thuốc theo quy định.
90% người dân mua kháng sinh không cần toa
Các nghiên cứu chỉ ra rằng Việt Nam có số lượng người bệnh sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần số liệu của các nước châu Âu. Đặc biệt, tình trạng lạm dụng kháng sinh đã đến mức báo động với khoảng 90% người dân tự ý mua kháng sinh, tự điều trị không cần chẩn đoán, không cần kê đơn. Người dân tự chữa bệnh, dùng lại đơn cũ, “bắt chước” đơn thuốc… là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam ngày càng tăng. Nhiều chuyên gia cho rằng việc tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh không những kéo theo chi phí tiền thuốc tăng mà còn khiến nhiều loại kháng sinh dần dần bị vô hiệu hóa, gây ra những hậu quả khó lường cho người sử dụng.
N.Dung
Bình luận (0)