Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cùng lãnh đạo các bệnh viện (BV) lớn tại TP HCM đã cùng ngồi lại để chia sẻ cảm xúc về những ngày tháng khốc liệt chưa từng có trong lịch sử ngành y tại bàn tròn và giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cảm ơn blouse trắng” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 23-2 nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2022).
Thao thức với BV dã chiến
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thông tin ngày 22-2, ngành y tế đã báo cáo lãnh đạo TP về tình hình dịch cơ bản đã kiểm soát, tuy nhiên, công việc vẫn chưa dừng lại. Bởi hiện nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp, Covid-19 biến thể liên tục. "Qua một khảo sát ngẫu nhiên với số lượng nhỏ, ngành y tế ghi nhận hiện nay, ca bệnh tại TP phần lớn là Omicron chiếm lĩnh. Đó là lý do vì sao ca mắc đang tăng, tuy nhiên, dù số ca mắc tăng nhưng các ca nặng và tử vong đều giảm rõ rệt. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, Covid-19 này sẽ chấm dứt" - PGS Tăng Chí Thượng tin tưởng.
Chia sẻ về lý do thành lập BV dã chiến đầu tiên tại TP HCM cách đây 2 năm khi số bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, PGS Tăng Chí Thượng cho biết cách đây 2 năm, lúc đó là ngày 10-2-2020, BV Dã chiến Điều trị Covid-19 Củ Chi đi vào hoạt động với sự phối hợp của Bộ Tư lệnh TP.
"Trong vòng 11 ngày, BV đã được thành lập ngay tại một trường quân sự, khi đó phòng ốc xuống cấp đã nhanh chóng trở thành BV với khu hồi sức, khu cấp cứu, khu cách ly, phòng áp lực âm… Thời điểm đó, chúng ta cũng nhận được nhiều băn khoăn vì lúc đó Covid-19 chỉ lác đác vài ca. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng không nên dùng BV dã chiến để người dân hoang mang" - PGS Thượng kể lại.
Theo PGS Thượng, những quyết định trên là căn cứ khoa học để ngành y tế tham mưu sớm cho TP sớm lập BV dã chiến. Bởi qua tìm hiểu, thời điểm đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, đây là bệnh mới có cơ chế lây lan nhanh tại một số nước dịch đã bùng phát dữ dội như Mỹ, Ấn Độ. "Chúng tôi dự báo trước thế nào ngày đó sẽ đến Việt Nam. Khi dịch bùng phát, TP đã nhanh chóng lập 36 BV dã chiến với quy mô 50.000 giường. Nếu không có các BV dã chiến này thì sẽ không biết thế nào. Có thời điểm sáng thành lập tối đã không còn giường. Điều này cho thấy quyết định thành lập BV dã chiến đầu tiên ở Củ Chi mang tính lịch sử đúng như dự báo của ngành y tế " - PGS Tăng Chí Thượng cho hay.
Nhớ lại tháng ngày chống dịch, PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, cho biết BV Dã chiến đa tầng Tân Bình khác hẳn quy trình các BV dã chiến khác. Thời điểm đó, BV Thống Nhất không giao nhiệm vụ điều trị Covid-19 mà giữ vững vùng xanh "mặt trận" vì chăm sóc bệnh nhân là cán bộ. Tuy nhiên, Covid-19 không đợi ai nên mọi khoa cấp cứu của các BV phải tiếp nhận. "Có những lúc bệnh nhân quá tải, tôi gọi BS Tăng Chí Thượng giữa đêm để xin gửi bệnh nhân. Về BV dã chiến đa tầng, đầu tháng 8 tôi đã đi tìm. Sau khi khảo sát thấy ở quận Tân Bình có cơ sở thu dung phù hợp nên xuống ngay. Với sự đồng thuận nhiều bên, BV thu dung tất cả các tầng được xây nên. BV Thống Nhất theo dõi ca nặng, BV quận Tân Bình theo dõi ca mức trung bình. Trong vòng 7 ngày xây xong BV dã chiến đa tầng, chia làm 3 khu nhẹ - vừa và nặng hồi sức", PGS-TS-BS Lê Đình Thanh kể lại.
Theo BS Thanh, sau 3 ngày thiết lập hệ thống ôxy trung tâm, đây là mô hình hiệu quả trong địa phương đông người có dịch bệnh bùng phát. Mô hình phòng chống dịch nhân dân: Trung ương - địa phương - y tế cơ sở. BV dù đa tầng nhưng chuyển tầng là rất ít, nếu chuyển tầng thì vận hành đơn giản, không quá phức tạp, không tiêu hao vật tư, thiết bị.
Quang cảnh bàn tròn, giao lưu “Cảm ơn blouse trắng” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 23-2. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thiếu thốn, gian khổ nhưng không đơn độc
Đối với PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương (TP HCM), nhắc lại những ngày tháng khốc liệt đã qua, đối với bà nhiều điều không muốn nhớ nhưng có những điều không thể nào quên. "Nhớ lại những ngày chống dịch cảm xúc rất đặc biệt, đó là nỗi buồn xen lẫn niềm vui và tự hào khi bây giờ TP đã xanh trở lại" - PGS Tuyết bày tỏ.
PGS Tuyết nói TP đã trải qua đợt dịch lần thứ 4, có những cái chúng ta muốn quên đi rất nhiều nhưng có những điều bà luôn nhớ. Điều muốn quên đi là khi dịch bùng phát, quét qua TP đã cướp đi hơn 22.000 người và tác động nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của TP. Hình ảnh phong tỏa khắp nơi, đường phố vắng lặng cũng là điều khiến bà cảm thấy đau lòng. Không chỉ vậy, ở trong BV cũng là hình ảnh khốc liệt khi có quá nhiều bệnh nhân là sản phụ mắc Covid-19.
Theo PGS Tuyết, tháng 6, 7-2021, thời điểm đó thai phụ chưa được tiêm vắc-xin nhưng số ca bệnh, tử vong tăng, đây là trăn trở rất lớn của các y - bác sĩ. "Tôi và các đồng nghiệp đã tìm hiểu, nghiên cứu và được biết trên thế giới đã cho phép thai phụ tiêm ngừa vắc-xin Covid-19. Do đó, ngoài chuyện theo sát điều trị thì tiêm vắc-xin cũng là vũ khí quan trọng giúp giảm số ca tử vong, giảm số ca nặng nên tôi đã mạnh dạn kiến nghị Bộ Y tế tiêm cho thai phụ. May mắn lúc đó tôi là thành viên Hội đồng Tiêm chủng quốc gia, tôi cũng thuyết phục hội đồng tiêm vắc-xin cho thai phụ. Sau đó, cũng được đồng ý. Đến ngày 12-8 là ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc-xin cho thai phụ của cả nước được tổ chức tiêm tại BV Hùng Vương" - PGS Tuyết nhớ lại.
PGS Tuyết cho biết qua theo dõi, chỉ 2 tuần sau tiêm số ca bệnh giảm, ca nặng cũng giảm. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn đó, PGS Tuyết nhấn mạnh ngành y tế không đơn độc để chống dịch vì nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của các TP, của nhà hảo tâm và người dân cả nước nói chung, TP nói riêng.
Điều dưỡng Đỗ Thị Kim Liên, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhân dân Gia Định, cho biết chị và đồng đội nhận nhiệm vụ tiếp ứng BV Gò Vấp chuyển đổi công năng thành BV Điều trị Covid-19. Ngày đầu mới đến, trang thiết bị, vật tư phòng hộ chưa kịp chuyển đủ, nhưng hơn 10 chiếc xe cấp cứu đã đậu đầy, bệnh nhân tụt huyết áp, tụt ôxy chờ được cứu... Rồi ký ức những ngày sau ở BV Hồi sức Covid-19, khi về lại BV Nhân dân Gia Định vận hành BV tách đôi, phải tiễn đưa những người không thể cứu chữa…, khiến điều dưỡng Kim Liên không kìm được nước mắt.
Sứ mệnh cứu người
Đối với BSCKII Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cuộc chiến chống dịch thực sự khốc liệt và cũng là sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. BS Sóng cho biết còn nhớ vào khoảng tháng 7, 8-2021, lượng bệnh nhân Covid-19 rất đông nhưng BV dã chiến chưa nhiều. BV Nhân dân 115 là bệnh đa khoa lớn nên lượng bệnh nhân cũng rất lớn. Sở Y tế giao 500 giường nhưng thực tế lúc nào cũng cao hơn…
"Chúng tôi thấy rằng cứu người là sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. Tại BV lúc này bên trong không còn giường nên chúng tôi quyết định căng lều tiếp nhận bệnh nhân. Tại đây có những câu chuyện hết sức xúc động như chúng tôi phải mang từng bình ôxy, dây ôxy đến cho người bệnh khu lều. Có những bệnh nhân dù sắp xếp được giường bên trong nhưng họ không đi, điều đó cho thấy rằng họ rất mừng vì khỏi bệnh. Chúng tôi rất vui khi làm hết sức mình để đón tất cả bệnh nhân vào viện" - BS Sóng nhớ lại.
BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết chiếc điện thoại của ông hiện vẫn lưu giữ những tin nhắn, lời cảm ơn, có lời trách móc của người bệnh, cả đồng nghiệp vì người thân gọi để được vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nhưng không được vì lúc đó không còn cách nào. Đêm cấp cứu ngoại viện ngồi trên xe cứu thương nhìn những con đường vốn nhộn nhịp giờ chỉ còn những chiếc xe cứu thương mà rớt nước mắt. Tại các BV nhìn đồng nghiệp như kiệt sức, mệt lả vật vã nhưng vẫn phải gắng gượng vì người bệnh… "Cuộc chiến này, với tôi chắc chắn không thể nào quên mà theo suốt cuộc đời. Đến nay đã có tia sáng, sự gắn kết, gắn bó. Đọng lại là sự đoàn kết, tình người giúp chúng ta vượt qua đại dịch này" - BS Linh hồi tưởng.
"Cảm ơn blouse trắng" cũng là cảm ơn cộng đồng
Chia sẻ tại bàn tròn, giao lưu "Cảm ơn blouse trắng", TS - nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh chúng ta vừa trải qua những đợt dịch rất kinh khủng và trong suốt quá trình đó, các y - bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu không có sự hy sinh, sự hết mình, lăn xả của y - bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu thì chắc chắn rằng giờ đây chúng ta không thể ngồi với nhau như thế này.
"Hôm nay nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam và cũng là một dịp nói lời cảm ơn các y - bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình bàn tròn và giao lưu trực tuyến "Cảm ơn blouse trắng", như một dịp để bạn đọc cả nước có thể bày tỏ tình cảm của mình đối với y - bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu" - ông Tô Đình Tuân nói.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân tặng hoa các đại biểu dự bàn tròn, giao lưu “Cảm ơn blouse trắng”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Suốt hơn 2 năm đại dịch vừa qua, Báo Người Lao Động là một trong những cơ quan truyền thông đi đầu trong các hoạt động đồng hành với lực lượng y tế. Từ tháng 4-2020 khi dịch bắt đầu bùng phát, Báo Người Lao Động đã tổ chức chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" để hỗ trợ người dân và cũng là cách chia sẻ với lực lượng tuyến đầu. Khi đại dịch bùng phát vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, Báo Người Lao Động đã tổ chức chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", huy động được sự đóng góp của cộng đồng, từ đó chuyển hóa thành các vật dụng chống dịch như trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước khử khuẩn, trang phục bảo hộ… Tất cả sự đóng góp của cộng đồng đã được báo trực tiếp đến hơn 100 bệnh viện và khu cách ly, trao tặng các đơn vị.
"Trong những ngày dịch căng thẳng nhất, khoảng tháng 8-2021, chúng tôi nghĩ phải làm một điều gì đó để vinh danh, cảm ơn những người thầy thuốc và chúng tôi đã quyết định tổ chức cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi", với không gian, thời gian không giới hạn, huy động sự chia sẻ của bạn đọc cả nước với các y - bác sĩ đã xả thân quên mình. Cuộc thi này có ý nghĩa rất to lớn và hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam và cũng là một chặng đường để nhìn lại cuộc thi này" - ông Tô Đình Tuân nói. Ông Tô Đình Tuân thay mặt Đảng ủy Ban Biên tập Báo Người Lao Động, thay mặt bạn đọc cả nước, chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo ngành y tế, lãnh đạo BV, các y - bác sĩ, điều dưỡng đã trực tiếp chữa trị bệnh nhân, hết lòng hết sức vì người dân, hết lòng hết sức vì nhân dân. Người dân cả nước luôn ghi nhớ điều đó.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đã thay mặt ngành y tế cảm ơn Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu. Đặc biệt, thay mặt những người mặc áo blouse trắng cảm ơn các cơ quan truyền thông. "Nếu không có sự đồng thuận, giúp sức của mọi người thì ngành y tế khó hoàn thành nhiệm vụ" - PGS Tăng Chí Thượng bày tỏ.
Nhớ lại tháng ngày chống dịch, PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nói ông rất xúc động, vui vì đứng ở đây với đồng nghiệp, trao đổi với nhau tại bàn tròn chủ đề "Cảm ơn blouse trắng". "Cảm ơn blouse trắng" cũng có nghĩa là cảm ơn tất cả người dân, đặc biệt lực lượng truyền thông báo chí bước vào đại dịch này. Chính sự đồng hành của người dân, cộng đồng, truyền thông mà chúng ta đi qua và kiểm soát được dịch bệnh.
. PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TP HCM:
Sự lớn mạnh hơn của ngành y tế
Rất nhiều thách thức và thách thức nhất là làm thế nào để giảm tử vong khi TP trải qua đợt dịch lần thứ 4 khi biến thể Delta xâm nhập. Từ mỗi ngày vài chục ca tăng lên vài trăm ca tử vong, đỉnh điểm cao nhất là ngày 23-8 với 340 ca tử vong. Lúc đó áp lực là phải giảm tử vong. Do đó, hàng loạt BV hồi sức được thành lập. 10 người vào hồi sức mà cứu được hơn một nửa cũng là rất mừng vì tình trạng rất nặng. Sau đó, chúng tôi tìm được nguyên nhân tử vong chính là người có nguy cơ và tập trung chăm sóc đối tượng này thì đến nay số tử vong đã giảm. Không ai muốn nhớ lại nhưng trải qua hết rồi, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm, giả dụ dịch bùng lại cũng không đến nỗi bỡ ngỡ như vừa qua. Không chỉ là sự nỗ lực của ngành y tế mà còn là sự hỗ trợ lớn của lãnh đạo TP, của người dân.
. PGS-TS-BS LÊ MINH KHÔI, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị Hồi sức Covid-19, BV Đại học Y Dược TP HCM:
Đội ngũ y tế không ngã lòng
Nếu không có tình đồng bào của người dân với lực lượng y tế thì thực sự chúng ta rất khó để vượt qua đại dịch khốc liệt vừa rồi. Khi BV Đại học Y Dược thành lập đơn vị Covid-19, BV phát động kêu gọi học viên cũ BV về hợp sức. Nhiều bạn trẻ từ miền Tây, từ miền Trung tăng cường về TP HCM như Hà Tĩnh, Cần Thơ. Tất cả BV đều làm việc hết mình, đóng góp cho TP và cả nước. BV Đại học Y Dược lúc đó đưa 300 nhân viên đi các BV dã chiến, đồng thời BV tự thân thành lập đơn vị hồi sức Covid. Khó khăn là tất yếu nhưng không ngã lòng. Có lo lắng liệu đủ sức khỏe, song cứ tiến tới, nhủ lòng phải làm gì đó đầy ý nghĩa trong công việc của mình.
. Thượng tá, BSCKII VŨ ĐÌNH ÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị người bệnh Covid-19, BV Quân y 175:
Hạnh phúc khi bệnh nhân vượt qua nguy kịch
Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là hai sản phụ Thu Trinh và Ngọc Hoài, được chuyển đến cách nhau 6 ngày từ BV Hùng Vương và BV Từ Dũ, đều là 2 sản phụ thở máy nguy kịch, cần tới ECMO nhưng lúc đó cả 2 máy ECMO đều đang được sử dụng. Sau khi xin ý kiến các thầy cô từ các BV và hội chẩn, chúng tôi đã quyết định tiến hành kỹ thuật chia đôi ECMO và rất may mắn điều này đã cứu sống cả 2 em. Sau đó là cả một chuỗi điều trị cho em Ngọc Hoài, một bệnh nhân đã phải trải qua thêm 3 lần chảy máu lớn, phải cầm máu cho các em. Đã truyền cho cô ấy hơn 45 lít máu và chế phẩm máu… Nhưng các em đều đã vượt qua. Tối qua, trong một cuộc giao lưu với HTV, cả hai em sản phụ đều xuất hiện, hết sức khỏe mạnh, 2 cháu nhỏ đều lấy tên tôi…
. BSCKII VÕ ĐỨC CHIẾN, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương:
Hy sinh giờ phút riêng tư
Ở góc độ lãnh đạo, khi thấy các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, phải hy sinh giờ phút riêng tư, không chăm sóc được chính người thân của mình, tôi rất trăn trở. Tôi nghĩ không chỉ ở BV chúng tôi, mà tất cả các BV nói chung, cần có chính sách phù hợp từ các cấp để bù đắp phần nào những hy sinh, những tổn thất của các nhân viên y tế, để chúng ta tiếp tục huy động được lực lượng này, không chỉ cho dịch Covid-19 mà có thể là cả những trận chiến khác sau này.
. TS-BS LÊ THANH CHIẾN, Giám đốc BV Trưng Vương:
Nhẹ nhõm khi thấy có ôxy
Chúng tôi ý thức được rằng phải hành động để cứu được người bệnh. Tôi sợ nhất xảy ra cảnh bệnh nhân tới mà nếu không có ôxy để thở, bệnh nhân phải ra đi. Nếu thiếu dịch truyền, thiếu thuốc thì chúng ta còn có một khoảng thời gian để ứng biến, nhưng thiếu ôxy thì chỉ vài phút có thể bệnh nhân ra đi. Do đó chúng tôi đã tăng cường thêm một bồn ôxy, nâng công suất lên 25 khối. Lúc đó phải vận động mọi nguồn lực, đi xin là chính. Rất may chỉ trong vòng 1 tuần, các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho chúng tôi tới 400 bình ôxy. Cho đến khi bồn ôxy lỏng thứ 2 có được, chúng tôi mới bắt đầu nhẹ lòng.
Bình luận (0)