Hiện tỉ lệ học sinh các cấp học trên địa bàn TP Hà Nội đăng ký ăn bán trú tại trường ngày càng tăng. Nhiều trường học đã đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn bảo đảm đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thành lập tổ giám sát nhập thực phẩm, suất ăn có sự tham gia của phụ huynh... Mặc dù vậy, một số sự cố đáng tiếc liên quan đến suất ăn trong trường học vẫn xảy ra.
Nỗi lo của phụ huynh
Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế TP Hà Nội, từ năm 2010 đến 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học.
Có con đang học lớp 1, chị Nguyễn Thu Hà (quận Đống Đa) chia sẻ nỗi quan tâm lớn nhất của chị là việc ăn bán trú tại trường của con. "Con nhà tôi khó ăn, hấp thu kém. Vì vậy, tôi khá lo lắng khi con ăn bán trú ở trường. Chỉ cần chút đồ ăn lạ là con bị rối loạn tiêu hóa" - chị Hà tâm sự.
Từ những vụ ngộ độc xảy ra trong trường học thời gian qua, một số phụ huynh bày tỏ mong muốn đối với công tác ăn bán trú, ban giám hiệu các trường phải thể hiện được trách nhiệm, sát sao kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nơi sản xuất, công ty cung cấp một cách thường xuyên chứ không phải chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới xem xét đến hợp đồng, trách nhiệm. "Hơn ai hết, các nhà trường, thầy cô giáo cùng đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn phải đặt chữ "tâm" lên hàng đầu; phải coi học sinh như con, cháu của mình để mang đến cho các con những bữa ăn tốt nhất có thể" - chị Hằng có con đang tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai nêu quan điểm.
Tất cả vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh
Để bữa ăn bán trú an toàn, chất lượng
Mới đây Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại một trường tiểu học quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Bắt đầu từ kho bảo quản thực phẩm, trường học này đã có nơi bảo quản thực phẩm sống, thực phẩm đóng hộp riêng. Theo yêu cầu, từ lúc nhập nguyên liệu, sơ chế cho đến khi nấu chín và phục vụ suất ăn cho học sinh, tất cả chỉ được phép đi theo một chiều để tránh lây nhiễm chéo. Sau khi chế biến xong, thức ăn đều phải lấy mẫu, ghi chép đầy đủ thông tin, bảo quản trong 24 giờ để nếu có xảy ra ngộ độc thực phẩm thì kịp thời truy vết.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, chính vì vậy, việc bảo đảm ATTP tại các bếp ăn bán trú luôn được các cơ quan chức năng của thành phố cùng các trường đặc biệt quan tâm. Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hà Nội, cho biết vấn đề ATTP ngày càng được nhìn nhận có tầm quan trọng đặc biệt. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn đối với việc cải thiện sức khỏe con người và chất lượng cuộc sống cũng như về lâu dài, đối với sự phát triển giống nòi của dân tộc. Tại Hà Nội, công tác quản lý ATTP đã được chú trọng, đặc biệt các bếp ăn tập thể đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm... Nguyên nhân chủ yếu là việc thực hiện các quy định điều kiện ATTP chưa bảo đảm, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.
Việc bảo đảm mỗi suất ăn vừa đủ lượng, đủ chất và ATVSTP cho học sinh cần trách nhiệm lớn của các bên
Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm
Để tăng cường công tác quản lý ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tại bếp ăn tập thể trên địa bàn, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể: Sở Y tế TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra ATTP của bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các trường có bếp ăn bán trú; kiểm tra các bếp ăn tập thể, căng-tin tại các trường học trên địa bàn quản lý theo phân cấp, tập trung kiểm tra nguồn gốc thực phẩm đưa vào, xét nghiệm nhanh, lấy mẫu ngẫu nhiên để đánh giá chất lượng thực phẩm khi thấy cần thiết; kiên quyết xử lý vi phạm tại các bếp ăn tập thể, căng-tin khi có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP…
Liên quan đến vấn đề này, TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường học. Người đứng đầu quận, huyện, thị xã sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý. Việc bảo đảm mỗi suất ăn vừa đủ lượng, đủ chất và ATVSTP cho học sinh cần trách nhiệm lớn của các bên.
Bình luận (0)