Trong năm 2021, TP HCM trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 dẫn đến hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến tỉ lệ tiêm chủng của trẻ còn thấp, đặc biệt là tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch.
Nhiều trẻ chưa tiêm đủ mũi, đúng lịch
Theo lãnh đạo Trạm Y tế xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, từ tháng 10-2021 đến nay, đơn vị này đã lên danh sách và tổ chức 3 buổi tiêm chủng mỗi tuần cho trẻ. Tuy nhiên, do nguồn vắc-xin hết nên nhiều trẻ chưa được tiêm đủ mũi, đúng lịch.
Xã Thới Tam Thôn có 853 trẻ nằm trong độ tuổi tiêm chủng, nhưng chỉ 121 trẻ được tiêm đủ mũi các loại vắc-xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Một số loại vắc-xin chưa đạt chỉ tiêu như DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), IPV (bại liệt)…, trạm đã báo cáo chi tiết để Sở Y tế TP HCM kịp thời cung cấp.
Bác sĩ khám cho trẻ trước khi tiêm vắc-xin
Tương tự, hoạt động tiêm chủng mở rộng của huyện Bình Chánh cũng không đạt chỉ tiêu. Tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ mũi sởi 2 và mũi DPT4 (bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4) là dưới 95%. Số trẻ được quản lý trong chương trình tiêm chủng mở rộng chiếm tỉ lệ thấp so với tổng dân số toàn huyện, điều này dẫn đến nguy cơ bỏ sót trẻ rất lớn. Do đó, Sở Y tế cũng đề nghị huyện Bình Chánh phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, mời gọi trẻ ra tiêm, tránh tình trạng bỏ sót trẻ ngay cả ở những xã có tỉ lệ tiêm chủng báo cáo đạt.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), năm 2021, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi tại 21 quận, huyện, TP Thủ Đức đều không đạt chỉ tiêu ≥95% (trừ huyện Cần Giờ). Đối với tỉ lệ tiêm mũi nhắc cho trẻ trên 18 tháng, 22 quận, huyện, TP Thủ Đức cũng không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, số trẻ đã tiêm mũi sởi 2 đạt tỉ lệ 64,7% (thiếu 30,3% so với chỉ tiêu cần đạt là ≥95%) và DPT4 đạt 56,8% (thiếu 28,2% so với chỉ tiêu cần đạt là ≥ 80%).
Trước tình hình trên, các chuyên gia y tế cũng lo ngại nếu tỉ lệ tiêm chủng không đạt nguy cơ bùng các loại dịch khác là rất lớn.
Tổ chức tiêm bù, tiêm vét
Bác sĩ Nguyễn Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, cho biết tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ sẽ bảo đảm đáp ứng miễn dịch tốt hơn, bảo vệ chắc chắn hơn. Bác sĩ Nga cũng khẳng định tình trạng vắc-xin nằm trong chương trình mở rộng trên địa bàn TP không thiếu. Do đó, phụ huynh cần xem lại lịch tiêm của trẻ, chủ động nắm bắt thông tin tổ chức tiêm chủng tại địa phương. Khi có thông báo tiêm bù, sắp xếp cho trẻ đi tiêm ngay khi có thể.
Theo PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TP HCM kiêm Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), tỉ lệ tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam khá tốt. Riêng mũi DPT đạt tỉ lệ cao trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, mũi nhắc lại thứ 4 có thể do phụ huynh quên hoặc do sự dịch chuyển dân cư nên bị gián đoạn.
PGS Nguyên cũng nhấn mạnh kháng thể sẽ giảm theo thời gian. Do đó, nếu tiêm chủng không đầy đủ sẽ trở thành mầm bệnh lây cho người khác. Trước đó, năm 2015, tại Hà Nội đã xảy ra dịch sởi do tỉ lệ tiêm chủng không đạt.
Lý giải về tỉ lệ tiêm chủng không đạt trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, PGS Nguyên cho biết có thể do dịch chuyển dân số sau dịch. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng chọn tiêm dịch vụ. Theo số liệu, tỉ lệ tiêm chủng dịch vụ chiếm hơn 70% số trẻ khiến việc rà soát gặp khó khăn. Để quản lý được số trẻ này, giải pháp cần có là quản lý bằng công nghệ thông tin, tuy nhiên điều này phải đòi hỏi có thời gian.
TS-BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỉ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt là điều khó tránh khỏi. Theo TS Luân, năm 2014, các dịch bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván… bùng lên do tỉ lệ tiêm chủng mở rộng thấp. Trong quá khứ cũng có nhiều đợt bùng phát dịch bệnh khi tỉ lệ tiêm ngừa thấp. Hiện tại, dịch Covid-19 đã được kiểm soát thì các loại dịch có vắc-xin có khả năng bùng phát nếu không tiêm ngừa đầy đủ. Do đó, hiện tại là thời điểm tốt để tranh thủ tiêm ngừa cho trẻ.
Tuy nhiên, phụ huynh đừng nên quá lo lắng về chất lượng đáp ứng miễn dịch kém nếu tiêm trễ liều nhắc. Bởi theo nguyên tắc, khi trẻ đã được tiêm thì có trí nhớ miễn dịch, nếu được tiêm nhắc lại thì vẫn kích thích hệ miễn dịch, sau vài tuần trẻ sẽ có kháng thể trong cơ thể.
Sở Y tế TP cho biết thời gian tới, ngành y tế TP sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét; đồng thời theo dõi tiến độ tiêm chủng mở rộng của trẻ năm 2022, bảo đảm độ bao phủ phòng bệnh cho trẻ. Song song đó, TP sẽ huy động nhân sự tổ chức rà soát đối tượng trên địa bàn và mời tiêm theo nhóm đối tượng ưu tiên của từng địa phương, đặc biệt các quận, huyện có tỉ lệ tiêm thấp và chỉ tiêu chưa đạt.
Đối với công tác tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế TP HCM cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện huy động nhân sự hỗ trợ ngành y tế tổ chức rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn và thực hiện mời tiêm theo nhóm đối tượng ưu tiên của từng địa phương.
11 loại vắc-xin miễn phí cho trẻ
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Mục tiêu của chương trình là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Từ năm 2020 đến nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng có 11 loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Bình luận (0)