Sáng 23-3, tức gần 5 ngày sau ca phẫu thuật, sức khỏe chị H. đã ổn định. Theo bác sĩ Trần Hoài Sơn, Trưởng khoa Sản của bệnh viện, trước đó, bệnh nhân nhập viện lúc 17 giờ 30 phút ngày 18-3 trong tình trạng hết sức nguy ngập do vỡ thai ngoài tử cung nằm ở vòi trứng phải.
Bệnh viện An Bình đã phải lập tức khởi động quy trình báo động đỏ nội viện. Trong vòng 20 phút, bệnh nhân vừa được phẫu thuật, vừa được thực hiện các xét nghiệm song song bởi đã không còn thời gian để làm xét nghiệm trước mổ. Bác sĩ Nguyễn Chí Trai, Khoa Gây mê hồi sức, cho biết: ê kíp mổ đã phải truyền gần 2 lít máu cho bệnh nhân, đồng thời kẹp cắt phần vòi trứng có thai vỡ để cầm máu và làm sạch ổ bụng. Rất may, ca mổ cấp tốc hoàn toàn thành công, sinh hiệu của chị H. dần ổn định trở lại.
Thai ngoài tử cung hay thai lạc chỗ là hiện tượng trứng sau khi thụ tinh, trở thành bào thai, thay vì di chuyển vào buồng tử cung và bám lại, thì lại “đi lạc” và trú ngụ lại ở một vị trí khác trong cơ thể, gặp nhiều nhất là ở vòi trứng. Thậm chí, có các trường hợp thai lạc chỗ ra khỏi tử cung, bám vào trong ổ bụng, cuống gan… Thai ngoài tử cung có chỉ định đình chỉ thai kỳ bắt buộc, nếu không thai lớn lên sẽ vỡ, gây xuất huyết, viêm phúc mạc… và đe dọa tính mạng bệnh nhân. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung là: đã có tiền sử thai ngoài tử cung, viêm nhiễm, phá thai hoặc thực hiện các thủ thuật buồng tử cung…
Các bác sĩ sản khoa khuyên rằng, khi trễ kinh 2-3 tuần, người phụ nữ nhất thiết nên đi khám thai lần đầu để xác định sơ bộ tình trạng thai: bao nhiêu thai, thai có sống hay không, có nằm trong buồng tử cung hay không.
Bình luận (0)