xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp cứu ngoại viện góp phần giảm 45% tỉ lệ tử vong

NGUYỄN THẠNH

(NLĐO) - Chiều 8-11, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talkshow chủ đề "Thúc đẩy cấp cứu ngoại viện phát triển" với sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế TP HCM và một số cơ sở y tế trên địa bàn

Thúc đẩy cấp cứu ngoại viện phát triển

Cấp cứu ngoại viện là một trong hai hoạt động cấp cứu được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 - được Quốc hội thông qua ngày 9-1.

Với tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện, ngành y tế TP HCM đã triển khai đề án "Nâng cao năng lực Trung tâm Cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo", đồng thời đã đề xuất triển khai đề án mở ngành đào tạo các loại hình nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện chính quy, chuyên nghiệp.

Cùng nhìn lại hoạt động cấp cứu ngoại viện tại TP HCM trong thời gian qua; những thuận lợi, khó khăn và thách thức mà các đơn vị đang đối mặt là gì? Giải pháp nào để thúc đẩy mô hình hoạt động cấp cứu ngoại viện phát triển mạnh, đặc biệt xây dựng nguồn nhân lực cấp cứu chính quy, chuyên nghiệp trong thời gian tới? Làm sao để người dân tiếp cận nhanh hơn khi xảy ra những biến cố khẩn cấp, cần cấp cứu ngoại viện?…

Hàng loạt vấn đề sẽ được những người trong cuộc giải đáp tại talkshow "Thúc đẩy cấp cứu ngoại viện phát triển" do Báo Người Lao Động tổ chức lúc 14 giờ ngày 8-11. Tham gia chương trình talkshow có:

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM

- BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM

- Thượng tá, TS Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 TP HCM

Chương trình sẽ được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động điện tử (nld.com.vn) và phát trên các nền tảng media của báo. 

17:09 ngày 08/11/2023

Kết nối 3 cụm y tế chuyên sâu

Trong đề án "Nâng cao năng lực Trung tâm cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo" của Sở Y tế TP HCM cho biết sẽ phát triển Trung tâm Cấp cứu 115 theo 3 cụm y tế chuyên sâu và mở thêm 2 trạm cấp cứu đường thủy và đường hàng không, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ đôi nét về đề án này sẽ được thực hiện và triển khai ra sao?

TS-BS Nguyễn Anh Dũng:

Trong đề án y tế phát triển y tế TP HCM, ngành y tế xác định một số nhóm nhiệm vụ trong tâm: Nâng cao năng lực phòng chống dịch; nâng cao y tế cơ sở; phát triển y tế chuyên sâu; phát triển y tế ngoài bệnh viện.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế TP để trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía Nam và của cả khu vực ASEAN. Đề án phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố theo 3 cụm: Cụm y tế trung tâm, cụm y tế Tân Kiên và cụm y tế Thủ Đức.

Khi đó, hệ thống cấp cứu 115 ở 3 cụm y tế chuyên sâu sẽ kết nối, không chỉ đáp ứng tại TP HCM mà cả phía Nam.

16:49 ngày 08/11/2023

Sự ghi nhận của người dân cũng là nguồn động viên

MC: Theo các bác sĩ, chúng ta cần có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời cho lực lượng cấp cứu ngoại viện để động viên họ trong bối cảnh chế độ đãi ngộ cho lực lượng này chưa tương xứng?

TS-BS Nguyễn Anh Dũng:

Thời gian vừa qua, ngành y tế TP HCM đã tổ chức khen thưởng nóng những trường hợp cấp cứu ngoại viện làm tốt nhiệm vụ; cứu ngoạn mục những trường hợp nguy kịch, khẩn cấp. 

Đối với cộng tác viên tham gia công tác cũng được đề xuất khen thưởng, động viên.

undefined - Ảnh 1.

BS CK2 Nguyễn Duy Long: 

Động viên và khen thưởng anh em cấp cứu ngoại viện là việc làm cần thiết được thực hiện thường xuyên. Thực tế thời gian qua, có nhiều khen thưởng của ngành y tế dành cho cấp cứu ngoại viện.

Trung tâm Cấp cứu 115 có đề xuất với lãnh đạo Sở Y tế khen thưởng thường quy có trạm cấp cứu vệ tinh dựa vào một số tiêu chí như xuất xe cấp cứu nhiều, nhận được thư khen của người dân…

Về khen thưởng đột xuất cũng đã có những trường hợp được thưởng từ ngành y tế. Điển hình, năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á có tham gia vào mạng lưới vệ tinh cấp cứu 115 đã kịp thời cấp cứu và cứu sống 1 trường hợp tai nạn giao thông.

Mới đây, cũng trong năm 2023, ekip cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 cũng nhận được thư khen của người dân cũng như thưởng nóng của lãnh đạo ngành y tế khi đã hồi sức tim phổi 50 phút thành công cho người bệnh ngưng tim. Sau đó, bệnh nhân gọi điện dành lời cảm ơn cho đội ngũ cấp cứu của trung tâm.

Bên cạnh phần thưởng cụ thể là giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành thì sự ghi nhận của người dân cũng là nguồn động viên rất lớn.

Thượng tá, TS Bùi Đức Thành:

Cần khen thưởng, tuyên dương những việc làm ý nghĩa thiết thực của người dân khi tham gia công tác cấp cứu ngoại viện.

16:26 ngày 08/11/2023

Cấp cứu ngoại viện là nghề đặc thù, cần đãi ngộ đặc thù

undefined - Ảnh 1.

MC: Chế độ đãi ngộ cho nhân viên khi tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân hiện rất thấp. Giải pháp nào để tăng thu nhập cho nhân viên tham gia cấp cứu ngoại viện? 

TS-BS Nguyễn Anh Dũng: 

Trước hết, phải xem cấp cứu ngoài bệnh viện là ngành nghề từ đó sẽ có cơ sở đề xuất cơ chế chính sách đặc thù.

Cần thiết có các chính sách thu hút được người trẻ theo đuổi ngành cấp cứu ngoai viện, từ đó mới tuyển dụng được nhân sự phù hợp.

Thứ nhất, cần có mức thu nhập làm sao hỗ trợ, giữ chân đội ngũ cấp cứu ngoại viện. Sau khi tuyển dụng được, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo hoặc bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.

Thứ hai, phải xem đây là nghề đặc thù với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để có chế độ ưu đãi, phụ cấp phù hợp.

Thứ 3, phải có bảo hiểm ngành nghề cho lực lượng cấp cứu ngoại viện khác nhân viên y tế công tác tại bệnh viện. 

Thượng tá, TS Bùi Đức Thành:

Không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài, những người tham gia cấp cứu ngoại viện có rất nhiều thiệt thòi, không chỉ vật chất mà còn tinh thần. 

Ví dụ, một lần công tác tại một đơn vị cấp cứu ngoại viện tại nước ngoài, tôi được biết câu chuyện một người đàn ông đơn thân nuôi con nhưng vì phải tham gia cấp cứu đã không thể dự sinh nhật con. Khi còn nhỏ, người con không hiểu được công việc của bố nên đã rất buồn. Tuy nhiên, khi lớn lên, hiểu được công việc của bố là cứu người nên em đã nhen nhóm tình yêu với nghề và cũng trở thành một cấp cứu viên ngoại viện như bố.

Theo tôi, bên cạnh các chính sách đãi ngộ xứng đáng, cần có sự đóng góp của nhiều tổ chức hỗ trợ cho lực lượng cấp cứu ngoại viện. Bởi công việc của họ là cống hiến cộng đồng. Khi có quỹ hỗ trợ, không chỉ chia sẻ cho họ về vật chất mà còn cả tinh thần.

Bệnh viện Quân y 175 luôn quan tâm chế độ, chính sách cho tổ cấp cứu đường không và nhân viên tham gia cấp cứu ngoại viện. Họ được hưởng chế độ ưu tiên như nhà ở, xem xét nâng lương, lên quân hàm,… Tất cả các nhân sự khác tại bệnh viện đều đồng cảm với người có chế độ này.

Ngoài ra, bệnh viện còn có chế độ khen thưởng kịp thời cho những chuyến cấp cứu thành công, biểu dương thưởng nóng cho ca kíp khi tham gia hỗ trợ cấp cứu.

BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Long:

Trước đây, việc tuyển dụng lực lượng cấp cứu theo nhiệm sở. Hai năm nay, Trung tâm Cấp cứu 115 tuyển dụng đại trà. Các bác sĩ trẻ vào làm trung tâm cấp cứu song song học và thực hành 18 tháng tại các bệnh viện. 

Trung tâm Cấp cứu 115 có ký hợp đồng phục vụ tại các sự kiện lớn, các phòng khám tư nhân để hỗ trợ chuyên môn cấp cứu... Nhờ vậy, nguồn thu cho cấp cứu ngoại viện vẫn tương đối đảm bảo. 

Tới đây, trung tâm sẽ xây dựng quy trình tiếp nhận, phân biệt khi nào là cần cấp cứu và khi nào là nhu cầu cần vận chuyển. Đây là giải pháp đã và đang làm nhằn duy trì, phát triển hoạt động cấp cứu ngoại viện.

16:01 ngày 08/11/2023

Cần mạnh tay với hành vi tấn công nhân viên y tế

MC: Tình huống tấn công nhân viên y tế trong các tình huống cấp cứu vẫn đôi khi xảy ra mà vụ việc xảy ra ở Bình Phước gần đây là ví dụ. Với cấp cứu ngoại viện, ngành y tế có biện pháp nào nhằm bảo vệ nhân viên y tế?

undefined - Ảnh 1.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng

TS-BS Nguyễn Anh Dũng:

Trong những tình huống cấp cứu dầu sôi, lửa bỏng, nhân viên y tế phải làm sao tạo được niềm tin cho người dân để có được sự đồng cảm, chia sẻ.

Bên cạnh đó, về mặt truyền thông, pháp luật cần phải tuyên truyền để người dân nhận thức rằng việc xúc phạm, tấn công người khác là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, việc xúc phạm, tấn công người đang làm nhiệm vụ cứu người thì hành vi đó càng đáng bị lên án và xử lý nặng hơn.

Về mặt quản lý, các cấp có thể phải xem xét để có bổ sung những quy định rõ ràng, đủ sức răn đe.

Ví dụ, trước đây, tôi tham gia chuyến công tác với Bệnh viện Quân y 175 ở một bệnh viện tại Hàn Quốc. Khi đến cửa phòng cấp cứu thì thấy có 1 bảng treo ghi rất rõ ràng: "Tấn công nhân viên y tế sẽ bị xử phạt ở tù". Những cảnh báo như thế này sẽ góp phần vào công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân tốt hơn.

undefined - Ảnh 2.

BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Long:

Cấp cứu ngoại viện có thể đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm trong khi  lực lượng mỏng, 3-4 người. Do đó, họ ngoài được đào tạo yếu tố khoa học, còn phải quan tâm đến yếu tố xã hội. Họ cần được đào tạo kỹ năng giao tiếp, sự thấu hiểu với tâm lý người nhà để quá trình cấp cứu diễn ra thuận lợi.

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 chưa gặp sự cố như vụ tham gia cấp cứu bị đánh vụ ở Bình Phước vừa qua.

undefined - Ảnh 3.

Thượng tá, TS Bùi Đức Thành

Thượng tá, TS Bùi Đức Thành:

Để tránh nguy hiểm thì hình ảnh, tính chuyên nghiệp của nhân viên cấp cứu ngoại viện rất quan trọng, để người dân khi tiếp xúc sẽ có ứng xử khác. 

Cách tiếp cận, ý thức của cán bộ nhân viên y tế, cách giải thích cho người nhà về bệnh tình của bệnh nhân cũng rất quan trọng. 

Bên cạnh đó, nhân viên cấp cứu ngoại viện cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhận thức của cộng đồng về đặc thù công việc.

15:55 ngày 08/11/2023

Huy động cộng đồng tham gia cấp cứu

MC: Đối với người dân, việc được hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các trường hợp tai nạn, biến chứng… là rất cần thiết. Làm thế nào để người dân có những kỹ năng, kiến thức cơ bản trong xử lý, hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp như đột quỵ, ngưng tim, hóc dị vật…?

Thượng tá, bác sĩ Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175:

Tôi cho rằng cần tăng cường truyền thông và nâng cao ý thức cộng đồng về cấp cứu ngoại viện. 

Hiện nay, tại Việt Nam, có nhiều chương trình trên truyền hình, kiến thức y học cơ bản, rất hay và ý nghĩa, đảm bảo giá trị về lợi ích liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người.

Chỉ cần 1 kỹ năng thực hiện đúng cách thì sẽ cứu sống cả mạng người, ví dụ trẻ sặc sữa, đuối nước… Ở nước ngoài có tình nguyện viện thực hiện. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có hình thức này. 

Có những kỹ thuật cấp cứu cơ bản chỉ cần hướng dẫn trên truyền thông thì người dân có thể thực hiện được. Tôi mong sau này có nhiều hơn nữa những kiến thức y học cơ bản trong vấn đề cấp cứu tại nhà được phổ biến trên các phương tiện truyền thông.


undefined - Ảnh 1.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Duy Long:

Công tác cấp cứu rất cần sự tham gia của cộng đồng. Khi đó, cơ hội cấp cứu cho người bệnh nhanh hơn. 

Giáo viên mầm non biết cách cấp cứu trẻ hóc dị vật. Hướng dẫn viên du lịch biết nhận diện đột quỵ. Tại khu chế xuất đào tạo làm sao người lao động biết xử trí chấn thương, ngộ độc thực phẩm. 

Trong đề án nâng cao năng lực cấp cứu của TP có nhấn mạnh làm sao đẩy mạnh cấp cứu theo từng tính chất. Lực lượng cấp cứu ngoại viện là cánh tay nối dài trong khi chờ xe cấp cứu đến hiện trường. 

Hiện nay, Trung tâm Cấp cứu 115 đang phối hợp xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu phổ thông cho người dân. 

Đâu đó, người dân còn ngại cấp cứu khi gặp người bị nạn. Đây rào cản, cần nâng cao ý thức truyền thông để người dân tham gia. 

Trên thế giới có bộ dụng cụ sơ cấp cứu ban đầu bố trí tại các tại siêu thị, khu vui chơi mà bất kỳ người dân đều sử dụng được. Nước ta cần bố trí dụng cụ này và người dân có thể dụng để sơ cấp cứu ban đầu.

15:47 ngày 08/11/2023

Đào tạo cấp cứu ngoại viện cho cả tài xế

MC: Luật Khám, chữa bệnh đã quy định chức danh chuyên môn cấp cứu viên ngoại viện là phải có giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, hiện loại hình nghề nghiệp này chưa được đào tạo chính quy. Vừa rồi, Sở Y tế TP HCM cũng có đề xuất về việc mở mã ngành đào tạo nhân lực cấp cứu ngoại viện, TS-BS Nguyễn Anh Dũng kỳ vọng gì về điều này?

undefined - Ảnh 1.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng:

Mở mã ngành đào tạo nhân lực cấp cứu ngoại viện là điều được ngành y tế cũng như đội ngũ cấp cứu ngoại viện trông chờ. 

Để đào tạo, ngành y tế đề xuất các loại hình đào tạo cấp cứu viên ngoài bệnh viện gồm hệ cao đẳng học 3 năm, hệ đại học 4 năm và những năm tiếp sau đó thì sẽ có đào tại sau đại học để phát triển chuyên sâu lĩnh vực cấp cứu đi ngoài bệnh viện. Chắc chắn, để thực hiện những điều này cần phải có lộ trình. 

Trong khi chờ triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh và cho bổ sung mã ngành đào tạo nhân lực cấp cứu viên ngoài bệnh viện thì những chương trình đào tạo bổ sung, chương trình đào tạo liên tục sẽ phải triển khai. 

Về chương trình đào tạo bổ sung, các trường sức khỏe sẽ bổ sung chương trình đào tạo cho những nhân viên y tế đã và đang làm công tác cấp cứu ngoài bệnh viện để sau đó cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Bên cạnh đó, cần có chương trình đào tạo liên tục để giúp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ mang tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cấp cứu viên ngoài bệnh viện đang công tác. 

Không chỉ đào tạo cho những cấp cứu viên ngoài bệnh viện mà còn có những chương trình đào tạo đặc thù như đào tạo cho tổng đài viên, điều phối viên và thậm chí đào tạo cho các tài xế xe cấp cứu. 

Bác sĩ CK2 Nguyễn Duy Long:

Tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM cũng đang có chương trình đào tạo cho lực lượng chuyên môn đặc thù.

Thứ nhất, đào tạo cho điều phối phối viên (nghe điện thoại, xác định nhận diện người bệnh). Họ là người đầu tiên tiếp nhận cấp cứu nên phải biết lắng nghe, trấn an, hướng dẫn sơ cứu ban đầu. 

Thứ hai là đào tạo cho lực lượng cấp cứu ngoài bệnh viện: Tiếp cận bệnh nhân cấp cứu ban đầu; giải quyết vấn đề cấp cứu ngoài hiện trường. 

Cố gắng có đào tạo riêng dành cho tài xế xe cấp cứu, huấn luyện họ sử dụng thành thạo các trang thiết bị y tế hỗ trợ di chuyển người bệnh, bảo vệ hiện trường,…

15:32 ngày 08/11/2023

Hướng tới phát triển chuyên nghiệp

Sau 10 năm thành lập, Trung tâm Cấp cứu 115 rút ra những bài học, kinh nghiệm gì trong xử lý, cấp cứu ngoại viện? Trung tâm có những định hướng thế nào trong việc nâng cao dịch vụ cấp cứu chất lượng cho người dân?

undefined - Ảnh 1.

BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Long:

Trung tâm Cấp cứu 115 được thành lập đến nay đã tròn 10 năm, hoạt động rất tốt, giúp ích nhiều người dân. Bài học là đã xác định đúng mô hình cấp cứu. 

Trên thế giới có 2 mô hình cấp cứu: 

Mô hình 1: Nhân sự là bác sĩ chuyên khoa đi trên xe cấp cứu trang bị chuyên sâu. Mô hình này là "đưa bệnh viện đến người bệnh", xử trí chuyên sâu rồi mới đưa bệnh nhân luôn vào các khoa tương ứng của bệnh viện, chứ không đưa qua khoa cấp cứu. Mô hình này đòi hỏi nhân sự tham gia cấp cứu có kiến thức chuyên sâu, phương tiện hiện hiện đại.

Mô hình thứ 2: Lực lượng tham gia cấp cứu được đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, phát hiện xử trí đúng tình huống và đưa bệnh nhân vào khoa cấp cứu của bệnh viện nhanh chóng, an toàn; sau đó chuyển đến các khoa chuyên sâu.

Hiện TP HCM có 39 trạm cấp cứu, giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận người bệnh. Năm 2014, số cuộc gọi cấp cứu 8.500/năm nhưng nay số cuộc gọi đến Trung tâm cấp cứu 115 đã là 300.000 cuộc/năm.

Tới đây, Trung tâm cấp cứu 115 định hướng tổ chức chuyên nghiệp hơn:  hoàn thiện cấp cứu ngoại viện, bổ sung thêm trạm cấp cứu; nâng cao năng lực, phương tiện, trang thiết bị, bổ sung chứng chỉ quốc tế về hồi sức tim phổi, hồi sinh tim cho nhân viên y tế để đáp ứng nhu cầu cấp cứu trong thời gian tới.

15:22 ngày 08/11/2023

Thủ tục hành chính gây mất thời gian cho cấp cứu đường không

MC: Bệnh viện Quân y 175 là một trong những đơn vị đầu tiên ở phía Nam thực hiện cấp cứu đường không. Thưa Thượng tá, TS Bùi Đức Thành, mô hình này hiện được vận hành như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì?

undefined - Ảnh 1.

Thượng tá, TS Bùi Đức Thành

Thượng tá, TS Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), trả lời:

Bệnh viện Quân y 175 đang triển khai xây dựng mô hình, đề án để xây dựng trung tâm cấp cứu đa năng gồm đường không, đường bộ, đường thủy. 

Bệnh viện Quân y 175 chính thức vận chuyển cấp cứu đường không từ 20 năm nay. Tuy nhiên, giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, một năm chỉ có khoảng 1-2 trường hợp được vận chuyển. Người bệnh được vận chuyển trực tiếp ngay tại nóc tòa nhà của Viện Chấn thương Chỉnh hình thuộc bệnh viện và ngay sau đó được chuyển đến các khoa, phòng theo tính chất bệnh. 

Cấp cứu đường không đảm bảo được hiệu quả, thời gian vàng trong điều trị. Để thực hiện được loại hình cấp cứu đường không đòi hỏi phải đảm bảo quy trình chuẩn, chặt chẽ; đồng thời, có sự phối hợp của nhiều cơ quan từ trung tâm điều phối, trung tâm điều hành bay. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế để thực hiện cấp cứu vận chuyển đường không phải có chứng chỉ theo quy định. 

Hiện tại, tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 có 12 cán bộ nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng và tất cả đều được đào tạo cấp chứng chỉ do các chuyên gia tại Úc huấn luyện. Một điều thuận lợi khi triển khai nhân sự tổ cấp cứu là bệnh viện có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Nam Sudan là Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1.  

Ngoài ra, hàng năm, bệnh viện cũng được sự hỗ trợ của binh đoàn 18 trong việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng lên xuống máy bay cho nhân viên y tế.

Về quy trình, khi nhận thông tin có bệnh nhân cần cấp cứu, việc đầu tiên là gọi cho cơ quan điều phối để điều máy bay, sau đó cùng với cán bộ nhân viên cấp cứu đến hiện trường. Việc này khá mất thời gian. Ở nước ngoài, khi nhận thông tin người bệnh tại hiện trường, trung tâm cấp cứu 115 có thể điều phối chỉ đạo trực tiếp và đón bệnh nhân về đảm bảo rút ngắn thời gian. Hiện đối với Bệnh viện 175, thủ tục hành chính là khâu gây mất thời gian trong cấp cứu đường không.

TP HCM muốn triển khai rộng rãi hệ thống cấp cứu đường hàng không đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ ekip y tế đến đội bay và cần có sự điều phối trực tiếp từ 1 trung tâm để bảo đảm sự thông suốt, nhanh chóng, an toàn.

15:01 ngày 08/11/2023

Trạm cấp cứu 115 đã bao phủ khắp TP HCM

MC: Hiện nay, quy trình tiếp cận và điều phối bệnh nhân tại các cơ sở cấp cứu ngoại viện ở TP HCM ra sao? 

undefined - Ảnh 1.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Duy Long

Bác sĩ CK2 Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, trả lời:

Tại TP HCM, khi người dân có nhu cầu cấp cứu thì gọi vào số 115. Tổng đài tiếp nhận các cuộc gọi của nười dân, sàng lọc, tư vấn và sẽ điều xe đến nơi cần cấp cứu. Trong lúc chờ xe, tổng đài cấp cứu 115 sẽ tư vấn, hướng dẫn người nhà cách sơ cứu, đồng thời cập nhật quá trình di chuyển của xe cấp cứu để người dân an tâm.

Hiện nay, ở TP HCM, các trạm cấp cứu 115 đã bao phủ hết quận, huyện, TP Thủ Đức. Các xe cấp cứu của trung tâm sẽ đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện chuyên khoa. 

Trung tâm thực hiện kết nối lực lượng cấp cứu ngoại viện với bệnh viện và cung cấp thông tin sơ cứu trước đó cho bệnh viện. Ngoài ra, nhờ quy trình báo động đỏ, liên viện, công tác cấp cứu được thông suốt, đảm bảo quy trình trong suốt thời gian vừa qua.

14:49 ngày 08/11/2023

Giảm tỉ lệ tử vong nhờ cấp cứu ngoại viện

MC: Tầm quan trọng của mạng lưới cấp cứu ngoại viện? Liệu xã hội đã hiểu đầy đủ và đúng về loại hình dịch vụ này?

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM:

Bản thân 4 từ cấp cứu ngoại viện thể hiện mức độ cần thiết và tầm quan trọng. Trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu chứng minh tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện. Bởi cấp cứu ngoại viện là trụ cột không thể thiếu trong bất kỳ hệ thống y tế nào. 

Năm 2018, một nghiên cứu cho thấy đối với các nước có mức thu nhập từ trung bình đến thấp, nếu đẩy mạnh phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện đúng nghĩa thì có thể giúp tăng 45% bệnh nhân được cứu sống.

Cấp cứu ngoài bệnh viện với thời gian nhanh nhất, sớm nhất chắc chắn sẽ góp phần giảm tỉ lệ bệnh tật, biến chứng, di chứng có thể để lại do sơ cứu cấp cứu ban đầu chưa phù hợp.

Ngoài ra, cấp cứu ngoài bệnh viện còn góp phần lớn trong các tình huống thảm họa xảy ra nơi đông người. 

undefined - Ảnh 1.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng

Đến nay, để nói về cấp cứu ngoại viện thì Trung tâm cấp cứu 115 là điển hình. Trung tâm này được thành lập và hoạt động hiệu quả từ năm 2014.

Để người dân có nhận thức đúng đắn về cấp cứu ngoại viện thì cần tăng cường thêm công tác truyền thông. Ví dụ, người dân cần nhường đường khi có xe cấp cứu lưu thông.

Bên cạnh đó, người dân cần nắm rõ hơn vai trò nhiệm vụ cũng như hiệu quả của cấp cứu ngoài bệnh viện, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa khi có xảy ra tai nạn mà còn trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào khác.

Lên trên
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo