Hiện nay, dịch đau mắt đỏ và sốt xuất huyết đang bùng phát và lây lan nhanh tại TP HCM cũng như các địa phương trên cả nước.
Để kịp thời cung cấp kiến thức và giải đáp các thắc mắc của người dân trong phòng chống và điều trị bệnh, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Phòng và trị đau mắt đỏ, sốt xuất huyết" vào lúc 14 giờ ngày 22-9.
Các bác sĩ, chuyên gia giải đáp trực tuyến các thắc mắc của bạn đọc về bệnh đau mắt đỏ và sốt xuất huyết
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành mắt, y tế dự phòng tại TP HCM gồm:
- Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến - Trưởng Khoa Truyền thông, giáo dục, sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC)
- BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM)
- Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM)
- BSCK2 Lâm Minh Vinh, Phó Trưởng khoa, phụ trách điều hành Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt TP HCM.
- PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng, Cố vấn Hội đồng chuyên môn FPT Long Châu
Mời bạn đọc có thắc mắc cần giải đáp liên quan đến chủ đề trên gửi câu hỏi phía dưới bản tin.
Nhung H
14:16 ngày 22/09/2023
Tôi nghe nói trên thế giới đã có vắc-xin phòng sốt xuất huyết. Vậy tại sao Việt Nam không nhập hoặc nghiên cứu sản xuất về để tiêm cho người dân?
Vắc-xin phòng sốt xuất huyết đã có trên thế giới và hiện đang chờ Bộ y tế cấp phép để sử dụng tại Việt Nam.
Thanh Nguyên
14:16 ngày 22/09/2023
Khi phun thuốc diệt muỗi, mọi người có phải ra khỏi nhà không và sau bao lâu thì có thể trở lại nhà? Nếu thuốc dính vào các vật dụng nhà bếp có cần rửa lại không?
Xin chào bạn!
Thứ nhất, những thuốc phun xịt muỗi dành cho gia đình đa phần đều đã được kiểm nghiệm có an toàn đối với sức khỏe của người dùng. Tuy nhiên, sau khi xịt xong tốt nhất nên ra ngoài từ 30-60 phút. Khi chẳng may xịt thuốc mà dính vào các vật dụng làm bếp phải rửa lại để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Đinh Hằng
14:16 ngày 22/09/2023
Bị đau mắt đỏ có nên kiêng ăn gì hay không? Chế độ dinh dưỡng, ăn gì để mau hết bệnh?
Trong thời gian bị bệnh, bệnh nhân không nên ăn kiêng. Ngược lại, bạn cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, giúp bạn mau hết bệnh.
thanh thu
14:16 ngày 22/09/2023
Tại sao khi bị đau mắt đỏ mắt bạn lại có màu đỏ hoặc hồng?
Khi bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thì mạch máu kết mạc bị giãn do viêm hoặc có xuất huyết ở kết mạc nên dẫn đến bề mặt nhãn cầu (tròng trắng) có màu đỏ.
Thanh
14:16 ngày 22/09/2023
Theo dân gian, vào buổi sáng sớm thức dậy, người đau mắt nếu đổ gèn thì tự lấy nước tiểu tự thân rửa gèn mắt thì sẽ sớm khỏi bệnh. Theo bác sĩ biện pháp này đúng không?
Chắc chắn điều này không đúng với khoa học. Nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý, vừa an toàn, vừa đảm bảo tiệt trùng và không gây bội nhiễm cho người sử dụng.
Trinh Nguyen
14:20 ngày 22/09/2023
Khi đau mắt đỏ nếu ra nhà thuốc mua thuốc thì dược sĩ có thể tư vấn thuốc nhỏ mắt được không PGS Nguyễn Tuấn Dũng? Hiện nay nếu dịch bệnh lây lan mà còn vào bệnh viện thì không được tiện, ra nhà thuốc mua thì cần lưu ý điều gì?
Khi đau mắt đỏ bạn có thể đến nhà thuốc để được tư vấn.
Bệnh đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân như: virus, vi khuẩn, dị nguyên (dị ứng)
Căn cứ vào tình trạng bệnh dược sĩ sẽ tư vấn.
Ví dụ: Bệnh đau mắt đỏ phần lớn là do virus và bệnh sẽ tự khỏi sau thời gian khoảng 1 tuần. Trong thời gian, nhiễm virus có thể dùng những thuốc hỗ trợ như: rửa mắt bằng nước muối sinh lý và một số thuốc khác (thuốc kháng histamin, thuốc chống xung huyết hoặc thuốc ổn định tế bào mast).
Ngọc
14:20 ngày 22/09/2023
Xin bác sĩ cho biết cách phân biệt mắc sốt xuất huyết và sốt phát ban?
Sốt xuất huyết và sốt phát ban đều có sốt. Tuy nhiên, nốt phát ban và nốt xuất huyết có tính chất khác nhau. Khi bạn có sốt, có dấu hiệu nổi những nốt đỏ trên da thì nên đi khám bệnh để được chẩn đoán, điều trị. Tránh tự ý mua thuốc mà chưa xác định rõ là bệnh gì.
Ngọc Yến
14:22 ngày 22/09/2023
Ở chung cư nơi tôi sinh sống thỉnh thoảng có xịt thuốc diệt muỗi và côn trùng, xin bác sĩ cho biết các loại thuốc phun diệt muỗi và côn trùng có gây ảnh hưởng tới sức khỏe không?
Xin chào bạn!
Khi chung cư tổ chức phun xịt muỗi thường là do thuê các đơn vị phun xịt muỗi tư nhân thực hiện và thuốc phun xịt muỗi này thường là thuốc công nghiệp nên mức độ nặng và độc hơn thuốc phun xịt muỗi dành cho gia đình bán ngoài các siêu thị. Do vậy, khi chung cư bạn tổ chức phun xịt muỗi, nguyên tắc là phải đóng kín cửa. Ngoài ra, sau khi phun khoảng tầm 30-60 phút, cư dân mới nên mở cửa sinh hoạt lại bình thường.
Ngô Thị Hồng Đào
14:22 ngày 22/09/2023
Tôi đã bị đau mắt đỏ cách đây 2 tuần. Sau khi khỏi, tôi cảm thấy mắt bị ngứa. Xin bác sĩ cho biết làm sao để khắc phục tình trạng này?
Sau 2 tuần thì bệnh đau mắt đỏ tự khỏi. Nếu có triệu chứng ngứa có thể anh/chị bị viêm kết mạc dị ứng hoặc khô mắt. Do đó nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Nhung
14:33 ngày 22/09/2023
Từ năm nay 40 tuổi. Từ nhỏ đến giờ, tôi đã bị sốt xuất huyết tổng cộng 4 lần. Tôi nghe nói có 4 chủng sốt xuất huyết. Vậy tôi có khả năng tái nhiễm nữa không?
Xin chào bạn!
Vẫn có khả năng bạn sẽ bị sốt xuất huyết trở lại vì khi bị một lần kháng thể tồn tại trong cơ thể không thể là vĩnh viễn. Do vậy, sau khi bị sốt xuất huyết do một chủng virut này vẫn có thể bị tái lại cũng của chính chủng này sau một thời gian.
Ngọc Mai
14:33 ngày 22/09/2023
@Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến: Nếu chưa mắc bệnh đau mắc đỏ thì tôi có thể phòng bệnh bằng cách thường xuyên nhỏ mắt bằng lọ nước muối sinh lý không?
Bệnh đau mắt đỏ lây qua tiếp xúc: Tiếp xúc với người bệnh thông qua các giọt bắn hô hấp, nước mắt, nước bọt... ; gián tiếp qua bàn tay hoặc là tiếp xúc với các đồ vật có nhiễm mầm bệnh, dùng chung dồ vật cá nhân với người bệnh.
Để phòng bệnh, hàng ngày bạn có thể nhỏ nước muối sinh lý, nhất là sau khi từ ngoài đường trở về để làm sạch mắt. Ngoài ra, bạn cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh: Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch xà phòng; không đưa bàn tay dơ lên dụi mắt - mũi- miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, mắt kính, khẩu trang... Hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
LE THANH HIEN
14:33 ngày 22/09/2023
Tôi đã đau mắt đỏ 5 ngày. Hiện mắt đã hết đỏ nhưng mặt còn sưng húp, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân vì sao? Cần làm gì để mặt hết sưng?
Triệu chứng đau mắt đỏ có thể kéo dài 1-2 tuần. Kết mạc nhãn cầu (tròng trắng) có thể giảm triệu chứng nhưng kết mạc sụn mi còn viêm nên mí vẫn còn phù, sưng. Nếu tình trạng sưng phù mí kéo dài nên đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra giả mạc ở sụn mi. Bạn có thể chườm lạnh, rửa nước muối sinh lý NaCl 0,9% và nhỏ nước mắt nhân tạo.
Hằng Nga
14:33 ngày 22/09/2023
Bị sốt xuất huyết có nên cạo gió không? Có cần kiêng ra gió hay kiêng tắm không?
Bị sốt xuất huyết không nên cạo gió vì khi bị sốt xuất huyết thì có thể lượng tiểu cầu trong máu giảm gây xuất huyết. Việc cạo gió sẽ làm tổn thương các mạch máu dưới da gây xuất huyết không cần thiết.
Người bệnh sốt xuất huyết không cần kiêng ra gió hoặc tắm. Tuy nhiên, trong giai đoạn bệnh, người bệnh cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh cơ thể để mau hồi phục.
Ngọc Minh
14:33 ngày 22/09/2023
@PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng: Chào bác sĩ Dũng! Tôi bị đau mắt đỏ, chưa đi khám bệnh ở đâu. Tôi nghe nói chỉ cần mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ đều đặn thì sẽ hết bệnh đúng không? Tôi ở Hóc Môn thì bên nhà thuốc Long Châu có giao thuốc tận nhà không?
Chào bạn! Theo như câu hỏi bạn đã nêu chưa rõ bệnh đau mắt đỏ có kèm theo triệu chứng nào không.
Ví dụ: Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường kèm theo đổ ghèn; đau mắt đỏ do dị ứng thường kèm theo triệu chứng ngứa.
Trong đại đa số trường hợp (80% do nhiễm virus) nên xem lại nguồn gốc lây lan do giọt bắn từ đường hô hấp (hắt hơi, ho hoặc chạm tay vào mắt trước khi rửa tay). Trong trường hợp này, chỉ cần giữ vệ sinh cá nhân và có thể sử dụng một số thuốc để làm dịu mắt đỏ như thuốc kháng histamin (cromolyn eye drops) hoặc thuốc chống xung huyết (eyemiru 40) có thể cải thiện triệu chứng, làm dịu mắt
Bạn có thể đến tại nhà thuốc hoặc gọi điện thoại giao hàng sẽ có nhân viên hỗ trợ.
Quang
14:33 ngày 22/09/2023
Tôi được biết sốt xuất huyết sẽ tự khỏi sau 7 ngày. Khi trẻ bị sốt xuất huyết thì chăm sóc tại nhà như thế nào? Những triệu chứng nào cần phải đưa trẻ đến bệnh viện khám?
Xin chào bạn!
Sốt xuất huyết thường kéo dài 7 ngày, khoảng 60% sốt xuất huyết là có thể điều trị tại nhà, chủ yếu là hạ sốt, cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Các dấu hiệu cảnh báo cần phải đi tái khám ngay:
- Trẻ hết sốt nhưng mệt nhiều hơn, không chịu chơi.
- Trẻ nôn, ói nhiều, đau bụng nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen.
- Trẻ li bì, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi!
Trần Thị Phượng
14:34 ngày 22/09/2023
Xin bác sĩ cho biết triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn khác nhau thế nào? Khi nào cần đến bệnh viện thăm khám?
Xin chào bạn!
Các triệu chứng sốt xuất huyết của người lớn và trẻ em gần như là giống nhau, bao gồm:
- Sốt, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết như: Chấm xuất huyết trên da, bầm da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ói nhiều, ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, li bì, ăn uống kém...
Tuy nhiên, ở người lớn biến chứng thường là xuất huyết tiêu hóa trong khi trẻ em chủ yếu là sốc do thất thoát dịch.
Các dấu hiệu cần phải đến bệnh viện thăm khám, như sau:
- Hết sốt nhưng mệt nhiều.
- Đau bụng, nôn ói nhiều.
- Chảy máu mũi, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Ói ra máu, đi cầu phân đen, li bì, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
Pham Hà
14:37 ngày 22/09/2023
Tôi bị sốt xuất huyết, sau đó có đến phòng khám tư gần nhà, họ yêu cầu xét nghiệm máu hàng ngày để kiểm tra chỉ số. Xin bác sĩ cho biết vì sao ngày nào cũng phải xét nghiệm máu như vậy?
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được kiểm tra máu gần như là mỗi ngày để theo dõi độ cô đặc máu và độ giảm tiểu cầu vì khi cô đặc máu tăng và tiểu cầu giảm sẽ có nguy cơ dẫn đến sốc và xuất huyết nặng. Có những trường hợp phải kiểm tra máu từ 2-4 lần/ngày tùy theo mức độ nặng của bệnh.
Hùng văn
14:37 ngày 22/09/2023
Khi thấy các dấu hiệu đau mắt đỏ thì việc đầu tiên cần làm tại nhà là gì vậy các bác sĩ?
Việc đầu tiên cần làm: Rửa nước muối sinh lý NaCL 0,9%, tránh tiếp xúc trực tiếp với người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè; rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn và đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
Văn Vương
14:37 ngày 22/09/2023
Em thấy nhiều người bị đau mắt đỏ chỉ khoảng 3 ngày là khỏi, vậy đây có phải là dịch bệnh nguy hiểm quá hay không?
Tùy loại tuýp vi rút gây bệnh mà mức độ viêm khác nhau nên biểu hiện lâm sàng cũng khác nhau. Đợt dịch đau mắt đỏ theo khảo sát hiện nay cho thấy thời gian khỏi bệnh rút ngắn và ít tổn thương trên giác mạc hơn so với các đợt dịch trước đó.
Ngọc Hà
14:37 ngày 22/09/2023
Nhiều tỉnh/thành người dân đang lo lắng việc hết thuốc nhỏ mắt (một loại được cho là nhập khẩu và bị đẩy giá lên cao). Vậy điều trị bệnh này cần toa của bác sĩ hay chỉ một loại nước muối sinh lý thông thường mà thôi. Có thể nêu vài loại nước muối sinh lý thông thường cho cộng đồng không thưa bác sĩ?
Ngoại trừ những thuốc cần phải kê đơn của bác sĩ như kháng sinh thì cần có có toa. Theo khuyến cáo của Hội Nhãn khoa Hoa Kỳ, kháng sinh chỉ được chỉ định khi xác định được nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn.
Những thuốc thông thường dành cho đau mắt đỏ có đầy đủ tại chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu gồm: nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo, thuốc kháng histamin, thuốc chống xung huyết, thuốc ổn định tế bào mast (ngăn sự phóng thích histamin, là nguyên nhân gây dị ứng).
Nước muối sinh lý thông thường có thể dùng làm dịu mắt đỏ và loại trừ những tác nhân ngoại lai (bụi, bẩn...) bám vào mắt. Có thể kể đến như: Natri clorid lọ 10ml (0,9%.
Tuyệt đối không dùng những loại nước muối sinh lý khác như nước muối sinh lý dùng để súc miệng. Đặc biệt, không tự ý pha nước muối để rửa mắt vì không bảo đảm độ vô trùng, tinh khiết và không đảm bảo áp suất thẩm thấu tương đương với áp suất thẩm thấu của niêm mạc mắt, làm cho mắt bị xốn nhiều hơn.
Hiền
14:37 ngày 22/09/2023
Mẹ bị sốt xuất huyết có được cho con bú ? Chế độ ăn cho bệnh nhân sốt xuất huyết như thế nào, nhất là với mẹ bỉm sữa?
Mẹ bị sốt xuất huyết vẫn cho con bú bình thường do sốt xuất huyết lây qua muỗi chích. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao, chán ăn. Trong thời kỳ này, bạn cố gắng uống đủ nước, chế độ ăn giàu dinh dưỡng như hàng ngày.
An Chi
14:37 ngày 22/09/2023
Con tôi 5 tuổi, cháu bị SXH đã sang ngày thứ 4. Bé bị đắng miệng nên không chịu ăn uống gì cả, kể cả sữa và các loại nước trái cây có vị ngọt như nước dừa, nước mía, nước ép táo, ổi... Tôi sợ cháu sốt nhiều, mất nước, suy kiệt, tôi có nên đưa cháu đi bệnh viện truyền nước không?
Việc truyền nước ở trẻ em là cực kỳ nguy hiểm. Đặc điểm của sốt xuất huyết là trẻ sẽ biếng ăn và không chịu uống nước. Tuy nhiên, đến ngày thứ 7 của bệnh, trẻ sẽ thèm ăn trở lại, do vậy trong quá trình bệnh mình cố gắng động viên trẻ ăn và uống được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Ưu tiên những thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu và nhiều năng lượng. Tuyệt đối không truyền dịch tại nhà vì nguy cơ gây ra tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng dẫn đến suy hô hấp.
Thiên
14:41 ngày 22/09/2023
@PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng: Gia đình tôi sử dụng nước muối sinh lý rất nhiều, nhất là trong bối cảnh đau mắt đỏ bùng phát. Khi ra nhà thuốc mua thì được giới thiệu rất nhiều loại khác nhau, giá cả cũng khác. Vậy tác dụng các loại nước muối sinh lý đó có khác nhau không vì thường nhân viên nhà thuốc hay giải thích kiểu "giá cao hơn thì tốt hơn".
Trên nguyên tắc, những thuốc lưu hành trên thị trường phải được cấp phép của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế.
Giấy phép của Sở Y tế chỉ được lưu hành trong phạm vi của tỉnh.
Giấy phép của Bộ Y tế được lưu hành trên phạm vi cả nước.
Một loại thuốc muốn được lưu thông trên thị trường phải đảm bảo các tiêu chí về quy trình bào chế, kiểm nghiệm, hướng dẫn sử dụng thuốc và tiêu chí về quản lý dược
Giá thành của một loại thuốc xuất phát từ nhiều yếu tố như: chất lượng của hoạt chất và tá dược; ký thuật bào chế; quy trình sản xuất; quy trình kiểm nghiệm; bao bì và chất lượng của bao bì... Do đó, có sự khác biệt giữa chế phẩm này với chế phẩm khác là điều hiển nhiên.
Ngọc
14:41 ngày 22/09/2023
Những ngày gần đây nhiều người lớn tử vong do sốt xuất huyết. Đây cũng là điều bất thường. Vậy theo bác sĩ có phải độc lực sốt xuất huyết đã khác, biến đổi mạnh hơn?
Theo các số liệu giám sát tại TP HCM, hiện chưa ghi nhận sự biến đổi của virus gây bệnh sốt xuất huyết. Năm 2022, số ca tử vong do sốt xuất huyết tại TP HCM tăng hơn 2021. Nguyên nhân của sự gia tăng này không phải do virus thay đổi mà do nhiều nguyên nhân: người bệnh đến cơ sở y tế trễ, người tử vong kèm theo bệnh nền...
Gia Huy
14:41 ngày 22/09/2023
@Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Minh Vinh: Vì sao người bị đau mắt đỏ tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa corticoid? Nếu nhỏ V.Rohto Cool có được không?
Không nên sử dụng thuốc chứa corticoid vì làm cho bệnh đau mắt đỏ kéo dài, có thể gây ra các biến chứng liên quan đến corticoid như nhiễm trùng, tăng nhãn áp. Do đó cần phải khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và kê toa hợp lý. Bạn có thể nhỏ nước mắt nhân tạo, rửa nước muối sinh lý và thuốc chống dị ứng (nếu có ngứa mắt).
Minh Hoàng
14:45 ngày 22/09/2023
Theo quy định, đau mắt đỏ phải nghỉ làm việc và nghỉ học ở nhà trong 7 ngày. Nếu bị đau mắt đỏ phải nghỉ làm thì tôi có được tính vào bảo hiểm hay không?
Nếu được chẩn đoán bệnh đau mắt đỏ (B30.0 hoặc B30.1) và bác sĩ chuyên khoa đồng ý cấp giấy nghỉ thì được nghỉ phép hưởng BHXH theo quy định.
Thanh Nguyên
14:45 ngày 22/09/2023
Thuốc diệt muỗi do phường phun xịt thì có tác dụng trong bao lâu?
Thuốc xịt muỗi do cơ quan y tế địa phương phun, xịt sẽ có tác dụng ngay và kéo dài từ 4-6 tháng. Tuy nhiên, thường sẽ phun 2 lần cách nhau 7-14 ngày.
Ngọc Hà
14:45 ngày 22/09/2023
Tình hình dịch đau mắt đỏ bùng thế này làm tôi cũng ngại đi bệnh viện hay đến nhà thuốc. Xin hỏi PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng là nhà thuốc Long Châu có kê đơn và giao thuốc tận nhà không?
Về việc giao thuốc không kê đơn tại nhà bạn sẽ tiến hành theo trình tự sau đây:
Trước hết, bạn có thể liên hệ qua tổng đài, kênh tư vấn Zalo, website trực tuyến nhathuoclongchau.com.vn hoặc qua ứng dụng Long Châu pharma để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí.
Thời gian giao hàng từ 8 giờ sáng đến 20 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
Nhà thuốc Long Châu có nhiều hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng, chuyển khoản trước, ship cod...
Ngoài ra, khách hàng có thể hẹn giờ giao hàng và được kiểm tra đơn hàng trước khi thanh toán. Nếu giao hàng không thành công thì nhân viên của Long Châu sẽ liên hệ khách để sắp xếp lịch giao hàng.
Bích Thủy
14:46 ngày 22/09/2023
Ở chung cư tôi sinh sống, có gia đình bị đau mắt đỏ, tuy nhiên, do các bé nhỏ trong gia đình ấy vẫn chạy ra ngoài hành lang chơi chung với con tôi. Vậy, xin bác sĩ cho biết nếu con tôi tiếp xúc chơi với bé mắc bệnh (có khoảng cách) thì nguy cơ lây bệnh ra sao? Bị đau mắt đỏ có phải cách ly ở nhà như COVID-19 không?
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ được xác định nguyên nhân đa số là do virus gây ra. Cơ chế lây bệnh của tác nhân này thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mắt của người bệnh (ghèn, nước mắt), nếu có viêm hô hấp kèm theo có thể lây nhiễm qua giọt bắn (hắt hơi, sổ mũi , đàm nhớt,...).
Để tránh tình trạng bệnh lây lan, người bệnh nên tự cách ly, hạn chế đến những nơi đông người như hồ bơi, khu vui chơi trẻ em,... Người bệnh nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay thường xuyên, không dụi tay vào mắt; không dùng khăn chung với các thành viên khác trong gia đình, người bệnh; sử dụng bông gòn tiệt trùng để lau mắt.
Phụ huynh phải thường xuyên vệ sinh đồ đùng cá nhân, đồ chơi, mền, gối cho con.
Đối với những người chưa mắc bệnh, cách tốt nhất để phòng tránh là sát khuẩn tay thường xuyên sau mỗi lần tiếp xúc ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút thang máy,... Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và nên đeo khẩu trang phòng tránh đúng cách khi đến những nơi đông người.
Nguyên Thảo- NLĐ
14:48 ngày 22/09/2023
Tôi bị đau mắt đỏ xong, mắt bị giảm thị lực rõ, cần điều trị như thế nào ạ?
Sau khi triệu chứng đỏ mắt giảm mà thị lực giảm nhiều thì nên đi khám để kiểm tra tình trạng giác mạc liên quan biến chứng của đau mắt đỏ. Nếu chỉ giảm thị lực nhẹ, có thể do khô mắt sau bệnh đau mắt đỏ và bạn có thể nhỏ nước mắt nhân tạo.
Khoa Nguyễn
14:48 ngày 22/09/2023
@Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến: Kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 là tác nhân chính gây bùng phát SXH tại TP HCM? - Vậy tại các tỉnh thành khác thì tác nhân chính là gì? - Hiện nay, dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid có ổn không?
TP HCM thực hiện giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm và đã xác định Coxsackievirus A24 là tác nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ. Còn các tỉnh thành khác hiện chưa có thông tin.
Việc dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid là không được. Khi bị đau mắt đỏ nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách. Việc dử dụng thuốc nhỏ mắt không đúng có thể làm bệnh nặng hơn, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tới giác mạc gây giảm thị lực.
Phương Anh
14:50 ngày 22/09/2023
Trẻ em đi học có triệu chứng sốt thì làm sao nhận định được đó là sốt xuất huyết, và nhà trường nên làm gì thưa bác sĩ?
Nếu có triệu chứng sốt kéo dài từ 2-3 ngày liên tục, bạn nên cho trẻ đến cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm máu. Dựa vào kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp chẩn đoán trẻ có bị sốt xuất huyết hay không.
Khi trẻ bị sốt xuất huyết, nhà trường nên cân nhắc việc vệ sinh muỗi, kiểm tra lại những khu vực có phát sinh loăng quăng để đảm bảo rằng không có yếu tố nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết tại nhà trường.
Hùng văn
14:52 ngày 22/09/2023
Sốt xuất huyết thường bùng phát theo từng đợt dịch, mùa nào là mùa dịch dễ bùng phát, ở chung cư thì nên phòng bệnh như thế nào thưa bác sĩ?
Sốt xuất huyết diễn ra quanh năm, thường sẽ bùng phát vào mùa mưa trong năm. Ở chung cư hay bất cứ đâu đều có thể phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách diệt muỗi, diệt loăng quăng, mặc áo tay dài, quần dài cho trẻ. Đặc biệt là ngủ mùng, kể cả ban ngày. Vì đặc điểm của con muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sẽ chích khi trời còn sáng.
Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.
Hằng Nguyễn
14:59 ngày 22/09/2023
Người quen của tôi bị đau mắt đỏ, tuy nhiên, chỉ cần ra ngoài mua thuốc Tobidex để nhỏ. Hiện tình trạng đau mắt đỏ cũng đã hết. Vậy xin bác sĩ cho biết khi nào nên đi khám đau mắt đỏ?
Chưa rõ nguyên nhân đau mắt đỏ là do virus, vi khuẩn hay dị ứng nên việc tự ý sử dụng Tobidex là việc làm không nên. Lý do, trong thuốc này có 2 thành phần phải được kê đơn.
1. Tobramycin là kháng sinh. Nếu sử dụng không đúng thì có thể dẫn đến lờn thuốc (đề kháng kháng sinh) làm cho thuốc này mất hiệu lực trong những lần tiếp theo với bản thân người sử dụng và trong cộng đồng.
Trong trường hợp bội nhiễm, sau khi nhiễm virus, chính bác sĩ là người kê đơn thuốc này.
2. Dexamethasone - là thuốc corticoid. Nếu dùng trong trường hợp nhiễm virus có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Vì thuốc này làm giảm sức đề kháng của cơ thể và làm tăng nguy cơ phát triển của virus gây phát tán ra môi trường xung quanh.
Khôi Nguyên
15:00 ngày 22/09/2023
Hiện nhiều người đau mắt đỏ. Vậy xin bác sĩ cho biết phòng ngừa đau mắt đỏ ra sao? Nếu trong cơ quan làm việc trước đó 1 ngày tiếp xúc với người đau mắt đỏ (chưa có biểu hiện ra ngoài) sau đó họ có biểu hiện ra ngoài thì nguy cơ lây bệnh ra sao?
Như đã tư vấn cho các bạn đọc trước, bệnh đau mắt đỏ do virus chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp như dịch tiết, giọt bắn. Cách đơn giản nhất để phòng ngừa là hạn chế tiếp xúc với người bệnh, rửa tay thường xuyên, không đưa tay dụi lên mắt và phải đeo khẩu trang phòng tránh.
Nếu trong cơ quan làm việc có một người bị đau mắt đỏ nhưng chưa có biểu hiện ra ngoài, một ngày sau họ có triệu chứng của bệnh thì bạn vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm.
Phương Anh
15:00 ngày 22/09/2023
Nhà trường cần có giải pháp gì khi có nhiều trẻ cùng bị sốt xuất huyết hoặc đau mắt đỏ, xin các bác sĩ cho lời khuyên?
HCDC đã có công văn gửi các nhà trường về tăng cường phòng chống đau mắt đỏ do virus.
Theo đó, nhà trường tăng cường truyền thông đến phụ huynh, học sinh các biện pháp phòng bệnh. Khi phát hiện học sinh, người lao động có các triệu chứng đau mắt đỏ thì hướng dẫn đến khám tại các cơ sở y tế. Các trường hợp được chẩn đoán là đau mắt đỏ phải nghỉ học, nghỉ làm và hạn chế tiếp xúc theo chỉ định của bác sĩ hoặc đến khi hết các triệu chứng để tránh lây lan cho người khác.
Nhà trường đảm bảo đầy đủ nước và xà phòng để học sinh, người lao động rửa tay thường xuyên, hạn chế lây lan.
Nhà trường thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh thường quy, tăng tần suất làm vệ sinh khi phát hiện ca bệnh trong trường.
Cần lưu ý các lớp học bán trú, không cho học sinh sử dụng chung ly nước, khăn lau, mền gối...
Hạnh Hoàng
15:00 ngày 22/09/2023
Không chỉ sốt xuất huyết, đau mắt đỏ mà chân tay miệng cũng là nỗi sợ của trẻ em hiện nay, xin bác sĩ QUy cho lời khuyên về phòng chống các bệnh lây nhiễm nói chung đối với trẻ em.
Xin chào bạn!
Nguyên tắc phòng chống các bệnh lây nhiễm chung:
- Vệ sinh tay, không chỉ là vệ sinh tay cho trẻ mà còn vệ sinh cho chính người chăm sóc trẻ. Vì rất nhiều trường hợp lây bệnh truyền nhiễm là do lây từ bàn tay của người chăm sóc đã tiếp xúc với người bệnh trước đó mà không biết.
- Nên mang khẩu trang thường xuyên ở khu vực công cộng, đông người để tránh các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
- Rà soát lại sổ chích ngừa của trẻ xem còn thiếu các mũi vắc xin còn thiếu thì phải bổ sung ngay để đảm bảo mức độ phòng ngừa tốt nhất cho trẻ.
- Bảo đảm an toàn thực phẩm khi chế biến đồ ăn cho trẻ để tránh các bệnh lây truyền qua đường ăn uống.
Thạnh Nguyễn
15:00 ngày 22/09/2023
Vừa qua, dịch đau mắt đỏ, con tôi đi học về bị lây. Tôi dẫn cháu đi khám và mua thuốc nhỏ torex nhưng đa số các nhà thuốc bị hết hàng. Vậy tôi cần chăm sóc mắt cho con như thế nào khi không có thuốc?
Câu hỏi của bạn cũng chính là câu trả lời. Vì sự lạm dụng thuốc torex trong cộng đồng một cách không cần thiết nên việc khan hiếm thuốc chỉ có tính nhất thời. Để khắc phục tình trạng này cần có sự hợp tác giữa các cấp quản lý, nhân viên y tế và cộng đồng.
Nếu không có dấu hiệu đặc trưng của nhiễm vi khuẩn (đổ ghèn) thì có thể dùng những thuốc hỗ trợ như nước muối sinh lý và giữ vệ sinh để tránh lây lan trong gia đình. Bên cạnh đó, nên cho cháu nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn trong lớp.
Ngoài ra, nên thực hiện một số biện pháp sau đây: Nghỉ ngơi, chườm mát lên mát (nhắm mắt), xoa nhẹ nhàng mí mắt, rửa mí mắt nhẹ nhàng và dùng 1 số thuốc không kê đơn như các câu trả lời ở trên.
Phương Anh
15:00 ngày 22/09/2023
HCDC đã có những chính sách tuyên truyền như thế nào cho dễ hiểu nhất đối với các bệnh truyền nhiễm tới người dân, chúng tôi có thể tham khảo các kiến thức phòng chống bệnh lây nhiễm ở đâu?
HCDC luôn thực hiện các hoạt động truyền thông đến người dân về các bệnh truyền nhiễm. Bạn có thể truy cập trang web của HCDC tại hcdc.vn hoặc fanpage của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP tại https://www.facebook.com/ksbthcm để có những thông tin cần thiết.
Trần Hùng
15:02 ngày 22/09/2023
Hiện nay, trời bắt đầu mưa và có muỗi nhiều. Tôi có tìm hiểu thấy trên mạng bán các sản phẩm xịt muỗi. Xin bác sĩ cho biết nếu hít phải các chất này có ảnh hưởng sức khỏe hay không?
Hiện nay, các hoá chất trong các bình xịt muỗi đều an toàn khi sử dụng nếu bạn sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
lê tấn kiệt
15:02 ngày 22/09/2023
Tôi hiện cảm thấy không khỏe, cứ bị ớn lạnh. Từ tối đến khoảng 2 giờ sáng có nóng nhẹ, đổ mồ hôi rồi hết. Hôm sau thì đến khoảng 2 giờ chiều lại nóng hầm hầm. Tôi bị tình trạng này 3 ngày nay rồi, có phải tôi bị sốt xuất huyết không?
Sốt xuất huyết có biểu hiện sốt cao, sốt liên tục và khó hạ bằng thuốc hạ sốt. Triệu chứng sốt bạn đang mô tả không giống với sốt xuất huyết. Bạn nên đến cơ sở y tế để được khám tìm ra nguyên nhân gây sốt.
NGUYỄN TRÍ KHÁNH
15:02 ngày 22/09/2023
@Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Minh Vinh: Hiện tại con trai đầu học lớp 4 của tôi bị mắt đỏ và hết (có dùng thuốc nhỏ tabrex). Nhưng vợ tôi mới sanh bé được 4 tháng thì bị mắt đỏ sau khi con trai đầu hết, hiện đang nhỏ thuốc tabrex nhưng không khỏi, mắt vẫn sưng, sau 3 ngày thì mua thêm loại tabrodex và salein. Xin bác sĩ tư vấn hướng điều trị vì vợ tôi mới sinh cũng ngại đi bệnh viện khám.
Về nguyên tắc khi được chẩn đoán bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp thành dịch) thì không nên dùng thuốc có chứa corticoid (như tobradex, dexacol,...) trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì có thể làm cho bệnh kéo dài và biến chứng liên đến thuốc có chứa corticoid.
Tốt nhất vợ bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt gần nhà để khám và kê toa hợp lý.
Phương pháp điều trị thông thường gồm: Rửa nước muối sinh lý NaCL 0.9%, nhỏ nước mắt nhân tạo, thuốc chống dị ứng nhỏ, vệ sinh tay thường xuyên, tránh tiếp xúc trực tiếp để hạn chế lây cho người nhà, không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt và các vật dụng cá nhân (khăn tay, khẩu trang, kính...).
Hường
15:02 ngày 22/09/2023
Ở quê tôi rất nhiều muỗi, bay từng đàn nghe như sáo thổi luôn, người ta gọi là muỗi cỏ, có con có vằn, có con không, thật sự cũng khó nhận biết. Và ở quê, chuyện muỗi chính là rất thường vì diệt không xuể. Vậy xin hỏi làm sao phân biệt được con muỗi nào gây bệnh sốt xuất huyết, thưa bác sĩ?
Xin chào bạn!
Bạn sẽ rất khó phân biệt được muỗi nào gây bệnh, muỗi nào không vì muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản, muỗi gây bệnh sốt rét đều là những loài khác nhau. Do vậy, khi mình "diệt không xuể" thì nguyên tắc là không để muỗi chích.
Các biện pháp không để muỗi chích: Ngủ mùng, mặc áo tay dài, quần dài. Sử dụng những tinh dầu đuổi muỗi hoặc các loại kem thoa da đuổi muỗi.
Lan Anh
15:02 ngày 22/09/2023
Tôi thấy nhiều người bị đau mắt đỏ thường sẽ đeo kính đen. Có phải đeo kính là ngăn được bệnh lây lan?
Đeo kính râm giúp làm giảm hiện tượng lóa mắt nên bệnh nhân dễ chịu hơn chứ không ngăn được lây bệnh này vì lây lan là do tiếp xúc trực dịch tiết của mắt hoặc mũi họng của người bệnh.
Kim
15:06 ngày 22/09/2023
Con tôi 2 tuổi. Bé cơ địa dị ứng nên hay bị sưng đỏ mắt, từ sơ sinh đến giờ đã bị 6-5 lần. Một vài lần đầu bị, đi khám thường bác sĩ chỉ cho nhỏ nước muối sinh lý. Do vậy những lần sau, khi cháu có biểu hiện sưng đỏ mắt thì gia đình không đưa đi khám mà tự nhỏ nước muối tại nhà. Sáng nay ngủ dậy mắt cháu hơi sưng, đỏ nhẹ và không ghèn. Đang dịch đau mắt đỏ, tôi hơi lo. Vậy làm sao để phân biệt được bé bị đau mắt đỏ hay bị dị ứng như mọi lần? Tôi ngại đi khám vì nói thật vào bệnh viện không cẩn thận lại bị lây, nhất là trong tình hình dịch đau mắt đỏ đang bùng mạnh.
Những trẻ có cơ địa dị ứng thì khả năng mắc bệnh đau mắc đỏ cao hơn. Nếu nhỏ nước muối sinh lý mà mắt trẻ không giảm bớt, ngược lại mắt xuất hiện phù nề, sưng đỏ hơn, đổ ghèn hoặc một số triệu chứng về đường hô hấp thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Gia Huy
15:06 ngày 22/09/2023
SXH Dengue khi nào thì gây chết người? Bị dị ứng, nổi mề đay dễ nhầm với triệu chứng SXH và ngược lại. Làm thế nào để phân biệt?
Sốt xuất huyết thực chất là do nhiễm virus từ một loại muỗi Dengue.
Phần lớn bệnh sẽ tự khỏi, các triệu chứng ở mức độ nhẹ bao gồm: sốt cao phát ban, đau dữ dội ở khóe mắt, buồn nôn, đau cơ - xương khớp. Bệnh có thể thuyên giảm sau 1-2 tuần.
Tuy nhiên, khoảng 5% người sốt xuất huyết sẽ phát triển thành sốt xuất huyết nặng sau khi các triệu chứng bắt đầu mờ dần.
Sốt xuất huyết nặng gồm: Đau bụng; nôn mửa thường xuyên; nôn ra máu; có máu trong phân; chảy máu mũi, răng; mệt mỏi cực độ, bồn chồn khó chịu... Khi có các triệu chứng trên thì phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị.
Trường hợp dị ứng, nổi mề đay thì không kèm theo sốt, không đau nhức xương, không nôn mửa...
Thành Hoa
15:06 ngày 22/09/2023
Con bị sốt xuất huyết và bị sốt rất cao. Mỗi lần sốt đều cảm thấy lạnh run nên chỉ muốn đắp mền, trong khi ba mẹ thì bắt con không được đắp mền và còn chườm khăn nhúng nước nên rất lạnh. Vậy cho con hỏi khi bị sốt thì phải làm sao?
Khi con sốt từ 38,5 độ trở lên phải uống thuốc hạ sốt ngay. Thường uống xong sẽ chưa hạ sốt ngay, do vậy cần phải lau mát bằng nước ấm để hạ sốt trong lúc chờ tác dụng của thuốc hạ sốt.
Việc đắp mền khi con cảm giác lạnh sẽ khiến tụ nhiệt lại làm cho cơ thể sốt cao hơn, có nguy cơ gây sốt cao co giật. Nếu con lạnh thì có thể mang găng tay, mang vớ chân nhưng tuyệt đối không được đắp mền khi sốt.
Thùy Linh
15:10 ngày 22/09/2023
Cả nhà, chỉ mình tôi bị sốt xuất huyết. Tôi được biết bệnh lây qua đường truyền khi muỗi đốt. Tuy nhiên, trừ khi ngủ, người thân tôi có ngủ màn nhưng sau khi ngủ dậy, sinh hoạt trong nhà không thể nào tránh muỗi đốt. Vậy xin bác sĩ cho biết có cách nào phòng tránh muỗi đốt mà an toàn cho sức khỏe?
Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng ở những nơi nước sạch, tĩnh. Trong nhà thường ở những bình bông, những vật dụng chứa nước bị bỏ quên, những nơi đọng nước như máng xối, những rác thải có thể đọng nước sau khi trời mưa ở xung quang nhà...
Để phòng chống sốt xuất huyết thì việc quan trọng nhất là diệt lăng quăng. Mỗi tuần bạn dành thời gian tìm và xử lý các khu vực mà muỗi có thể sinh sản trong và xung quanh nơi mình ở.
Việc phòng tránh muỗi đốt, bên cạnh việc ngủ mùng, bạn có thể sử dụng các hoá chất diệt muỗi, nhang muỗi, các hoá chất bôi trên da...
Ly
15:12 ngày 22/09/2023
Làm sao phân biệt được đau mắt đỏ với các triêu chứng đau mắt khác, tôi vẫn thường nhỏ một số thuốc nhỏ mắt thông dụng để chống khô mắt và bụi mắt, việc này có tốt không và ngày nào cũng nhỏ thì có ảnh hưởng gì không?
Đỏ mắt do rất nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng (vi trùng, vi rút, ký sinh trùng,...) hoặc không nhiễm trùng (dị ứng, miễn dịch, khô mắt, ứ trệ tuần hoàn mạch máu thượng củng mạc,...) hoặc vật lạ vào mắt. Do đó, bạn nên đi khám để chẩn đoán, tư vấn và điều trị phù hợp.
Dung dịch khuyên dùng là rửa bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để vệ sinh mắt (khi có bụi) và nhỏ nước mắt nhân tạo để điều trị khô mắt.
Ngọc Ánh
15:13 ngày 22/09/2023
Thưa PGS Dũng, khi sốt có nên ra tiệm thuốc mua thuốc hạ sốt ngay không, khi nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần uống thuốc gì?
Đối với trẻ con, khi bị sốt do mọi nguyên nhân thì cần phải hạ nhiệt bằng nhiều phương pháp để tránh làm tổn thương hệ thần kinh như chườm mát, đặt trẻ nằm ở nơi thoáng và giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách uống nhiều nước, chia làm nhiều lần. Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Trong trường hợp tình trạng sốt không cải thiện thì có thể dùng paracetamol. Tuyệt đối không được dùng asprin hoặc ibuprofen vì chất này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, thậm chí đe dọa tính mạng nếu nguyên nhân sốt là do sốt xuất huyết.
Vo Thai Tinh
15:14 ngày 22/09/2023
Nhờ các chuyên gia tư vấn giúp tôi cách phòng và chữa trị cho các bé trong độ tuổi sơ sinh nếu bị đau mắt đỏ. Ở độ tuổi này có loại thuốc nào phù hợp với các bé không?
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Do đó, khi trẻ bị đau mắt đỏ, phụ huynh nên đưa đến khám tại các cơ sở y tế uy tín. Trong độ tuổi này, mắt trẻ rất dễ bị bội nhiễm và xảy ra biến chứng nặng nếu không điều trị kịp thời.
Ngoài những cách phòng tránh như tôi đã nêu ở những câu trả lời trước, người chăm sóc trẻ cũng cần đặc biệt lưu ý phòng ngừa cho bản thân và biết cách chăm sóc trẻ để hạn chế lây nhiễm.
Thanh Hồ
15:14 ngày 22/09/2023
Gia đình tôi, từ thời ông bà, có thói quen cứ bị sốt xuất huyết là thuê người đến nhà truyền nước biển và uống nước chanh pha đường với chút muối. Việc này có đúng không?
Thứ nhất, chuyện uống nước chanh pha đường có chút muối là tốt vì giúp bù nước và điện giải cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng không nên pha nước chanh quá chua vì axit của chanh có thể làm đau dạy dày do đặc điểm của sốt xuất huyết là ăn uống kém.
Riêng chuyện truyền dịch là tuyệt đối không nên vì nguy cơ gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng dẫn đến suy hô hấp, khó thở.
Khôi Nguyên
15:20 ngày 22/09/2023
Thỉnh thoảng do tính chất công việc tôi có sử dụng kính áp tròng, xin bác sĩ cho biết sử dụng kính áp tròng có nguy cơ gây đau mắt đỏ hay không?
Đeo kính áp tròng có nguy cơ gây viêm giác mạc nhưng không phải là nguy cơ gây đau mắt đỏ nếu không tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nguồn lây.
Uyenpham nld
15:20 ngày 22/09/2023
Đau mắt đỏ, nếu không uống thuốc, chỉ nhỏ nước muối thì bao lâu mới khỏi và việc này có ảnh hưởng gì đến mắt không hay buộc phải vừa uống vừa nhỏ, thưa bác sĩ?
Nếu bị đỏ mắt do virus (xem các câu trả lời ở trên) - chiếm đa số trường hợp đỏ mắt, thường bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần lễ. Trong thời gian đó, nên làm dịu mắt bằng các dung dịch nước muối sinh lý, thuốc kháng histamin...
Thanh Nguyên
15:21 ngày 22/09/2023
Phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH được tổ chức như thế nào? Vì sao y tế chỉ phun theo đợt mà không phun thường xuyên?
Ngành y tế phun hoá chất diệt muỗi khi xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết. Khi phun hoá chất diệt muỗi, ngành y tế thành lập đội phun hoá chất căn cứ vào mức độ và quy mô của dịch. Hóa chất được sử dụng phải nằm trong danh mục hoá chất của Bộ Y tế.
Trước khi tiến hành phun, đội phun cần có bản đồ của khu vực, đường đi để phân chia phù hợp với hướng gió và khoảng cách. Thông báo trước cho dân cư khu vực phun hoá chất biết ngành giờ để che đậy thức ăn, nước uống và di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn, tắt lửa... trước khi phun thuốc.
Người dân cần hợp tác, mở cừa để đội phun vào nhà thực hiện nhiệm vụ. Chỉ vào nhà sau khi phun hóa chất ít nhất 60 phút.
Trinh Đặng
15:23 ngày 22/09/2023
Làm sao để phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết ở trẻ em, thưa bác sỹ?
Để phân biệt được là sốt siêu vi hay sốt xuất huyết thường sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm máu, thực hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh.
Tuy nhiên, nếu những khu vực nào không có xét nghiệm máu, bạn lưu ý các đặc điểm như sau:
Với sốt siêu vi, trẻ sẽ sốt cao liên tục từ 2-3 ngày. Giữa các cữ sốt, trẻ sẽ chơi và sau khi đã hết hẳn sốt, trẻ sẽ sinh hoạt, ăn uống bình thường.
Đối với sốt xuất huyết, trẻ sẽ sốt từ 3-4 ngày, uống thuốc hạ sốt không giảm. Nhưng khi trẻ hết sốt, trẻ sẽ mệt hơn, ăn uống kém, có thể có đau bụng, nôi ói, biểu hiện xuất huyết.
Ngọc
15:23 ngày 22/09/2023
Khi bị đau mắt đỏ, mắt rát xốn khó chịu nên tôi nhỏ nước mắt nhân tạo (thay vì nước muối sinh lý) vì nó làm mắt mát mẻ, dễ chịu. Tôi có thể dùng nước mắt nhân tạo hoàn toàn được không, có ảnh hưởng gì tới mắt sau khi khỏi bệnh không?
Bạn có thể dùng nước mắt nhân tạo nhưng với điều kiện thuốc nhỏ mắt này không được chứa chất bảo quản. Vì bản thân chất bảo quản cũng góp phần làm khô mắt và đỏ mắt.
Hiện nay, có những loại thuốc nhỏ mắt được bào chế dưới dạng tép BFS (Blow-fill-seal) dùng một lần, không chứa chất bảo quản. Tuy nhiên, trước khi dùng thuốc nhỏ mắt nhân tạo nên rửa bằng nước muối sinh lý để loại hết bụi bẩn trên mắt.
Trường hợp nhỏ mắt bằng thuốc có thành phần hoạt chất là axit hyaluronic, chất này giống như chất tự nhiên có trong mắt nên sẽ an toàn cho bạn. Ngoài ra, có thể dùng thêm thuốc nhỏ mắt kháng histamin để giúp cải thiện đỏ mắt không do nhiễm vi sinh vật (virus, vi khuẩn)...
Đinh Hằng
15:38 ngày 22/09/2023
Mẹ bị đau mắt đỏ nhưng em bé còn nhỏ, vẫn đang bú mẹ. Làm sao để không lây cho con trong khi vẫn phải tiếp xúc trực tiếp với bé?
Thật khó để tránh lây lan trong trường hợp này. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa có thể giảm nguy cơ lây bệnh cho em bé.
Cụ thể: Tránh tiếp xúc tay với dịch tiết của mắt người bệnh hoặc hôn, nựng em bé; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với em bé.
Người bệnh phải điều trị đau mắt đỏ theo toa bác sĩ, không dùng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho em bé.
Quang Huy
15:38 ngày 22/09/2023
Đau mắt đỏ thường gây lây cả nhà, cả lớp hoặc cả công ty? Có cách nào không lây và không bị lây?
Bệnh đau mắt đỏ do virus lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mắt của người bệnh (ghèn, nước mắt), nếu có viêm hô hấp kèm theo có thể lây nhiễm qua giọt bắn (hắt hơi, sổ mũi , đàm nhớt,...). Vì vậy, khả năng lây lan ở nơi đông người rất cao.
Để phòng tránh lây lan, đối với người bệnh nên tự cách ly, hạn chế đến những nơi đông người. Người bệnh nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay thường xuyên, không dụi tay vào mắt; không dùng khăn chung với các thành viên khác trong gia đình; sử dụng bông gòn tiệt trùng để lau mắt; thường xuyên vệ sinh đồ đùng cá nhân, mền, gối,...
Đối với người chưa mắc bệnh, cách tốt nhất để phòng tránh là sát khuẩn tay thường xuyên sau mỗi lần tiếp xúc ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút thang máy,... Nên đeo khẩu trang phòng tránh đúng cách khi đến những nơi đông người. Ngoài ra, bạn nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
Hoàng Yến
15:38 ngày 22/09/2023
Con tôi bị đau mắt đỏ, sau đó lây cho tôi. Nhỏ thuốc được 3 ngày thì mắt con đã đỡ. Thuốc nhỏ của con còn 1/2 lọ. Vậy tôi có thể lấy lọ thuốc đó để nhỏ cho mình được không? Xin hỏi cách bảo quản lọ thuốc nhỏ sao cho an toàn, không bị nhiễm khuẩn.
Thuốc sau khi mở nắp chỉ dùng trong vòng 2 tuần. Không nên dùng thuốc của người này để dùng cho người kia vì bạn không thể biết chắc có giống bệnh của nhau hay không.
Hoàng Trần
15:38 ngày 22/09/2023
Hơn nửa tháng qua trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện tình trạng muỗi cỏ xuất hiện vào buổi chiều tối chúng cắn rất ngứa, có nơi muỗi xuất hiện thành đàn đen kịt. Người dân đối phó bằng cách xịt muỗi, đốt nhang, ung bếp bằng các loại như vỏ cam, vỏ bưởi...đóng cửa sớm. Nhưng tình trạng không khả quan. Muỗi cỏ xuất hiện do người dân thu hoạch lúa. Xin các chuyên gia cho lời khuyên người dân chúng tôi làm gì để phòng tránh và muỗi cỏ có gây ra tình trạng sốt xuất huyết không?
Nếu là muỗi cỏ thì không gây ra sốt xuất huyết. Nhưng nếu xác định là muỗi cỏ tên Culex thì có khả năng gây ra bệnh viêm não Nhật Bản. Việc diệt muỗi nếu không thực hiện được triệt để thì nguyên tắc là không để muỗi chích gây bệnh.
Các biện pháp không để muỗi chích: Ngủ mùng, mặc áo tay dài, quần dài. Sử dụng những tinh dầu đuổi muỗi hoặc các loại kem thoa da đuổi muỗi.
Ngọc Liên
15:38 ngày 22/09/2023
Con tôi 2 tuổi, cách đây 3 ngày cháu bị sốt có kèm húng hắng ho. Tôi đưa bé đi khám thì bác sĩ chẩn đoán viêm mũi họng và kê kháng sinh, kháng viêm. Tuy nhiên, uống thuốc đến ngày thứ 3 nhưng việc sốt không cải thiện nên tôi đưa đi khám lại, xét nghiệm máu thì xác định cháu bị sốt xuất huyết và bác sĩ kêu ngưng thuốc. Việc uống kháng sinh, kháng viêm chỉ 3 ngày (thay vì 5 ngày) có dẫn đến kháng kháng sinh như báo chí thường khuyến cáo không?
Xin chào bạn!
Sốt xuất huyết là do siêu vi gây bệnh, không có chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị. Viêm mũi, họng 90% cũng là do siêu vi đường hô hấp gây bệnh cũng không có chỉ định sử dụng kháng sinh. Do vậy, tôi nghĩ việc ngưng sử dụng kháng sinh ở thời điểm như bạn mô tả là có lợi cho con bạn. Bạn đừng lo lắng chuyện kháng kháng sinh.
Hùng văn
15:39 ngày 22/09/2023
Có nên tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm hay không bác sĩ Yến? Và phải tiêm ở đâu?
Vắc xin là giải pháp hiệu quả nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay chúng ta đã có 1 số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vacxin như COVID-19, sởi, quai bị, rubella, bạch hầu...
Với những bệnh đã có vacxin phòng ngừa thì việc tiêm chủng là cực kỳ quan trọng. Bạn có thể đến các cơ sở tiêm chủng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, các trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện... để được tiêm chủng.
Bình luận (0)