Công trình vừa công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Toxicology và Application Pharmacology đã tìm ra những tác động đáng ngại mà hóa chất có thể gây ra đối với cơ chế chuyển hóa lipid của con người.
Trước đây, đã có các nghiên cứu dạng quan sát cho thấy việc phơi nhiễm hóa chất liên quan đến nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ và béo phì. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Y Baylor đã làm nhiều thí nghiệm để xác định rõ ràng cơ chế, và đã phát hiện ra những tác động ở cấp độ tế bào.
Ngoài chế độ ăn uống, vận động, phơi nhiễm hóa chất là một nguyên nhân bất ngờ gây ra gan nhiễm mỡ và béo phì - ảnh minh họa từ Internet
Theo tiến sĩ – trợ lý giáo sư Ramon Lavado, trưởng nhóm nghiên cứu, một số hóa chất cụ thể đã phá vỡ các quá trình trao đổi chất thông thương, thúc đẩy sự tích tụ lipid bất thường trong gan người, rõ ràng nhất là sự tăng sản xuất 2 thành phần chất béo là diglyceride và triglyceride.
Chưa kể, nếu tiếp xúc với chúng trong giai đoạn đầu đời, cơ chế chuyển hóa lipid tự nhiên có thể bị rối loạn vĩnh viễn, khiến người đó suốt đời dễ bị tăng cân hơn người khác, từ đó tăng nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan.
Trước đây, người ta vẫn tưởng rằng gan nhiễm mỡ và béo phì là các tình trạng xảy ra đơn thuần do lối sống: rượu, thói quen ăn uống, thiếu vận động…
Các hóa chất gây ra tác động đáng lo ngại trên được tìm thấy trong khói thuốc lá, trong không khí ô nhiễm, thuốc trừ sâu, thuốc chống cháy, các hóa chất làm mềm vật dụng… Trong quá khứ, một số hóa chất công nghiệp trong sơn, xi măng, chất bịt trám các kẽ hở, chất kết dính… cũng gây tác động tương tự.
Các tác giả đang tiếp tục mở rộng thí nghiệm ở quy mô lớn hơn. Nghiên cứu cung cấp lời cảnh báo cho thấy sự phát triển của công nghiệp và môi trường rất cần song song đến những cân nhắc về mặt y khoa. Cách đây vài tuần, một nhóm nghiên cứu khác từ Đại học Robert Wood Johnson (New Jersey, Mỹ) cũng công bố nghiên cứu cho thấy ô nhiễm môi trường cũng là yếu tố dẫn đến gan nhiễm mỡ, bởi các hóa chất giải phóng trong quá trình phá dỡ nhà cửa, khai khoảng… có thể phá vỡ các tín hiệu nội tiết.
Bình luận (0)