Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) ngày 9-12 cho biết bệnh viện đang điều trị 6 ca viêm màng não. Trong đó có trường hợp 1 bệnh nhi 3 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng đầu to hơn so với cơ thể.
Trước đó, bé sốt kéo dài, co giật, yếu một tay. Sau khi điều trị ở địa phương không hiệu quả, nên gia đình đưa bé từ Tây Nguyên đến TP HCM thăm khám. Tại bệnh viện, bé được xét nghiệm kết quả bị lao đa cơ quan (phổi và màng não). Ngoài ra, đầu bé to vì não úng thủy là biến chứng của bệnh lý lao màng não nặng.
"Chưa khi nào trong thời gian ngắn chúng tôi ghi nhận nhiều ca lao màng não như vậy. Trước đây chỉ rải rác 1-2 ca nhưng trong tuần qua tại khoa cùng lúc điều trị cho 6 ca lao màng não" – bác sĩ Quy lo ngại.
Tương tự, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết vài tuần gần đây, số ca bệnh viêm màng não cũng có chiều hướng tăng mạnh. Hiện bệnh viện điều trị 22 ca, cũng có những ngày lên 30 ca. Trong đó, có 3 ca trường hợp nặng tụ mủ dưới màng cứng. 2 trường do E.coli và 1 trường hợp đang tìm tác nhân gây bệnh.
Theo bác sĩ Qui, nguyên nhân gây viêm màng não đa phần là do các vi khuẩn như: E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao… Một số ít do virus, ký sinh trùng, nấm…
Triệu chứng của bệnh gồm sốt, quấy khóc nhiều, đau đầu, nôn ói, thóp phồng. Bên cạnh đó còn có triệu chứng thần kinh nặng nề hơn như: co giật, yếu liệt khu trú, rối loạn tri giác (kích thích, li bì, hôn mê…).
Để phòng ngừa bệnh viêm màng não cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo hiện có vắc-xin 5in1 hay 6in1 có thể ngừa được HiB; vắc-xin PCV10 hoặc PCV13 ngừa được phế cầu; vắc-xin não mô cầu. Quan trọng hơn, do vi khuẩn gây bệnh nhiều hơn loại vắc-xin phòng ngừa nên phụ huynh cần tuân thủ vệ sinh tay thường xuyên, mang khẩu trang, vệ sinh thân thể và nơi sinh hoạt, ăn chín uống sôi.
Ngoài ra, vắc - xin ngừa lao BCG đã có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, được khuyến cáo chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 30 ngày sau khi sinh càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)