Theo người nhà bé L.L.T. (8 tuổi, ngụ tại Bù Đăng - Bình Phước), trước đó, con chó bẹc-giê nhà đang nuôi cắn nhau với chó nhà hàng xóm, dẫn đến vết thương ở chân.
Thường ngày, T. hay chơi với con chó này và rất thương nên có lúc ôm chó nựng nịu. Tuy nhiên, hôm đó, bé lại ôm nhầm ngay vùng chân bị thương của nó. Bị đau bất ngờ, chú chó thường ngày vẫn hiền lành lao vào cắn xé bé dữ dội gây ra 5 vết trầm trọng, vết lớn nhất dài tới 15 cm làm rách từ khóe miệng lên đến gần mang tai.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đang trình bày lại ca tai nạn do chó cắn - ảnh TẤN NGUYÊN
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng khoa Răng Hàm mặt và Phẫu thuật tạo hình, cháu bé đã được người nhà đưa từ Bình Phước lên TP HCM, đến thẳng Viện Pasteur chích ngừa rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.
Ê-kíp trực đã mất hơn 1 giờ để làm sạch vết thương cho bé và đến sáng 27-10 đã tiến hành phẫu thuật. "Chúng tôi mất gần 3 giờ để phẫu thuật cho bé, khâu hết 10 sợi chỉ, mỗi sợi dài đến 75 cm, ước tính hơn 200 mũi khâu, nhiều vùng còn được cố định bằng một loại băng đặc biệt thay thế chỉ khâu" - bác sĩ Hằng cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, thành viên ê kíp phẫu thuật, đang kiểm tra lại vết khâu cho bé - ảnh TẤN NGUYÊN
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt và Phẫu thuật tạo hình, thao tác làm sạch vết thương bị chó cắn rất quan trọng vì chó là động vật ăn tạp và thường có rất nhiều vi khuẩn, các tác nhân gây bệnh ở vùng miệng nên vết thương do chó cắn mặc nhiên được xếp vào dạng vết thương nhiễm khuẩn.
Trong trường hợp này, sau phẫu thuật, các chức năng nói, ăn, nhai của bé T. được bảo đảm nhưng các bác sĩ vẫn lo rằng khả năng biểu cảm của khuôn mặt sẽ bị hạn chế và vết thương cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ do quá lớn, có thể để lại sẹo xấu, gây co rút. Bé có thể sẽ được tiếp tục phẫu thuật phần sẹo sau khi lành thương và lên sẹo.
"Chúng tôi đã tiếp nhận vài chục ca như thế này, đa phần đều là chó nhà tấn công nên việc nuôi động vật trong nhà, nhất là những con chó lớn, khi có trẻ nhỏ là rất nguy hiểm. Ngoài nguy cơ bị tấn công, trẻ còn có thể bị dị ứng vì lông chó mèo, gặp các bệnh do ký sinh trùng... " - bác sĩ Đẩu khuyến cáo.
Bác sĩ cũng khuyên người dân không nên nuôi chó khi nhà có trẻ nhỏ và nếu nhất định phải nuôi thì nên kiểm soát, cách ly chúng khỏi trẻ cũng như dùng rọ mõm khi dẫn chó ra ngoài. Vết thương do chó cắn ngoài ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, có nguy cơ dại, phong đòn gánh, còn có thể làm ảnh hưởng đến thần kinh, chức năng khuôn mặt. Bản năng của động vật là cắn và xé nên khi tấn công rất dễ để lại thương tổn lớn.
Bình luận (0)