Vùng chân mọc đầy lông của bé Ngọc
Những lời đồn đại ác ý
Trong căn nhà nhỏ ở bản Buốc, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, cháu Lò Thị Ngọc (3 tuổi), bao năm qua phải vật lộn trong đau đớn khi gặp căn bệnh lạ mà ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận đến trường hợp thứ 2. Nhưng một nỗi đau khác mà em và bố mẹ đang phải gánh chịu là những lời ác ý, cay nghiệt khi đồn đại em là “người rừng”, “người khỉ”, “ma quỷ đầu thai”…
Căn nguyên bắt nguồn từ khi sinh ra bên phía chân phải của cháu Ngọc xuất hiện một vùng da tối màu và mọc lông đen lạ thường. Mặc dù trên vùng da đó của cháu không lan rộng nhưng qua thời gian, đám lông càng mọc dày đặc, đen và dài thêm. Bố cháu, anh Lò Văn Thanh (27 tuổi), cho biết vợ chồng anh cưới nhau được 3 năm thì vợ anh, chị Lò Thị Thiên (25 tuổi), mới có thai đứa con trai đầu lòng. Tuy nhiên, niềm vui chờ đón đứa con đầu lòng của gia đình chưa kịp trọn vẹn thì khi mới sinh ra, cháu bé đã bị chết ngạt.
Vốn đã hiếm muộn, lại nhận nỗi đau này nên khi có thai cháu Ngọc, vợ chồng anh Thanh rất giữ gìn. Do sinh sống cách trung tâm thị trấn gần 50 km đường rừng nên đối với người dân ở đây, những hủ tục, quan niệm đến ma quỷ vẫn còn phổ biến. Lúc sinh cháu đầu và sau này là cháu Ngọc, khi chuyển dạ, chị Thiên không thể xuống kịp bệnh viện huyện mà phải sinh ở nhà.
Ngày cháu Ngọc cất tiếng khóc chào đời, cả gia đình anh Thanh hạnh phúc đến rơi nước mắt. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy phút chốc đã tan biến, thay vào đó là nỗi hoang mang, lo sợ khi anh nghe bà đỡ đang tắm cho cháu hét lên: “Trời ơi, chân đứa bé như con khỉ”. “Vội vàng chạy vào buồng, tôi như chết lặng, đau đớn khi nhìn xuống đôi chân của con gái. Chân phải của cháu có một vùng da đen, thô ráp mọc lông đen kịt” - anh Thanh kể lại.
Nhưng đau đớn hơn, sau ngày sinh chưa được lâu thì cái tin vợ chồng anh sinh ra con dị tật trong chốc lát đã lan ra khắp bản. Đi đến đâu cũng nghe người ta xì xào to nhỏ. Người nọ truyền tai người kia khiến câu chuyện thành “tam sao thất bản”. Nhiều người hiếu kỳ còn lên tận nhà anh chị để xem cô bé như thế nào. “Hồi đầu, người ta cứ kéo đến ầm ầm, ngày nào cũng có người “đến thăm”. Người bế cháu thì ít, vạch chăn nhìn chân cháu rồi hỏi soi mói thì nhiều” - chị Thiên buồn rầu cho biết. Thậm chí có người còn thêu dệt, việc cháu Ngọc bị như thế là do gia đình ăn ở thất đức và do người anh trai bị chết ngạt trước đây đầu thai vào để trả thù bố mẹ(?!).
Việt Nam chỉ có hai người mắc
Theo anh Thanh, chị Thiên, dù mới chỉ 3 tuổi nhưng cháu Ngọc cũng phần nào hiểu được sự khác biệt của bản thân so với các bạn cùng trang lứa.
Khi những đứa trẻ vô tư diện những chiếc váy ngắn, quần đùi thì cô bé nhất quyết chỉ mặc quần dài để che đi khiếm khuyết trên chân của mình. Ánh mắt cháu ngây ngô luôn lộ sự mặc cảm. Thương nhất là khi nhìn thấy sự khao khát của Ngọc được theo các bạn vui chơi nô đùa dưới đường. “Từ bé cháu chỉ lủi thủi chơi một mình vì không có bạn. Trước đó, thấy đám bạn chơi, Ngọc cũng nhiều lần chạy theo nhưng lần nào cũng mếu máo khóc ra về vì không ai chơi cùng” - chị Thiên quay đi giấu những giọt nước mắt.
Nhớ lại ngày đầu tiên đưa con đến trường mầm non, khi vừa đến lớp các bạn đã hét ầm ĩ khi phát hiện ra sự bất thường trên chân cháu. “Từ hôm ấy cháu không muốn đi học nữa, dỗ dành thế nào cũng chẳng chịu nghe. Thi thoảng cháu lại nhìn xuống cái chân đầy lông của mình thắc mắc “mẹ ơi, sao các bạn lại bảo con là “ma”, là “quái vật”, sao chân con nó lại mọc lông thế này hả mẹ?”, những câu hỏi ấy như xé nát tâm can người mẹ trẻ. Mỗi khi nhắc đến chuyện đi học, Ngọc lại bảo: “Bao giờ chân hết lông thì con mới đi học”.
Nhưng nỗi đau không chỉ dừng lại ở sự dị biệt xấu xí mà nó còn xuất hiện những biểu hiện như một chứng bệnh. Anh Thanh cho biết bình thường cháu cũng chỉ ngứa ngáy nhưng vào mùa hè thì nó mọc mụn nhỏ, tự vỡ và đau rát. Mùa đông thì bong tróc từng mảng da gây chảy máu rất đau đớn. Thấy con bị bệnh, anh Thanh, chị Thiên cũng đã đưa cháu đi khám ở các thầy lang trong bản, rồi lên trạm y tế xã, bệnh viện huyện nhưng vì quá nghèo nên cũng chỉ dừng lại ở đó.
Nói về căn bệnh của cháu Ngọc, ông Hoàng Văn Chính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, cho biết: “Nói cháu Lò Thị Ngọc bị bệnh do “ma quỷ”, rồi “đầu thai” để trả thù là những lời nói ác ý, nhảm nhí và mang tính mê tín, dị đoan. Những biểu hiện bệnh lý của cháu Ngọc có nhiều khả năng cháu mắc chứng bệnh trong y học gọi là hiện tượng lại giống. Bệnh này có tên khoa học là hypertrichosis, trên thế giới hiện không quá 60 người mắc bệnh này. Ở Việt Nam cháu Ngọc là trường hợp thứ hai sau cháu Nguyễn Văn Hoàng (SN 1999, ở Quảng Bình). Cho đến nay y học vẫn chưa có phương pháp điều trị những trường hợp mắc chứng bệnh này”.
Bình luận (0)