Sáng 9-9, tại cuộc họp báo của BV Nhi Đồng 1, BS Chuyên khoa I Phan Vũ Bảo, quyền trưởng khoa Bỏng - Tạo hình, BV Nhi Đồng 1 cho biết bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Linh (12 tuổi, ngụ tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) đã ổn định hơn về mặt sức khỏe lẫn tinh thần. Bé Linh chính là nạn nhân bị mẹ đốt do không bán hết vé số như Báo Người Lao Động đã đưa tin.
Sau gần 1 tuần được mổ cắt lọc lần đầu, các vết thương trên cơ thể cháu bé đã dần ổn định. Tình trạng nhiễm trùng vẫn còn nhưng mức độ và tần suất sốt đã giảm nhiều, bé vẫn ăn chủ yếu qua đường miệng.
"Tuy nhiên, để hạn chế các biến chứng, nhất là ở vùng bàn tay, khu vực bị bỏng nhiều nhất thì phải tích cực điều trị như tiếp tục mổ cắt lọc, ghép da, vật lý trị liệu... Hiện nay đã có hy vọng bảo toàn được bàn tay cho bé. Về sức khỏe chung của bé, dù khá hơn nhưng tiên lượng vẫn dè dặt. Bé bị bỏng đến 38% nên tính mạng vẫn có thể bị đe dọa nếu không kiểm soát thật tốt tình trạng nhiễm trùng. Khi nào ghép da xong, da lành hẳn thì mới có thể chắc chắn là qua nguy hiểm" - BS Bảo cho biết.
Theo BS Trang, về mặt tâm lý, thời gian đầu sau mổ cắt lọc rất khó tiếp cận, bé có lúc cáu gắt, từ chối hợp tác, không muốn gặp ai, nói những lời giận dỗi mẹ... Tình trạng ấy do em phải chịu một lúc nhiều cơn đau do cắt lọc, thay băng, tiêm thuốc... Rất may, khi cơn đau dần bớt, bé đã ngoan ngoãn trở lại, hay cười khi được chuyên gia tâm lý và nhân viên xã hội đến trò chuyện, đọc báo cho nghe. Linh nhiều lần nhắc đến mẹ nhưng không oán giận mà còn tỏ ra yêu thương, tha thứ và muốn được tiếp tục sống với mẹ. Em cũng muốn được đi học trở lại và học thêm nghề cắt tóc để phụ giúp gia đình.
"Về nguyện vọng tiếp tục sống với mẹ của Linh, không thể nói ngay bây giờ là có nên hay không. Đứa trẻ nào cũng cần có chỗ dựa, tuy nhiên người mẹ - dù có tiếp tục sống với con hay không - thì cũng cần được giúp đỡ để không tiếp tục có những hành động nguy hiểm với người thân và những người khác xung quanh. Nếu loại trừ được nguyên nhân bệnh tâm thần, phải có gì cùng cực lắm mới dẫn đến hành động vượt khỏi tầm kiếm soát của người mẹ. Vì sao thì chúng ta vẫn cần câu trả lời" -BS Trang cho biết.
Theo ThS-BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1, vấn đề tâm lý của bé gái bị mẹ đốt về sau cú sốc này rất cần được quan tâm, bởi đứa trẻ bị bạo hành như em rất dễ dẫn đến các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, nguy cơ tiếp tục bị bạo hành hoặc trở thành kẻ bị bạo hành trong tương lai. Ngoài ra, cuộc sống của em sẽ thế nào, ai lo lắng cho sau khi xuất viện cũng là điều phải nghĩ đến. Các BS hy vọng các đơn vị an sinh xã hội sẽ vào cuộc.
Trước đó, vào ngày 24-8, bé Linh đi bán vé số nhưng bán không hết. Trong lúc giận dữ, mẹ Linh là bà Trương Thị Vy đánh Linh rồi sai bé N.T.K.N. (10 tuổi) - em của Linh - đi mua 1 lít xăng. Tiếp đó, bà Vy đã châm lửa đốt bé Linh rồi bỏ ra sân nhưng Linh quá nóng nên đã chạy ra ôm lấy mẹ, vì vậy bà Vy cũng bị bỏng nhẹ phía sau lưng.
Trong lúc bé Linh vừa chạy ra sân vừa kêu cứu, hàng xóm phát hiện, xông vào dập lửa và đưa cả hai mẹ con vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Bình Thuận cấp cứu. Do Linh bỏng quá nặng, bệnh viện này đã chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bình luận (0)