Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ nguy kịch sau uống thuốc cam - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 24-4, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thời gian qua, Khoa Cấp cứu chống độc của bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Phần lớn các ca ngộ độc chì ở trẻ em đều liên quan đến sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng…
Gần đây nhất, bệnh nhi Nguyễn Phan Bảo N. (7 tháng tuổi, ngụ Thanh Hóa) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó 2 tuần, bé bị viêm loét miệng, bà nội của bé nghe hàng xóm mách một thầy lang ở gần nhà có bài thuốc cam gia truyền có thể chữa bệnh rất tốt, nên đã tìm mua thuốc cho cháu bôi và uống. Sau 7 ngày dùng thuốc cam, bé N. xuất hiện tình trạng nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh khám và điều trị. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam. Bệnh nhi được lấy mẫu máu định lượng nồng độ chì. Kết quả nồng độ chì trong máu lên đến 384,2 microgam/dL (cao hơn mức cho phép hàng trăm lần).
Thuốc cam bé N. uống có hàm lượng chì rất cao
Trực tiếp điều trị cho bé N., bác sĩ Đinh Thị Hồng, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng phải truyền máu. Đến nay, sau hơn 2 tuần điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ ràng, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm nhiều. Tuy không còn nguy hiểm đến tính mạng, song những di chứng mà ngộ độc chì để lại, hiện tại chưa thể xác định được do bệnh nhi còn quá nhỏ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động IQ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện.
Các bác sĩ cho biết chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây tổn thương trên nhiều cơ quan như thần kinh, huyết học, gan, thận, dạ dày-đường ruột, tim mạch… Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này sẽ được hấp thụ vào máu, từ đó phân tán vào các mô trong cơ thể, đặc biệt là xương, chì từ xương sau đó sẽ giải phóng từ từ vào máu gây ngộ độc kéo dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, hoặc sử dụng đồ chơi bằng nhựa có sơn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là "thuốc cam" không rõ nguồn gốc dùng để bôi, uống cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.
Bình luận (0)