Vợ chồng chị Trần Thị Dung nghẹn ngào khi nói về nghĩa cử của cậu con trai 8 tuổi
Cách đây hơn 4 tháng, bé Phạm Trần Minh Q. (8 tuổi, ở huyện Hải Hậu, Nam Định) bất ngờ phát hiện bị ung thư máu. Căn bệnh quái ác khiến cậu bé phải chống chọi với những cơn đau đớn, khó chịu.
Khi nghe bác sĩ nói về căn bệnh hiểm nghèo mà con trai mình mắc phải, chị Trần Thị Dung nén đau thương để chăm sóc và trò chuyện cùng con trai. "Tôi có kể cho con nghe về câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An và hỏi con rằng: "Con có cho mẹ giác mạc để mẹ cứu người mù không?". Lúc ấy, con trai có hỏi tôi: "Khi nào con sẽ cho được giác mạc", tôi trả lời: "Khi con qua đời, bác sĩ sẽ lấy giác mạc để ghép cho người mù để họ sáng mắt trở lại". Nghe vậy, con tôi đồng ý luôn và nói rằng: "Nếu lấy được bộ phận nào của con để cứu người, mẹ cứ lấy nhé!". Khi con mất, tôi đã thông báo cho người ở giáo xứ địa phương để báo cho bệnh viện. Chứng kiến bác sĩ lấy giác mạc của con, tôi vô cùng xúc động và cầu nguyện cho người nhận ánh sáng của con trai tôi sẽ được ghép giác mạc thành công" - chị Dung nghẹn ngào.
Theo vợ chồng chị Dung, hôm nay (21-12) là tròn 3 tháng ngày con trai anh chị mất đi nhưng hai vợ chồng tin rằng ở đâu đó rất xa con sẽ thanh thản khi biết được rằng mong muốn của con đã thành hiện thực. Bản thân hai vợ chồng chị cũng cảm thấy nhẹ nhàng về việc mình đã làm.
Sáng 21-12, vợ chồng chị Trần Thị Dung và anh Phạm Văn Tuấn là 1 trong số gần 70 gia đình nhận được sự tri ân tại lễ tôn vinh những người hiến giác mạc tại Giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định. Đây cũng là lần đầu tiên, một lễ tôn vinh và tri ân những người hiến tặng giác mạc được tổ chức ngay tại một nhà thờ thuộc tỉnh Nam Định sự tham gia của đông đảo các Linh mục và bà con giáo dân của địa phương.
Đông đảo bà con giáo dân đến tham gia lễ cầu nguyện và tri ân người hiến giác mạc
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, tại tỉnh Nam Định đã có 66 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Có mặt tại lễ tôn vinh, người thân của những người hiến giác mạc sau khi qua đời cho biết nguyện vọng hiến giác mạc của người đã mất luôn nhận được sự ủng hộ của người thân trong gia đình. Bà Vũ Thị M. (65 tuổi, ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vợ ông Vũ Văn Kh. (67 tuổi), người tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời ngày 9-10-2018 vừa qua, xúc động: "Sau khi được hội chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo, các Linh mục tới thăm và động viên, chồng tôi đã quyết định sẽ hiến tặng giác mạc của mình khi qua đời để chia sẻ khó khăn với những người không may bị mù loà. Nguyện vọng ấy của ông ấy đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ tất cả những người thân trong gia đinh. Chúng tôi thấy đây một việc làm có ý nghĩa cao cả, giúp những người mắc bệnh mù loà thấy được ánh sáng trở lại. Hơn nữa trong giáo lý kinh thánh cũng đã dạy: "Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý" nên bản thân tôi và các con tôi cũng mong muốn hiến tặng giác mạc sau khi mất".
Bệnh viện Mắt Trung ương và linh mục tặng bằng khen cho thân nhân người hiến giác mạc
Tại buổi lễ, tiến sĩ- bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, đã tri ân những người đã dũng cảm vượt qua định kiến "chết toàn thây" cũng như gia đình họ nhằm mang lại ánh sáng cho nhiều cuộc đời khác. Nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc luôn được xã hội ghi nhận, trân trọng và coi đây như những món quà vô giá để lại cho những người còn sống.
Nhiều người mù được tìm lại ánh sáng nhờ nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc
Trong hơn 10 năm nay, cả nước đã có 514 người hiến tặng giác mạc sau khi mất để đem lại ánh sáng, niềm vui cho hơn 1.000 người mù giúp họ tìm được ánh sáng. Nghĩa cử này là những món qùa vô giá để lại cho người sống. "Thay mặt cho những người làm công tác chăm sóc mắt và cho người bệnh, chúng tôi bày tỏ sự biết ơn vô hạn tới cá nhân, thân nhân người đã dành một phần cơ thể mình đem lại ánh sáng cho người khác. Đặc biệt với sự ủng hộ của các vị linh mục, bà con giáo dân đã góp phần quan trọng vào việc đem lại ánh sáng cho những người bị bệnh giác mạc. Nếu không có sự ủng hộ này, chắc chắn nhiều người mù vẫn phải sống trong cảnh tăm tối, cực khổ"- bác sĩ Đông tri ân.
Ai có thể hiến giác mạc?
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết hiện ở nước ta có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Nguyên nhân gây mù giác mạc là do viêm loét giác mạc, bỏng giác mạc, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt... Số bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc hiện nay khoảng 1.000 người. Kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng nhưng khó khăn nhất vẫn là không đủ nguồn giác mạc để ghép.
Trước đó, câu chuyện hiến giác mạc của bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời do bệnh hiểm nghèo, đã thắp lên ngọn lửa nhân ái sâu rộng trong cộng đồng. Số người đăng ký hiến giác mạc nói riêng, hiến mô tạng nói chung tăng lên đột biến chỉ trong ít ngày từ sau khi bé Hải An qua đời.
Theo ông Hoàng, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Đồng thời, giác mạc của người hiến tặng có thể lấy ở bất cứ đâu (nhà, bệnh viện hay nhà xác). Giác mạc có thể thu nhận khi người hiến tặng đã qua đời trong khoảng thời gian từ 6 - 8 tiếng.
Bình luận (0)