Đây cũng không phải lần đầu căn bệnh “đã cũ” này quay lại. Theo nhiều chuyên gia, hiện tượng này không đáng ngại bởi tuy là bệnh nguy hiểm nhưng bạch hầu đã được đẩy lùi ở Việt Nam từ khoảng 20 năm trước thông qua các chương trình tiêm chủng. Các ca bệnh nếu có chỉ xảy ra rải rác ở những vùng mà người dân chủng ngừa không đầy đủ.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), một số người dân ở TP cũng lo lắng vì ổ dịch này. Tuy nhiên, khó có khả năng dịch lan tới TP HCM bởi ngành y tế có thể dễ dàng xử lý ổ dịch ở Bình Phước qua các biện pháp khoanh vùng, cách ly, điều trị và chủng ngừa. Tại các TP lớn như TP HCM, hầu hết trẻ em đã được tiêm phòng bệnh này đầy đủ từ nhỏ nên phụ huynh không nên lo lắng.
Bạch hầu là một bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường hô hấp với biểu hiện ban đầu là sốt, ho, khàn tiếng, sau đó nổi các mảng trắng ở vùng hầu - họng, nhìn bên ngoài có thể thấy sưng hạch ở cổ. Tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa khi các mảng trắng lan rộng, làm tắc đường thở. Ngoài ra, nội độc tố bạch hầu cũng sẽ xuất hiện gây viêm cơ tim, dẫn đến suy hô hấp, sốc tim và tử vong.
Tuổi nào cũng có thể mắc bệnh bạch hầu nhưng thường gặp hơn ở trẻ 3-4 tuổi trở lên. Ở người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ hội bệnh tự khỏi có thể lên tới 60%-70%. Trong khi đó, trẻ em mắc bệnh bạch hầu thường nặng và khó tự khỏi hơn, nếu đã dẫn đến biến chứng nặng như tắc đường thở hay viêm cơ tim thì rất khó cứu.
Bạch hầu nằm trong 6 bệnh mà trẻ em được chủng ngừa trong giai đoạn đầu đời, thông qua vắc-xin tiêm chủng mở rộng Quinvaxem 5 trong 1 hay các vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 khác. Ngoài bạch hầu, những vắc-xin này còn phòng ngừa các bệnh ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ do Hib, viêm gan siêu vi B, sốt bại liệt. Bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ nên tiêm phòng các vắc-xin này cho trẻ đầy đủ, đúng thời hạn bởi đây đều là những căn bệnh rất nguy hiểm.
Bình luận (0)