Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) chia sẻ tại hội thảo khoa học "Tăng cường sức khỏe phụ khoa và duy trì lối sống khỏe mạnh", ngày 5-3.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) chia sẻ thông tin tại hội thảo
Tại buổi hội thảo, bác sĩ Nhi cho biết thực tế tại Việt Nam, có 75% phụ nữ gặp phải vấn đề về sức khỏe âm đạo như nấm âm đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời. Đáng lưu ý, các bệnh phụ khoa này thường dễ tái phát do độ pH âm đạo bị thay đổi, mất cân bằng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sức khỏe của chị em.
Nhiễm khuẩn âm đạo có một số triệu chứng sau như: khí hư nhiều, màu xám, có bọt, tanh hôi nhất là sau khi giao hợp hoặc hành kinh, đau bụng, đau lưng, tiểu buốt…cần điều trị lặp lại kháng sinh.
Về các nguyên nhân nhất gây viêm âm đạo, theo bác sĩ Nhi có nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn, chất kích thích, dị ứng, mất cân bằng pH và nồng độ estrogen thấp, sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài hoặc tự ý sử dụng kháng sinh không có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, có một số lý do khác như căng thẳng trong cuộc sống, thay đổi hệ vi sinh trong chu kỳ kinh nguyệt, sinh hoạt tình dục, thay đổi nội tiết tố, tuổi tác, vệ sinh vùng kín chưa tốt, thường xuyên ẩm ướt hoặc sử dụng nước rửa phụ khoa không đúng chỉ định của bác sĩ, hay mặc quần bó sát và đồ lót bằng chất liệu tổng hợp...
Bác sĩ Nhi thông tin thêm âm đạo chứa hàng tỉ vi khuẩn, nếu sức khỏe bình thường thì có 80% vi khuẩn có lợi (Lactobacilli) và 20% vi khuẩn gây hại. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mãn kinh các vi khuẩn sẽ có sự thay đổi. Cụ thể như: lợi khuẩn âm đạo giảm từ 10-100 lần so với tuổi sinh sản; vi khuẩn yếm khí có hại tăng đáng kể; rối loạn nặng hệ vi sinh âm đạo; tăng khô âm đạo. Điều này khiến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo; tiết niệu…
Để phòng ngừa viêm, nhiễm âm đạo, bác sĩ Mỹ Nhi cho rằng cần duy trì cân bằng hệ vi sinh. Trong đó, cần thay đổi trong chế độ ăn uống như hạn chế ăn đường, tránh thực phẩm chế biến sẵn và kết hợp nhiều thực phẩm giàu lợi khuẩn vào bữa ăn. Ngoài chế độ ăn uống, có thể sử dụng lợi khuẩn để cân bằng hệ vi sinh, tăng cường sức khỏe tiêu hóa, và cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch. "Lợi khuẩn Lactobacillus được coi là một "chiến binh" quan trọng giúp bảo vệ "vùng nhạy cảm", hỗ trợ cân bằng hệ khuẩn âm đạo khỏe mạnh" – bác sĩ Nhi nói.
Cũng tại hội thảo TS-BS Vũ Thùy Dương, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết lợi khuẩn có vai trò quan trọng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ tính từ lúc mẹ bắt đầu mang thai. Trong đó, việc dùng chủng lợi khuẩn đặc hiệu cho phụ nữ mang thai và cho con bú giúp phòng ngừa hội chứng chuyển hóa giai đoạn thai kỳ (đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật), và phòng ngừa trầm cảm sau sanh. Ngoài ra lợi khuẩn còn có thể phòng ngừa viêm ruột hoạt tử ở trẻ sơ sinh.
TS-BS Vũ Thùy Dương, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) chia sẻ tại hội thảo
"Vi khuẩn đường ruột ví như một hệ cơ quan, có chức năng hấp thu, chuyển hoá, miễn dịch. Để duy trì lượng vi khuẩn thân thiện trong hệ tiêu hóa, chúng ta cần ăn đủ chất xơ có trong rau củ quả, thực phẩm lên men hoặc bổ sung men vi sinh cung cấp lợi khuẩn khi cần" – bác sĩ Dương nói.
Bình luận (0)