Ông H.T.T (60 tuổi, ngụ TP HCM) mắc chứng khó tiểu kéo dài cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Gần đây, đau bụng dưới chịu hết nổi vào viện mới phát hiện ông bị phì đại tuyến tiền liệt.
3 nhóm bệnh chính
Các triệu chứng đường tiểu dưới như són tiểu, tiểu đêm của ông H. đã xuất hiện hơn 1 năm nay nhưng không đi thăm khám khiến các triệu chứng ngày một nghiêm trọng hơn. Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Sau nửa năm điều trị, ông T. không còn rối loạn đi tiểu, các hoạt động sinh hoạt mới trở lại bình thường.
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Ân, Trưởng Khoa Niệu học chức năng Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP HCM, cho biết hệ thống bài tiết nước tiểu ở người trưởng thành được chia thành: đường tiểu trên (thận và niệu quản) và đường tiểu dưới (bàng quang và niệu đạo). Tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục của nam giới, nằm ở vị trí cổ bàng quang và đoạn đầu niệu đạo có nhiệm vụ tiết ra tinh dịch. Nam giới trên 40 tuổi thường bắt đầu phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các nguyên nhân sinh ra hội chứng đường tiểu dưới.
Khám bệnh triệu chứng đường tiểu dưới tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Các thống kê cho thấy, 25% nam giới từ 50-60 tuổi sẽ bị phì đại tuyến tiền liệt nhưng chỉ 4% xuất hiện triệu chứng. Càng lớn tuổi, tỉ lệ phì đại tuyến tiền liệt càng cao và có triệu chứng càng nhiều. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép làm hẹp niệu đạo, nước tiểu tồn dư gây kích thích bàng quang dẫn đến buồn tiểu nhiều lần cả ngày và đêm. Vì vậy, nam giới từ 50 tuổi nếu có triệu chứng rối loạn tiểu nên đi khám và thực hiện siêu âm bụng, đồng thời lưu ý khảo sát hệ tiết niệu và tuyến tiền liệt nhằm phát hiện kịp thời nguyên nhân gây ra triệu chứng trên.
Cũng theo bác sĩ Ân, triệu chứng của đường tiểu dưới thường được chia thành 3 nhóm chính. Nhóm triệu chứng về tống xuất (tắc nghẽn) bao gồm dòng tiểu yếu, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, nhỏ giọt cuối dòng tiểu. Nhóm triệu chứng chứa đựng bao gồm tiểu gấp, tiểu nhiều lần, són tiểu, tiểu đêm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng thuộc nhóm triệu chứng sau đi tiểu như: buồn tiểu ngay sau khi vừa tiểu xong, nhỏ giọt sau khi tiểu. Các triệu chứng đường tiểu dưới là một trong những biểu hiện của phì đại tuyến tiền liệt nhưng không phải hễ có phì đại tuyến tiền liệt là có triệu chứng rối loạn tiểu.
Nguyên nhân gây ra triệu chứng đường tiểu dưới không chỉ do tuyến tiền liệt mà còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Có không ít nguyên nhân đến từ những căn bệnh khác, trong đó có: u bàng quang, hẹp niệu đạo, nhiễm khuẩn niệu và thậm chí là ung thư. Do đó, việc chẩn đoán sớm sẽ giúp xác định được nguyên nhân chính xác gây ra những triệu chứng này.
Bí kíp "giữ lửa" gia đình
Ở nữ giới, căn bệnh "khó nói" này cũng khiến nhiều chị em khốn khổ. Theo bác sĩ Hồ Nguyên Tiến, Khoa Sản phụ Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, có tới gần 30% - 40% phụ nữ Việt Nam trên 40 tuổi bị són tiểu, tỉ lệ sa tạng chậu của người Việt Nam khoảng 10%-20%, trong đó 50% phụ nữ sa các cơ quan vùng chậu liên quan đến sinh đường âm đạo. Sa tạng vùng chậu không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của phụ nữ, khiến phụ nữ mất đi sự thoải mái và tự tin trong cuộc sống.
Trước đây, để điều trị bệnh sa tạng chậu các bác sĩ thường dùng phương pháp cắt tử cung, khâu treo bàng quang, làm lại thành trước và sau âm đạo, phẫu thuật này phức tạp, thời gian phẫu thuật kéo dài, khả năng phục hồi chậm, dễ tái phát và nhiều tai biến. Hoặc phẫu thuật bịt âm đạo đồng nghĩa với việc loại bỏ chuyện "giường chiếu" khiến phụ nữ luôn mặc cảm, đánh mất đi hạnh phúc làm vợ và gặp nhiều biến chứng về sau.
Gần đây, cách điều trị sa tạng chậu có sự thay đổi là bảo tồn tử cung, trong đó phẫu thuật nội soi được đánh giá là phương pháp điều trị nhẹ nhàng, mang lại niềm vui cho các chị em còn trẻ tuổi, "giữ lửa" hạnh phúc gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ân cho biết thêm để chẩn đoán triệu chứng đường tiểu dưới do phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng bằng cách thăm khám hậu môn trực tràng để cảm nhận mặt sau của tuyến tiền liệt hoặc khám bụng để đánh giá kích thước của bàng quang. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu theo yêu cầu của bác sĩ như: xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm PSA máu, kiểm tra chức năng thận...
Về điều trị, các bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng đường tiểu dưới theo thang điểm I-PSS để đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Trường hợp người bệnh bị ảnh hưởng nhẹ thì chỉ cần theo dõi, điều chỉnh chế độ sinh hoạt mà không dùng thuốc. Nếu ảnh hưởng ở mức độ vừa và nặng thì cần dùng thuốc. Những trường hợp nặng làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh mà điều trị nội khoa đúng mức không làm cải thiện thì cần can thiệp ngoại khoa. Việc chẩn đoán sớm các triệu chứng của đường tiểu dưới sẽ giúp điều trị đúng, kịp thời, tránh gây ra những ảnh hưởng nặng hơn sau này.
Mất nhiều thời gian để phát hiện
Theo thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP HCM, ở nam giới còn mắc chứng rối loạn cương. Đây không phải là một triệu chứng mà là một bệnh lý và phải mất nhiều thời gian để phát hiện. Nam giới rất ngại chia sẻ nỗi niềm của mình với bất cứ ai, làm tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn.
Bình luận (0)