Có nhiều thuyết nói về nguyên nhân của bệnh ngực hình phễu: Do xương ức bị đè ép trong quá trình hình thành bào thai, do dính chặt xương ức với cơ hoành, do bệnh loạn sản sụn, do rối loạn cấu tạo bào thai.
Mức độ: Độ 1: “Phễu” sâu không quá 2 cm, độ 2: “phễu” sâu > 2 cm, độ 3: “phễu” sâu > 4 cm.
Khi trẻ bị “phễu” độ 3 sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn thân nói chung và đặc biệt là chiều cao, rất chóng mệt mỏi, xanh xao, khó thở, tim đập nhanh...
Có 2 cách điều trị:
- Tập phục hồi chức năng và dùng dụng cụ chỉnh hình do các chuyên gia chỉnh hình và phục hồi chức năng chỉ đạo điều trị.
- Phẫu thuật: Bắt buộc phải phẫu thuật khi bị “phễu” độ 3 hoặc độ 2 có các biến chứng như: mệt mỏi tăng, giảm chức năng hô hấp, tuần hoàn, viêm đường hô hấp. Lứa tuổi có thể phẫu thuật: Lớn hơn 3 tuổi và không nên quá 14 tuổi. Đối với trẻ dưới 3 tuổi mà có những rối loạn tuần hoàn hô hấp nặng do “phễu” quá sâu thì cần phẫu thuật nhưng phải hết sức thận trọng ở khâu gây mê hồi sức và cần có sự hỗ trợ của bác sĩ nhi khoa.
Phương pháp phẫu thuật: Làm di động lại xương ức bằng cách cắt sụn sườn và tách dây chằng sườn - hoành (khi cần thiết). Sau đó cố định xương ức và xương sườn ở tư thế đã được chỉnh lại. Tùy theo phương pháp phẫu thuật có các cách cố định khác nhau.
Tại Bệnh viện Ngoại khoa và Chấn thương Chỉnh hình STO Phương Đông từ năm 2007 đến nay đã thực hiện gần 30 ca phẫu thuật lõm lồng ngực, trong đó có một bé chỉ mới 20 tháng tuổi do ngực lõm sâu quá, luôn bị tím tái, tim đập nhanh, phải nằm sấp mới thở được. Sau mổ bé đã trở lại bình thường, nằm ngồi ở bất cứ tư thế nào cũng không tím tái, khó thở. Một ca khác là một thanh niên 18 tuổi với mức độ rối loạn toàn thân ít nhưng vẫn phẫu thuật là để tạo hình thẩm mỹ.
Bình luận (0)