Có nhiều bệnh nhân hen nhỏ tuổi
Những ngày gần đây, số trẻ lên cơn hen phải cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1 đã tăng gấp hai lần so với trước. Một đêm trực, các bác sĩ tiếp nhận từ 5-7 trẻ lên cơn hen, trong đó có cả những bệnh nhi bộc phát cơn đầu tiên và cả bệnh nhi hen bị tái phát.
Theo ghi nhận của bác sĩ Tuấn, trước đây bệnh nhi mắc bệnh hen phế quản thường ở độ tuổi 3-4 thì nay tại Khoa Hô hấp ngày càng có nhiều trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh này. Có nhiều trẻ đã có cơn hen nặng ngay từ cơn đầu tiên.
Ở trẻ nhỏ là biểu hiện khò khè, vật vã, bứt rứt, khó thở nhiều; còn trẻ lớn phải ngồi mới thở được, nói rất khó nhọc, không thể nói được một câu dài. Không ít bệnh nhân còn bị suy hô hấp, phải thở ôxy. Một trong những nguyên nhân làm số ca mắc bệnh hen ở trẻ nhỏ tuổi ngày càng tăng là do không khí ngày càng ô nhiễm.
Không khí lạnh là điều kiện thuận lợi khiến những trẻ có sẵn cơ địa bị suyễn khởi phát cơn hen đầu tiên. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1/3 số trẻ tử vong do hen phế quản là ngay từ những cơn hen đầu tiên. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần cảnh giác cao độ khi trẻ bộc phát cơn hen đầu tiên.
Bác sĩ Nguyễn Phương Hòa Bình, Phó Khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng 2, cho biết nhiều bà mẹ thấy con ho khò khè đã tự mua thuốc cho uống. Có những loại thuốc không dùng cho bệnh nhân hen nên uống vào làm cho bệnh nặng hơn. Theo bác sĩ Tuấn, trẻ đã một lần lên cơn hen nặng sẽ được xếp vào nhóm trẻ có nguy cơ tử vong cao.
Viêm tai giữa cấp có thể gây điếc
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Tai- Mũi-Họng BV Nhi Đồng 1, cho biết, khi thời tiết chuyển lạnh trẻ em rất dễ bị sổ mũi, viêm đường hô hấp trên, virus cũng dễ xâm nhập vào tai giữa, gây bệnh viêm tai giữa cấp.
Gần đây, Khoa Tai – Mũi - họng BV Nhi Đồng 1 thường xuyên tiếp nhận trẻ bị viêm tai cấp, với biểu hiện bị sưng màng nhĩ, khóc thét đột ngột trong đêm làm người nhà tưởng con gì chui vào tai. Trước đó 1-2 ngày, trẻ thường có triệu chứng sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng. Thấy vậy, nhiều phụ huynh thường chủ quan cho là bệnh nhẹ. Nhưng trên thực tế, theo bác sĩ Sơn, nếu không được điều trị tốt, bệnh có thể gây những biến chứng như viêm tai giữa cấp, viêm mũi xoang.
Đặc biệt, nếu siêu vi không đi qua đường hô hấp trên mà đi thẳng vào vùng thanh quản sẽ gây phù nề. Trường hợp này trẻ có thể tắc đường thở và tử vong. Trẻ bị viêm tai giữa cấp (do viêm đường hô hấp trên) thường sốt, đau tai, ù tai, chảy mủ tai, nghe kém một bên. Nếu không điều trị sớm, sau 48 giờ, trẻ sẽ bị thủng màng nhĩ gây điếc, còn nếu bị sốt 3 ngày mà vẫn không đưa đi điều trị thì nhiều khả năng bị viêm màng não.
Viêm tiểu phế quản: Lây lan cao Số trẻ phải nhập viện do viêm tiểu phế quản cũng thường tăng cao khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh do một loại virus đường hô hấp gây ra nên khả năng lây lan rất cao và thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Triệu chứng của bệnh ban đầu chỉ là hắt hơi, ho, sổ mũi, sau đó khò khè, thở nhanh, thở co kéo lồng ngực. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, bệnh viêm tiểu phế quản thường diễn tiến nhanh, tình trạng bệnh nặng. Thực tế cho thấy có khoảng 50% trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc bệnh viêm tiểu phế quản phải thở ôxy. Viêm tiểu phế quản có mối liên hệ với bệnh hen suyễn, trẻ mắc bệnh nhiều lần, bệnh nặng và không được điều trị sớm có nhiều nguy cơ chuyển sang bệnh suyễn. |
Bình luận (0)