xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bệnh nghề nghiệp bào mòn công nhân

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Tại TP HCM, khảo sát cho thấy gần 67% doanh nghiệp có môi trường chứa yếu tố nguy cơ nhưng chỉ gần 25% tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Từ miền Trung vào TP HCM làm công nhân cơ khí chưa đến 2 năm, gần đây anh N.T.T (39 tuổi) có biểu hiện “nặng tai”. Mỗi lần nói chuyện với người khác, anh hết nghiêng tai trái rồi lại nghiêng tai phải để lắng nghe trong khi người đối thoại phải nói như hét, anh mới rõ được ý.

Dễ mắc, khó chữa

Đi khám chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ xác định anh T. đang mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn công nghiệp và có thể bị điếc nếu tình trạng kéo dài. “Nhiều đêm nằm ngủ cứ nghe ro ro bên tai nhưng đâu nghĩ mình bị căn bệnh này” - anh T. lo lắng.

Sau gần 8 năm làm công nhân ngành may, chị L.V.N (29 tuổi, ngụ Bắc Giang) không nghĩ mình mắc căn bệnh khó chữa. Suốt thời gian dài làm việc 8 giờ mỗi ngày, gần đây thấy sức khỏe có dấu hiệu bất thường, chị N. đến bệnh viện khám mới “té ngửa” khi biết mình bị bệnh bụi phổi.

TS-BS Trịnh Hồng Lân, Trưởng Khoa Sức khỏe lao động - Bệnh nghề nghiệp Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM (Bộ Y tế), cho biết người lao động hiện nay đang đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nghề nghiệp. Khảo sát của đơn vị này cho thấy không đến 10% người lao động được chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp.

 

Sức khỏe người lao động tại một số doanh nghiệp đang bị thả nổi
Sức khỏe người lao động tại một số doanh nghiệp đang bị thả nổi

 

Một khảo sát khác của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường (Sở Y tế TP HCM) tại hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) ở TP HCM mới đây đáng lo không kém: Các yếu tố tiếng ồn, nhiệt độ, bụi, thiếu sáng… có tỉ lệ vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép ở mức cao. Điều này khiến người lao động dễ mắc các bệnh nghề nghiệp như bụi phổi, điếc, rối loạn chuyển hóa cơ thể… và thực tế số ca mắc ngày càng nhiều. Qua các đợt khám sức khỏe định kỳ cho gần 6.000 người lao động đã ghi nhận: 32,28% có sức khỏe thuộc loại kém, 32,35% trung bình và gần 8% rất kém.

Bộ Y tế thừa nhận bệnh nghề nghiệp ở nước ta, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa, ngày càng gia tăng. Báo cáo mới nhất cho thấy đã có gần 28.000 người lao động mới mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao gấp 10 lần. Trong tổng số 29 bệnh nghề nghiệp thì bệnh bụi phổi là phổ biến nhất và nguy hiểm nhất (chiếm 74%), kế đến là đường hô hấp (32%) và điếc do tiếng ồn (17%), chưa kể một loạt bệnh khác như nhiễm độc benzen; bệnh do tia X và các chất phóng xạ; sạm da nghề nghiệp, viêm da… Tất cả các loại bệnh bụi phổi đều rất dễ mắc và khi mắc lại khó chữa khiến người lao động mất khả năng lao động, thậm chí một số bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Không công bằng với người lao động

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong số 1,1 triệu ca tử vong do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thì các nguyên nhân chủ yếu là ung thư (34%), tai nạn (25%), hô hấp mạn tính (21%), tim mạch (15%). Mỗi năm ước tính có 160 triệu ca bệnh mới liên quan đến lao động.

Người lao động có vai trò tiên quyết tạo ra giá trị vật chất to lớn cho DN. Thế nhưng, sức khỏe và tính mạng của họ chưa được các DN quan tâm đúng mức. TS-BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường, cho biết Việt Nam đã công nhận 29 bệnh nghề nghiệp thuộc 5 nhóm: bệnh bụi phổi và phế quản; bệnh nhiễm độc nghề nghiệp; bệnh nghề nghiệp có yếu tố vật lý; bệnh da nghề nghiệp; bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp. Tại TP HCM, khảo sát còn cho thấy gần 67% DN có môi trường chứa yếu tố nguy cơ nhưng chỉ gần 25% DN tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Theo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đến nay chỉ có khoảng trên 15% cơ sở lao động trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kỳ. Qua điều tra tại 51 cơ sở y tế cho thấy có tới 42,85% số lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Các chuyên gia cho rằng dù đã có quy định yêu cầu DN phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người lao động, song trên thực tế, công tác kiểm tra, giám sát bị bỏ ngỏ, thiếu chế tài đối với DN vi phạm nên các đơn vị sử dụng lao động đang đua nhau vắt kiệt sức công nhân mà không quan tâm đến chăm sóc, tái tạo sức lao động cho họ. Điều chắc chắn là nếu các DN thờ ơ với sức khỏe người lao động thì bệnh nghề nghiệp sẽ tiếp tục tăng!

 

Thả nổi thanh kiểm tra

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh nghề nghiệp gia tăng là do công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở lao động về vệ sinh lao động còn kém, chưa có sự tư vấn và hỗ trợ của ngành y tế lao động về quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa, các DN, đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh lao động, người lao động chưa tự nhận thức đầy đủ về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo