Bác sĩ Nguyễn Duy Hưng - trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Viện Da liễu Việt Nam, cho biết bệnh da liễu hay gặp trong những ngày trời lạnh là bệnh mày đay, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em và cả người lớn, viêm da tiếp xúc do côn trùng, bệnh gàu, da khô...
Hiện mỗi ngày bác sĩ Nguyễn Thành - Trưởng phòng Khám, Viện Da liễu Việt Nam, khám cho gần 60 bệnh nhân trong đó phần nhiều là bệnh nhân bị viêm da do thời tiết lạnh.
Khô da mùa đông là biểu hiện rất thường gặp do độ ẩm của không khí giảm. Mặt là vùng da tiếp xúc nhiều nhất với môi trường nên rất hay bị khô gây nẻ. Da thân thể cũng khô. Bác sĩ Hưng khuyến cáo, mọi người không nên tắm bằng nước quá nóng dễ gây tổn hại da, làm cho da mất đi phím bã bảo vệ da và làm da khô.
Mày đay: bên cạnh bệnh khô da, thời tiết mùa đông cũng là một trong những nguyên nhân khiến con người bị bệnh mày đay. Trên 20% dân số từng ít nhất một lần bị mắc bệnh mày đay trong đời. Bệnh thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng, với biểu hiện cấp tính, các sẩn phù mày đay có thể tồn tại trong vài giờ và có thể kéo dài trong vài ngày đến hàng tuần lễ, thậm chí nhiều tháng.
Bệnh nhân thường tự nhận biết được bệnh và biết rằng bệnh thường tự khỏi trong một thời gian ngắn nên ít khi đến khám bác sĩ. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể dai dẳng trong nhiều tuần, nhiều tháng và khó điều trị.
Các nguyên nhân gây mày đay mạn tính thường chỉ tìm thấy trong 5-20% trường hợp bệnh nhân. Do vậy việc điều trị bệnh càng khó khăn. Các sẩn phù mày đay rất dễ nhận biết do chúng nổi cao trên da như bị muỗi đốt, thường thành đám, ngứa.
Triệu chứng ngứa có thể rất nhiều nhưng đôi khi cũng không trầm trọng. Một số trường hợp mày đay nặng, thể phù mạch, có thể gây đám phù lớn, gây phù mọng các tổ chức lỏng lẻo như mi mắt, môi, sinh dục. Có trường hợp nặng còn gây phù thanh quản, đường hô hấp gây khó thở, phù nhung mao ruột gây tiêu chảy.
Bác sĩ Hưng cho biết, hiện nay có nhiều loại thuốc do các Công ty dược Việt Nam sản xuất có chất lượng tốt, giá thành rất rẻ so với thuốc nhập. Việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ cân nhắc cho từng trường hợp bệnh nhân.
Các trường hợp mày đay, đặc biệt mày đay mạn tính phải được khám nghiệm cẩn thận, khai thác bệnh sử chi tiết, trong đó chú ý khai thác các thuốc bệnh nhân sử dụng, thức ăn, đồ uống, môi trường sống và làm việc, khám lâm sàng, xét nghiệm để có thể tìm được nguyên nhân gây dị ứng.
Gàu da đầu: Bệnh gàu da đầu vào mùa thu đông cũng rất thường gặp. Bệnh thường gây ngứa, khó chịu nhưng điều làm bệnh nhân phiền phức nhất là gàu bong ra và rơi trên vai áo, kèm theo các vết đỏ có vảy khô ở mặt. Nhiều người cảm thấy mất tự tin khi mắc bệnh này.
Nấm malassezia furfur là một tác nhân gây bệnh này trên cơ địa một người có suy yếu miễn dịch, sức đề kháng, thiếu một số vitamin như niacin, pyridoxin, thiếu kẽm. Điều trị bệnh có thể sử dụng các dầu gội đầu có selenium sulfide, kẽm pyrithion hoặc ketoconazole.
Các thương tổn đỏ da có thể dùng kem corticoid loại tác dụng nhẹ. Tuy nhiên mọi loại thuốc đều cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa vì dùng sai cách có thể gây teo da, giãn mạch, trứng cá do corticoid.
Bệnh nhân cũng cần được uống các vitamin nhóm B, PP và ăn thực phẩm, uống thuốc có kẽm. Gần đây có thuốc bôi hiệu quả tốt và ít tác dụng phụ như pimecrolimus 1% hoặc tacrolimus 0,03%. Tuy nhiên những loại thuốc này chưa phổ biến ở Việt Nam.
Bình luận (0)