Chiều 8-12, tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết sức khỏe của bệnh nhân H.N.T (35 tuổi; ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đã hoàn toàn tỉnh táo, hết nói ngọng, không còn yếu liệt và sinh hoạt gần như bình thường sau ca phẫu thuật.
Bệnh nhân T. đã bình phục sau can thiệp đột quỵ. Ảnh: TẤN ĐỨC
Trước đó, vào lúc 15 giờ, ngày 7-12, bệnh nhân T. nhập viện khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người bên trái, nói ngọng, liệt mặt. Các bác sĩ tại khoa cấp cứu nhanh chóng làm các xét nghiệm cần thiết và chụp CTscan não để chẩn đoán bệnh. Kết quả cho thấy đây là trường hợp đột quỵ thiếu máu não. Đội can thiệp đột quỵ nhanh chóng được điều động để cấp cứu cho bệnh nhân. Nhận định bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, nên các bác sĩ đã quyết định sử dụng kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch để điều trị cho bệnh nhân. Kết quả chụp DSA cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa bên phải. Các bác sĩ trong ê-kíp đã dùng kỹ thuật hút huyết khối để làm tái thông mạch máu não bị tắc. Sau khoảng 30 phút can thiệp, mạch máu của bệnh nhân T. đã được tái thông hoàn toàn. Sau can thiệp 12 giờ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, hết nói ngọng.
Theo bác sĩ Hà Tấn Đức, một trong những bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., cho biết đột quỵ thiếu máu não là một cấp cứu nội khoa. Các bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện có đơn vị can thiệp đột quỵ để nhận được điều trị tái thông mạch não càng sớm càng tốt. Khung điều trị tái thông mạch não có thể lên tới 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, mỗi phút trôi qua, bệnh nhân không nhận được điều trị sẽ làm gia tăng số lượng tế bào não bị chết. Điều trị hiện nay dựa vào việc sử dụng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối nội mạch. Hai phương pháp điều trị này phối hợp với nhau với mục tiêu tái thông mạch máu não càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)