Đang là trụ cột gia đình, đùng một cái, xét nghiệm biết mình mắc bệnh tiểu đường, bạn sẽ như thế nào? Nhiều người khi phát hiện mình bệnh tiểu đường đã nhanh chóng suy sụp, lâu ngày lại vướng thêm căn bệnh trầm cảm. Vì vậy, sống chung với người bệnh tiểu đường là cả một nghệ thuật mà người phối ngẫu cần đặc biệt lưu tâm.
Hãy luôn gần gũi, lắng nghe
Sống với người bệnh tiểu đường là cuộc trắc nghiệm tận tụy nhất về lòng dũng cảm của một tâm hồn đồng điệu, trong đó có việc bạn phải thay đổi những thói quen ăn uống hằng ngày và cùng người bạn đời thực hiện những lối sống khác như tập thể dục, nhắc nhở người bệnh kiểm tra đường huyết... Các công trình nghiên cứu cho thấy bạn có thể đem lại cho người bạn đời một chỗ dựa vững chắc chỉ đơn giản bằng cách hỗ trợ người ấy một cách tận tâm.
Tiểu đường là một căn bệnh thường gây hoang mang lo lắng cho người bệnh. Ngoài nỗi sợ căn bản về sự sa sút sức khỏe, bệnh nhân còn phải đối đầu với các biến chứng do bệnh gây ra như mắt có thể bị mù, rối loạn tuần hoàn, đoạn chi, suy thận... Theo bác sĩ tâm lý Paula Trief ở ĐH Y khoa Syracuse (New York - Mỹ), một khi người phối ngẫu của bạn được kết luận là bị tiểu đường thì cả hai nên cùng chuyện trò và nói cho nhau nghe cảm xúc của mình, làm sao để người kia biết bạn chấp nhận giải quyết vấn đề lâu dài nhưng cũng không nên giấu giếm điều gì khiến bạn lo âu. Làm như thế là chứng tỏ với người bạn đời rằng bạn đang rất quan tâm về căn bệnh mà người kia đang mắc phải và sẽ cùng họ tìm ra một lối sống phù hợp cho cả hai.
Những nghiên cứu về bệnh tiểu đường cho thấy nếu bạn hiểu rõ căn bệnh tiểu đường thì người phối ngẫu sẽ hưởng lợi ích to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe từ bạn. Nghiên cứu tại Khoa Sức khỏe của ĐH Chicago đã ghi nhận rằng bệnh nhân tiểu đường từ 65 tuổi trở lên có lượng đường trong máu cải thiện rõ rệt khi người phối ngẫu của họ hiểu biết nhiều về căn bệnh này. Vì vậy, bạn và bác sĩ cùng người phối ngẫu của mình nên trao đổi về cách thử độ đường, ăn kiêng và tập thể dục. Cách tốt nhất là bạn nên tìm mua những cuốn sách nói vệ bệnh tiểu đường để tìm hiểu một cách kỹ càng hơn.
Đừng dùng từ ngữ “bề trên”
Tất nhiên, người phối ngẫu của bạn giờ đây có vô số việc phải làm hằng ngày để chiến đấu với căn bệnh tiểu đường và bạn thật lòng muốn chia sẻ cùng họ. Tuy nhiên, bạn nên quên những từ ngữ “bề trên” như kiểm tra đường huyết chưa, uống thuốc chưa, tập thể dục chưa hoặc ăn cái này, không được ăn cái kia!... Những câu hỏi kiểu “lên lớp” này thường làm bệnh nhân tăng mức độ stress mà hễ stress thì sẽ kéo theo tình trạng tăng đường huyết. Hơn thế nữa, người bệnh sẽ mất lòng tin nơi bạn, cho rằng bạn không thật sự tận tâm muốn hiểu căn bệnh của họ. Do đó, bạn cần mềm mỏng, khéo léo hỏi xem người ấy có cần bạn làm gì không?
Chế độ dinh dưỡng cũng sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho những bệnh nhân tiểu đường vì thức ăn là chìa khóa giúp kiểm soát hàm lượng đường. Trong lĩnh vực này, sự hỗ trợ của người phối ngẫu quan trọng vô cùng. Cần nhận thức rằng hỗ trợ không có nghĩa là cho bệnh nhân ăn toàn những thức ăn mà mình không đụng tới. Bày một đĩa xà lách bên cạnh một tô phở tái nạm đầy nước béo thì người bệnh khó mà vượt qua được sự cám dỗ. Vì vậy, biết những thức ăn nào có hại cho sức khỏe nhưng làm cho người phối ngẫu phải thèm thuồng thì nhất định không mua.
Người bệnh tiểu đường không phải là nhà tu hành khổ hạnh. Nên tạo cơ hội cho người bệnh vận động, tập thể dục thể thao nhiều hơn. Hãy làm cho việc luyện tập thân thể mang một sắc thái vui tươi mà cả hai cùng tham gia, chẳng hạn như cùng đi bộ trong công viên, cùng đi chợ, cùng nhau nấu nướng, cùng chăm sóc cây kiểng trong vườn... Người bệnh tiểu đường có tâm lý thích khích lệ về những tiến bộ họ đạt được, do đó người bạn đời của họ cũng đừng “hà tiện” lời khen.
Bệnh tiểu đường cũng chẳng khác gì những thử thách khác trên đời mà hôn nhân phải đối diện. Vợ chồng biết thông cảm nhau sẽ là một phương pháp vô cùng hiệu quả để đi nốt quãng đường còn lại của cuộc đời.
Bình luận (0)