COPD là tình trạng giới hạn thông khí ở phổi mà không thể hồi phục hoàn toàn. Luồng lưu thông khí bị tắc nghẽn, lượng khí cặn trong phổi gia tăng làm bệnh nhân khó thở. Khi bị COPD, thành của đường dẫn khí dày lên, phù nề nên hẹp lại, không khí khó đi vào phổi; các phế nang bị phá hủy, làm tăng tình trạng ứ khí và giảm khả năng trao đổi khí ở phổi.
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây COPD và tử vong do bệnh này (90% bệnh nhân có hút). Các nghiên cứu cho thấy thói quen hút thuốc làm tăng 10 lần nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khoảng 15% số người hút thuốc có biểu hiện lâm sàng của COPD. Ngoài ra, khói bụi, hóa chất, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Phó giáo sư Ngô Quý Châu, Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai cho biết, COPD hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới (sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não) với 600 triệu người mắc. Mỗi năm có gần 3 triệu người chết vì COPD trên toàn cầu. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này và đến 2020, nó sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.
Theo WHO, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tỷ lệ lưu hành cao ở những nước sử dụng nhiều thuốc lá. Tại Việt Nam, đây là bệnh khá phổ biến với tần xuất ngày càng tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề trong khi tập quán hút thuốc lá không giảm. Theo một nghiên cứu mà Bộ Y tế thực hiện trên gần 2.600 người ở Hà Nội, gần 7% số người trên 40 tuổi bị COPD.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chi phí điều trị COPD cao hơn hẳn so với các bệnh về hô hấp khác như hen, lao và viêm phổi. Ở Mỹ, chi phí cho mỗi bệnh nhân COPD là hơn 1.500 USD, và nước này mỗi năm tốn hơn 32 tỷ USD cho điều trị COPD. Tại Việt Nam, mỗi người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phải chi hơn 3 triệu đồng/năm cho điều trị.
Nhưng thiệt hại lớn hơn cả là sự suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh do khả năng hô hấp quá kém. Chỉ cần hơi gắng sức, họ đã bị khó thở. Bệnh có thể làm suy giảm các cơ quan chức năng, nếu nặng sẽ gây suy hô hấp và tử vong trong một đợt kịch phát.
Bác sĩ Ngô Quý Châu khuyến cáo, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như hút thuốc lá, làm việc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, cơ địa dị ứng... nên đi khám ngay khi có các triệu chứng ho và khạc đờm thường xuyên (nhất là vào buổi sáng), khó thở khi gắng sức. Ho, khạc đờm dai dẳng thường xuất hiện nhiều năm trước khi có tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí (tuy không phải tất cả những ai có triệu chứng này đều tiến triển thành COPD). Bác sĩ sẽ cho đo chức năng phổi bằng hô hấp kế để chẩn đoán xác định.
Hiện bệnh COPD chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng người bệnh có thể làm giảm triệu chứng, kìm hãm quá trình tổn thương ở phổi nếu tuân theo 5 lời khuyên dưới đây:
1. Ngưng hút thuốc lá: Là điều quan trong đầu tiên nên làm.
2. Giữ không khí trong nhà thật sạch và thoáng: Tránh khói và các loại khí gây khó thở.
3. Luyện tập, giữ cho thân thể khỏe mạnh: Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đủ chất.
4. Nếu bị bệnh nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản, chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.
5. Đến bệnh viện ngay khi tình trạng bệnh xấu đi: Cần chuẩn bị sẵn số điện thoại của bác sĩ và bệnh viện, danh sách các thuốc đang dùng. Hãy đi cấp cứu ngay nếu có dấu hiệu nguy hiểm sau: nói chuyện hoặc đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu hay hết tác dụng (thở vẫn gấp và khó).
Bình luận (0)