Bà Bùi Thị P. (Từ Liêm, Hà Nội) được đưa vào Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (YHLSCBNĐ), Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội với các triệu chứng sốt cao, có lúc rét run, đau đầu, kèm theo sưng tấy ở mặt trái... Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị theo hướng nhiễm trùng tụ cầu mặt 6 ngày không giảm. Khi tiến hành xét nghiệm bằng que thử nhanh mới phát hiện bệnh nhân bị sốt mò.
Bệnh sốt mò là gì ?
Theo Giáo sư - tiến sĩ khoa học Lê Đăng Hà, Viện trưởng Viện YHLSCBNĐ, sốt mò là một bệnh thường gặp. Bệnh này thường lây từ súc vật sang người qua trung gian là ấu trùng mò. Khi đẻ trứng, trứng mò nở dưới đất bùn thành ấu trùng bò lên ngọn cỏ, bám vào người và động vật để hút máu và truyền bệnh cho người và động vật. Loại bệnh này đặc biệt ở chỗ nó nằm giữa loại bệnh do siêu vi trùng và bệnh do vi khuẩn. Tức là các ấu trùng mò gây bệnh chỉ phát triển trong các tế bào (siêu vi trùng) đồng thời lại bị khắc chế bằng thuốc kháng sinh. Bệnh thường có diễn biến lâm sàng rất phức tạp bởi các biến chứng nội tạng như suy tim, tổn thương gan, thận, não. Trước khi có kháng sinh ra đời, bệnh có tỉ lệ tử vong cao từ 10% đến 20%. Các trận dịch sốt mò thường gây kinh hoàng cho dân chúng hơn cả dịch sốt rét.
Khí hậu nhiệt đới: Điều kiện lý tưởng
Theo các tài liệu khoa học, sốt mò là bệnh lưu hành rộng rãi ở nhiều vùng, nhiều nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Úc, Đông Nam Á... Nước ta nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, phần lớn cư dân sống bằng nghề nông (gắn bó với đồng ruộng) là điều kiện lý tưởng cho bệnh sốt mò lây lan, phát triển. Thông báo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương cho thấy bệnh sốt mò đã được phát hiện lần đầu tiên ở nước ta từ năm 1915. Bệnh nhanh chóng lan ra phạm vi cả nước và trở thành dịch với hơn 6.000 người mắc bệnh, trong đó 158 trường hợp đã tử vong trong vòng 10 năm từ 1945 đến 1954. Bệnh sốt mò cũng đã được ghi nhận là bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe quân đội viễn chinh Pháp và Mỹ trong chiến tranh VN. Trong khoảng từ năm 1980 đến 1990, bệnh sốt mò lắng xuống nhưng mấy năm gần đây đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Ví dụ, chỉ trong 3 năm (1998-2000) tỉnh Bắc Giang đã có 71 trường hợp sốt mò phải vào điều trị tại bệnh viện. Đáng chú ý là số lượng người bị bệnh sốt mò năm 2000 ở Bắc Giang là 34 người, gấp đôi so với năm 1998. Riêng Bệnh viện Bạch Mai trung bình mỗi năm tiếp nhận 100 - 200 ca.
Hầu hết các chẩn đoán ban đầu đều... sai
GS Lê Đăng Hà cho biết, sốt mò có các triệu chứng gần giống như cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết nên thường bị các y - bác sĩ bỏ qua. Chính vì lẽ đó, gần như 100% bệnh nhân sốt mò đều bị chẩn đoán nhầm là bệnh sốt rét, thương hàn, nhiễm trùng huyết hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân... Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện tại Viện YHLSCBNĐ ở giai đoạn đã chuyển sang các biến chứng nguy hiểm như suy thận, gan, tim, viêm phổi, viêm não (hôn mê, co giật), xuất huyết...
Thông thường, mò hay cắn ở nơi da mềm, kín đáo như mông, bẹn, đùi, cổ, rốn, gáy, nếp nhăn mi mắt và không gây đau đớn nên rất khó phát hiện. Sau một đến hai tuần, bắt đầu xuất hiện triệu chứng như nổi sần đỏ, ở giữa có nước, khi vỡ để lại vết loét có bờ nổi trên mặt da. Xung quanh vết đốt nổi lên các hạch viêm chắc, không đau, không đỏ và không hóa mủ. Bệnh thường xuất hiện đột ngột, với biểu hiện rét run, sốt cao 39-40oC, kèm theo đau đầu, nhức mỏi toàn thân, phát ban khắp người, mắt xung huyết và đôi khi có mạch chậm, rất giống với bệnh thương hàn. Ngoài ra còn có thể gặp các triệu chứng lâm sàng như lơ mơ, mê sảng, huyết áp hạ...
Cần đưa vào giảng dạy trong nhà trường
Mặc dù không lây truyền trực tiếp từ người sang người, nhưng sốt mò được coi là bệnh rất nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn khi các cán bộ y tế không nắm được cách thức chẩn đoán dẫn đến điều trị sai. Nếu phát hiện đúng và sớm việc điều trị khỏi bệnh sẽ rất nhanh. Thường là chỉ sau 3-5 ngày (tối đa là 7 ngày) khỏi bệnh. Những trường hợp đã biến chứng nguy hiểm việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.
Cũng theo GS Lê Đăng Hà , thời gian qua, Viện YHLSCBNĐ được một số tổ chức của Mỹ tặng mấy trăm kit chẩn đoán nhanh bệnh sốt mò nên đã phát hiện được khá nhiều người mắc bệnh này. Viện YHLSCBNĐ đang cùng với Bộ Y tế thông báo đến các cơ sở y tế, các y - bác sĩ về đặc điểm lâm sàng và cách phân biệt, chẩn đoán bệnh sốt mò để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh để thành dịch lớn. Các nhà chuyên môn nhận định rằng, trong thời gian tới, sốt mò sẽ là một trong những căn nguyên thường gặp gây hội chứng sốt, đặc biệt là sốt kéo dài. Vì thế rất cần có một cuộc điều tra dịch tễ học để xác định và phân vùng những khu vực nhiễm mò. Những vùng đất nhiễm mò cần phải được phun hóa chất, cày xới, cắt cỏ, đốt để tiêu diệt mò. Và nên đưa vào giảng dạy trong các trường y tế về căn bệnh này.
Bình luận (0)