Bệnh nhân suyễn hoàn toàn có thể sinh sống, lao động như một người bình thường nếu phát hiện bệnh sớm và thực hiện tích cực những hướng dẫn của thầy thuốc trong điều trị ngoại trú. Nhưng theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch thì ngoài việc có rất nhiều người chưa được chẩn đoán để điều trị, còn có không ít người biết mình mắc bệnh suyễn và tích cực điều trị nhưng bệnh vẫn diễn tiến ngày càng nặng, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong. Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Trưởng khoa Quản lý điều trị BV Phạm Ngọc Thạch, đã chỉ rõ 6 sai lầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như sau:
1. Sợ ghiền thuốc ống hít: Thường thì bác sĩ chỉ định người bệnh về nhà sử dụng thường xuyên các loại ống hít, nhưng khi về lại sợ hít mãi sinh ghiền nên bỏ hít hoặc hạn chế hít để tiêm hoặc uống thuốc, không hiểu suyễn là bệnh ở vùng phế quản nên khi tiêm hay uống thuốc thì lượng thuốc theo máu phân tán đi toàn cơ thể, đến với phế quản rất ít. Ngược lại, nơi không có thương tổn, như não, tim v.v... thì lại nhận được thuốc!
2. Tự bỏ thuốc kháng viêm: Suyễn là bệnh viêm mãn tính của phế quản. Điều trị cơ bản vẫn là kháng viêm. Muốn điều trị đúng phải sử dụng đồng thời cả thuốc kháng viêm và thuốc giãn phế quản. Kháng viêm để chữa gốc bệnh nên phải dùng hàng ngày. Giãn phế quản để chữa triệu chứng nên chỉ dùng khi cơn suyễn nổi lên. Người bệnh thường thấy phiền phức khi phải dùng cùng lúc 2 loại ống hít, vả lại khi thấy có cơn hen nổi lên thì dùng ống hít có thuốc giãn phế quản cũng tạm ổn nên đa số bỏ kháng viêm. Bệnh vì vậy không được can thiệp từ gốc. Hiện thị trường đã có loại ống hít hai trong một, tức là người ta pha chế cả thuốc kháng viêm và giãn phế quản vào một. Loại này mắc tiền hơn so với việc mua 2 ống hít cho hai loại kháng viêm và giãn phế quản, nhưng việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.
3. Làm sai thao tác khi dùng ống hít: Ống hít hoặc ống xịt thuốc trị cơn suyễn rất dễ mua ở nhà thuốc. Việc hít hoặc xịt thuốc vào miệng nhiều người cho là quá dễ. Thực ra có rất nhiều sai lầm ở thao tác này. Bởi nhân viên nhà thuốc, ngay cả thầy thuốc ở rất nhiều phòng mạch, thường chỉ hướng dẫn sơ cách sử dụng. Các dụng cụ này thường có kèm theo hướng dẫn. Nhưng nhiều người chủ quan, cho là đơn giản nên khi thực hiện lại không đúng. Thực chất, thuốc chỉ có tác dụng khi được đưa sâu vào tận phế quản, nên chỉ đạt được mục đích khi người bệnh cố gắng hít thật sâu như người hút thuốc lào. Hít rồi mà ở miệng, mũi thấy có khói thì chỉ phí công.
4. Tự làm hỏng thuốc: Có dạng ống hít dùng thuốc nước và có dạng dùng thuốc bột. Với ống hít thuốc bột có loại mỗi lần dùng thì nạp một liều, có loại nạp sẵn thuốc cho 60-100 lần hít. Với loại hít được nhiều lần, người bệnh khi sử dụng chỉ được thở ra khi không còn ngậm ống hít. Nhưng nhiều người lại thở ra ngay cả lúc đang ngậm ống khiến cho hơi nước từ miệng bay vào thuốc, gây ẩm khiến thuốc mất dần tác dụng cho những lần hít sau mà người bệnh không biết.
5. Tăng liều lượng thuốc mà không lưu ý yếu tố khởi phát: Suyễn liên quan rất mật thiết với yếu tố gây khởi phát bên ngoài. Càng loại trừ được các yếu tố này thì việc điều trị diễn tiến càng tốt. Trong quá trình điều trị, nhiều người bệnh và cả thầy thuốc khi thấy việc điều trị theo liều lượng cũ ngày càng mất hiệu lực thì liên tục tăng liều mà không chú ý đến việc loại trừ những yếu tố gây dị ứng như khói thuốc lá, khói xăng dầu, khói than củi, bụi, đặc biệt là bụi bám trong phòng ngủ, tủ sách và lưới lọc của máy lạnh. Yếu tố tinh thần, áp lực công việc cũng làm bệnh nặng thêm.
6. Không đi xác định ngưỡng bệnh trở nặng: Do các loại thuốc, ống hít, xịt hạ cơn suyễn rất dễ mua và có vẻ dễ dùng nên hầu hết người bệnh không chịu đến thầy thuốc chuyên khoa để xác định ngưỡng trở nặng. Ở ngưỡng trở nặng bệnh, các cơn hen xuất hiện dày hơn và tỏ ra ít đáp ứng với thuốc giãn phế quản. Nếu không được thầy thuốc hướng dẫn cách nhận diện và việc chuẩn bị thuốc để xử lý trước khi kịp đến BV, bệnh nhân rất dễ tử vong khi có cơn suyễn cấp tính.
TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng BV Đại học Y Dược TPHCM:
“Suyễn giấu mặt” gây nhiều rắc rối!
Ở dạng điển hình, người bệnh suyễn thường hội đủ 3 dấu hiệu: ho, khò khè, khó thở, nhất là về đêm, khi thay đổi thời tiết hoặc hít phải các mùi nồng gắt (dầu thơm, thuốc lá), ăn phải thực phẩm gây dị ứng. Nhưng còn một dạng nữa được gọi là “suyễn giấu mặt”, chiếm đến 28%, thì ngay cả thầy thuốc, nếu không am hiểu và thiếu phương tiện, cũng khó biết. Gọi là “giấu mặt” vì chúng không thể hiện đủ 3 dấu hiệu đã kể mà hoặc là ho hoài nhưng không kèm khó thở hoặc khò khè nên thường bị nhầm là viêm họng, điều trị không khỏi thì chuyển sang dùng các thuốc ho và kháng sinh, thậm chí làm các thủ thuật như nạo amiđan, đốt điện; hoặc chỉ biểu hiện khó thở hoặc đau thắt ngực mà không ho, không khò khè nên thường bị nhầm với các bệnh lý tim mạch. Điều tai hại nhất mà “suyễn giấu mặt” gây ra là làm chậm việc điều trị khiến những tổn thương đường dẫn khí thành sẹo, hóa xơ, thuốc suyễn không đáp ứng được nữa, hoặc chuyển sang dạng phổi tắc nghẽn mãn tính thì bệnh nhân xem như tàn phế, thậm chí tử vong do cơn suyễn cấp tính. Chúng tôi đã nhận được hàng trăm ca loại này. Có người đã 33 năm chữa trị, khổ sở và tốn kém rất nhiều chỉ vì những nơi họ đến đều chưa chẩn đoán đúng bệnh.
“Suyễn giấu mặt” khó xác định, nhưng không phải là không thể nhận biết được. Nhất là với những người thuộc nhóm nguy cơ gồm: gia đình có người từng bị suyễn, lúc nhỏ thường bị nổi mề đay, chàm, lác sữa; lúc lớn hay bị dị ứng, nhất là khi ăn uống đồ lạnh v.v... Khi có các triệu chứng như thở rít, ho kéo dài, khó thở về đêm, lúc trời lạnh, thì nên nghĩ đến khả năng mắc “suyễn giấu mặt”. Và điều cần thiết là sớm đến các cơ sở y tế có đo hô hấp ký để định bệnh sớm. Ở TPHCM, nhiều nơi như BV Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy, BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân Gia Định có đo hô hấp ký. Sau khi đo nếu xác định là suyễn thì người bệnh sẽ được hướng dẫn để điều trị. Không thể điều trị hết bệnh, nhưng bệnh nhân hoàn toàn có khả năng sinh sống, lao động bình thường.
L.D.C ghi
Bình luận (0)