Từ mức trung bình 20-30 ca từ đầu năm đến nay, tức giảm hẳn so với thời gian trước, số bệnh nhi nội trú đã tăng lên khoảng 60 em/ngày, thậm chí trên 80 em vào những ngày đầu tuần. “Tuy nhiên, hầu hết là những ca nhẹ, hiện chỉ có 2 ca thuộc dạng nặng” - BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết.
Theo BS Khanh, bệnh tay chân miệng gia tăng thời điểm này cũng tương tự mọi năm. Bệnh có 2 mùa cao điểm là khoảng tháng 5-6 và 9. Nguyên nhân chủ yếu của đợt bệnh tháng 9 gồm nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến việc trẻ em sau thời gian nghỉ hè lại tập trung đến trường nên mầm bệnh dễ lây lan. Vì thế, nên hết sức chú ý nguồn lây từ môi trường học đường.
Theo nhiều chuyên gia y tế, để bệnh bớt lây lan từ trường lớp, không chỉ cần các biện pháp vệ sinh môi trường từ phía trường học mà cả sự giúp đỡ của các phụ huynh có con bị bệnh. Khi trẻ bệnh, phải cho trẻ nghỉ đồng thời thông báo cụ thể tình hình bệnh của trẻ để nhà trường có biện pháp vệ sinh lại lớp học vì bệnh này rất dễ lây lan, đường lây có thể qua các dịch tiết cơ thể bám trên bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ lớp học mà trẻ bệnh đã sử dụng.
BS Khanh lưu ý các ca tay chân miệng thời gian này thường là nhẹ nhưng phụ huynh vẫn phải đề phòng vì bệnh dễ trở nặng nếu không được phát hiện và chăm sóc đúng cách. Nhiều trẻ mắc bệnh nhưng ít sốt, chỉ nổi ban, lở miệng... nên phụ huynh vô tình bỏ qua các triệu chứng, đến ngày thứ 3, thứ 4 bệnh vào giai đoạn nặng sẽ nguy hiểm. Có những dấu hiệu cho thấy bệnh có thể đang gây biến chứng như sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình giữa đêm (giật mình 2 lần trong 30 phút thì nên đến ngay bệnh viện), run tay chân, khó thở... Nếu nghi ngờ có bệnh nên đến gặp bác sĩ, còn nghi ngờ biến chứng thì phải đến bệnh viện.
Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này nhưng phổ biến và dễ trở nặng nhất là trẻ dưới 3 tuổi, trong đó nguy hiểm nhất là trẻ dưới 6 tháng.
Bình luận (0)