xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bệnh viêm gan bí ẩn tấn công trẻ: Chuyên gia nói gì về dấu hiệu và cách ngừa?

Hải Yến - Phạm Nghĩa

(NLĐO) - Biện pháp phòng ngừa chính là vệ sinh tay và hô hấp tốt, bao gồm giám sát việc rửa tay ở trẻ nhỏ, có thể giúp ngăn ngừa adenovirus và các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây viêm gan.

Liên quan đến căn bệnh viêm gan bí ẩn tấn công trẻ, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản đề nghị các địa phương giám sát ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP HCM cũng yêu cầu các bệnh viện nhi trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm gan cấp ở trẻ.

Không cần xét nghiệm men gan gây tốn kém

Các chuyên gia y tế cũng cho biết không nên quá lo lắng về căn bệnh này. Theo TS-BS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP HCM căn bệnh viêm gan bí ẩn có nguyên nhân từ adenovirus tuýp 41. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa ghi nhận bệnh viêm gan do virus này gây nên.

Trước băn khoăn có nên xét nghiệm men gan để tìm bệnh, TS Phạm Hùng Vân cho rằng xét nghiệm men gan là xét nghiệm thường quy cho nhiều gói khám tổng quát. "Đối với người lớn đi khám bệnh tổng quát thường có xét nghiệm thêm chức năng gan để xem có vấn đề gì hay không. Còn đối với trẻ em thường rất ít xét nghiệm gan vì ở trẻ ít bị các vấn đề. Trừ trường hợp bác sĩ lâm sàng nghi ngờ tổn thương gan mới cho chỉ định xét nghiệm men gan" - TS Vân nhấn mạnh.

Theo TS Vân, nếu muốn tìm tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn phải tìm tác nhân là virus Adeno, xét nghiệm này không phải phòng thí nghiệm nào cũng làm được. "Để tìm ra tác nhân gây viêm gan người ta sẽ xét nghiệm phân hoặc máu, đặc biệt để tìm được adenovirus 41 phải thông qua phương pháp giải trình tự gen. Tuy nhiên, nếu trẻ không có bệnh lý hay dấu hiệu của viêm gan thì không cần làm gây tốn kém chi phí" – TS Vân nói.

TS Vân thông tin thêm, trước đây, đã từng có 1 đề tài nghiên cứu các bệnh về đường hô hấp. Trong đó, có 72 trường hợp được khảo sát thì phát hiện 1 trường hợp có adenovirus 41. Tuy nhiên, không liên quan viêm gan.

"Muốn tìm được viêm gan do adenovirus 41, đầu tiên bé phải có dấu hiệu của viêm gan, tức là xét nghiệm cho thấy men gan tăng bất thường, sau đó tìm virus qua xét nghiệm máu hoặc phân. Xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng nhất là xét nghiệm men gan có tăng không, nếu trẻ bị viêm gan thì tìm thêm tác nhân gây bệnh, trong đó phải loại trừ các tác nhân như viêm gan A, B, C, E… nếu loại trừ hết thì lúc đó mới nghĩ đến tác nhân khác như adenovirus 41" – TS Vân thông tin.

TS Vân cũng khuyến cáo các dấu hiệu của trẻ mắc viêm gan, về mặt lâm sàng thường vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm, phân lợt... Nếu như em bé chưa có biểu hiện gì về viêm gan như không biếng ăn, không vàng da, vàng mắt, chơi bình thường thì không cần đi xét nghiệm viêm gan. Hiện tại, tiêm ngừa viêm gan B tại Việt Nam đã nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ sơ sinh, sau đó chích nhắc lại. Viêm gan B được xem là kẻ giết người thầm lặng đã được đưa vào tiêm ngừa mở rộng nên dự báo hy vọng có thể 10 năm nữa tỉ lệ người mắc viêm gan B sẽ giảm. Còn đối với viêm gan A, C cũng không gây nên bệnh nặng nếu mắc phải và không đáng lo ngại.

"Hiện nay, nguyên nhân chính khiến số lượng bệnh nhân ung thư gan tăng là do di truyền từ những thế hệ trước, chưa được tiêm vắc-xin ngừa HBV. Bên cạnh đó, nhiều người còn lạm dụng rượu, bia, thuốc lá... dẫn đến lượng bệnh nhân ung thư gan cao. Ngoài ra, trong những năm tới ung thư gan sẽ giảm do người dân đã có nhận thức và tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ" – TS Vân nói.

Dấu hiệu nhận biết

BS CK2 Lê Thanh Phuông, Trưởng Đơn vị chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết triệu chứng viêm gan ở trẻ thường bao gồm một số (nhưng không phải tất cả) những biểu hiện sau: Nước tiểu sẫm màu, phân màu xám, vàng da và mắt (gọi là vàng da) và sốt cao. Nguyên nhân có thể khác nhau nhưng ở trẻ em viêm gan thường liên quan đến nhiễm virus. Phổ biến nhất trong số này là 5 loại virus viêm gan như A, B, C, D và E. Các vi rút khác như Adenovirus, CMV, EBV,…có thể gây viêm gan, nhưng trường hợp này rất hiếm.

Theo bác sĩ Phuông, nguyên nhân gây viêm gan cấp ở trẻ em gần đây điều bất thường là không có trường hợp nào trong số 5 loại virus viêm gan được phát hiện. Như vậy, loại trừ nguyên nhân phổ biến nhất của các triệu chứng này, khiến các cơ quan y tế công cộng đang tìm kiếm câu trả lời.

Bác sĩ Phuông thông tin thêm, adenovirus là một bệnh nhiễm virus rất phổ biến ở người, đặc biệt là trẻ em. Gần như mọi đứa trẻ đều bị nhiễm adenovirus ít nhất một lần trước 10 tuổi. Adenovirus type 41 chủ yếu lây lan qua phân, đường miệng và chủ yếu ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Đây là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm dạ dày - ruột cấp tính ở trẻ em, điển hình là tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp.

"Adenovirus được công nhận là nguyên nhân gây viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch, nó có thể là một yếu tố đóng góp không được công nhận cho tổn thương gan ở trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên, mức độ của mối quan hệ này vẫn đang được làm rõ" - bác sĩ Phuông nói.

Theo bác sĩ Phuông, adenovirus lây lan trong không khí và qua tiếp xúc. "Biện pháp phòng ngừa chính là rửa tay thích hợp – đối với trẻ em và người lớn. Bên cạnh đó, vệ sinh hô hấp tốt, chẳng hạn như ho vào khuỷu tay của bạn. Vệ sinh tay và hô hấp tốt, bao gồm giám sát việc rửa tay ở trẻ nhỏ, có thể giúp ngăn ngừa adenovirus và các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây viêm gan" - bác sĩ Phuông khuyến cáo.

Bác sĩ Phuông cũng khuyên phụ huynh có thể quan sát 1 trong các triệu chứng sau để đưa trẻ đi khám bệnh. Cụ thể, trẻ sốt cao, rối loạn tri giác; cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc; ăn mất ngon, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa,..; nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, nhợt nhạt; vàng mắt và da, ngứa da; đau cơ và khớp.

Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đã triển khai quy trình xét nghiệm realtime PCR chẩn đoán adenovirus. "Các trường hợp viêm gan cấp ở trẻ em có thể đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần bình tĩnh, thận trọng, đánh giá đúng vấn đề và có giải pháp phù hợp thì bệnh viêm gan cấp ở trẻ em sẽ nhanh chóng được kiểm soát" - bác sĩ Phuông thông tin.

Các bác sĩ lâm sàng được khuyến khích báo cáo các trường hợp có thể mắc bệnh viêm gan ở trẻ em không rõ nguyên nhân xảy ra vào hoặc sau ngày 1-10-2021, cho các cơ quan y tế công cộng để điều tra thêm.

Diễn biến mới về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết trong một cuộc họp báo ngày 9-5 rằng nước này ghi nhận thêm 15 trường hợp mắc bệnh viêm gan nặng không rõ nguyên nhân.

Theo Reuters, Bộ trưởng Sadikin nói Indonesia đã phát hiện 15 trường hợp viêm gan bí ẩn kể từ khi nước này mở cuộc điều tra về căn bệnh gần đây. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Ông Sadikin không nêu rõ 15 trường hợp kể trên có phải là trẻ em hay không cũng như các bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp nào.

Bộ Y tế Indonesia chưa phản hồi khi được Reuters liên lạc.


Diễn biến mới về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em - Ảnh 1.

Bệnh viêm gan bí ẩn bao gồm các triệu chứng vàng da, sốt, tiêu chảy, nước tiểu có màu sẫm hơn, phân nhạt màu và ghi nhận ở trẻ em dưới 10 tuổi. Ảnh minh họa: EPA

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cho biết họ nhận được báo cáo về ít nhất 228 trường hợp nghi mắc bệnh viêm gan trẻ em đến từ 20 quốc gia.

Một số chuyên gia y tế liên kết căn bệnh này với bệnh nhiễm trùng bắt nguồn từ một loại adenovirus - họ virus phổ biến có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm hoặc bệnh về đường tiêu hoá. Cũng có giả thuyết cho rằng lệnh phong tỏa Covid-19 đã làm suy yếu khả năng miễn dịch của trẻ em vì chúng ít tiếp xúc với các mầm bệnh thông thường khi bị cách ly.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang xem xét liệu virus adenovirus liên quan đã đột biến hay đang hoạt động song song với một bệnh lây nhiễm khác, có thể là Covid-19, hay không.

Đầu tháng này, Indonesia thông báo 3 trẻ em bị nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn đã tử vong tại thủ đô Jakarta hồi tháng 4. Theo Bộ Y tế Indonesia, các em đã được tiêm phòng viêm gan.

Trường hợp tử vong thứ tư là một bé gái 7 tuổi ở Tulungagung, Đông Java, được cho là chết vì bệnh viêm gan cấp tính. Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi nói rằng trường hợp này đang được phân loại chờ xử lý. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé gái không nhiễm virus viêm gan A, B, C, D, E.

Bệnh viêm gan bí ẩn bao gồm các triệu chứng vàng da, sốt, tiêu chảy, nước tiểu có màu sẫm hơn, phân nhạt màu và ghi nhận ở trẻ em dưới 10 tuổi.




Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo