Bộ Y tế đang thực hiện đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2020 - 2021 với hàng loạt bệnh viện trên toàn quốc.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả khảo sát có 74% người bệnh nội trú hài lòng về bệnh viện, tỉ lệ này với bệnh nhân ngoại trú là 82%. Trong khi đó, khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên y tế với bệnh viện khá thấp, chỉ đạt 3,5/5 (các năm trước đều trên 4).
Đáng chú ý, trong số có 2.014/4.300 nhân viên, người lao động tham gia khảo sát, chỉ có 15,3% hài lòng toàn diện với bệnh viện, 51% hài lòng nói chung về lãnh đạo bệnh viện; 63% cho biết sẽ gắn bó làm việc với bệnh viện lâu dài; 70% đề nghị tăng thu nhập. Toàn bộ khảo sát được thực hiện trực tuyến, đảm bảo khuyết danh.
Trong số các ý kiến phản ánh qua cuộc khảo sát này thì rất nhiều ý kiến phản ánh rằng công việc đang bị quá tải, chế độ trực không có ngày nghỉ bù, áp lực cao, căng thẳng, thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, ít nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu găng tay cho nhân viên (nhân viên phải sử dụng găng tay nilon), xử phạt công minh hơn, cần phải động viên, khích lệ và lắng nghe người lao động nhiều hơn nữa… "Bệnh viện cắt giảm tiền của nhân viên, nhiều khoa nợ các thu nhập AB đến 7 tháng... khiến đời sống nhân viên cực kỳ khó khăn, đời sống không đảm bảo. Nhiều tiến sĩ, bác sĩ giỏi bỏ bệnh viện, chuyển công tác.."- một ý kiến nêu trong bảng kết quả khảo sát.
Kết quả báo cáo khảo sát hài lòng do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện
Trong khi đó, có ý kiến đề nghị: "Bệnh viện cần cải tạo môi trường làm việc của phòng cấp cứu, đảm bảo có không gian đủ rộng, thoáng mát, đủ giường cáng trang thiết bị phục vụ tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu, phân công, phân bổ nhân lực mỗi ca trực phù hợp để sau mỗi đêm trực nhiều nhân viên quá mệt mà không dám nghĩ đến phiên trực tiếp theo sẽ như thế nào!!!".
Một ý kiến nêu: "Tôi không biết lãnh đạo Bộ có đọc những dòng chữ này hay không, tôi mong Bộ hãy lắng nghe nhân viên y tế nhiều hơn, đời sống của anh em bệnh viện gặp quá nhiều khó khăn. Mỗi ngày đi làm áp lực căng thẳng lắm mà kinh tế không có. Mọi người cứ bảo nhau đi làm vì đam mê. Thật sự là làm nhiều đến nỗi vợ tôi còn chán không buồn hỏi vì sao. Rồi bao nhiêu bác sĩ giỏi, điều dưỡng tốt cũng xin đi, chuyển công tác nơi khác vì họ không chịu nổi. Thật sự đến lúc này hỏi thâm tâm trong mỗi nhân viên y tế chúng tôi đều là sự buồn chán, chán không muốn cống hiến và thật sư điều giữ chân chúng tôi lúc này còn làm ở bệnh viện cũng chỉ vì 2 chữ Bạch Mai".
Một số ý kiến của nhân viên- Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra, nhiều ý kiến phàn nàn về việc lãnh đạo mới của bệnh viện không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động. "Người lao động không yên tâm làm việc và say mê cống hiến cho bệnh viện so với giai đoạn trước đây. Nhiều quyết định mới của lãnh đạo bệnh viện làm nhân viên lo lắng, không yên tâm hoặc bức xúc: Các quyết định về tách, nhập, giải thể, thành lập mới các đơn vị khoa phòng trong bệnh viện rất đột ngột và cảm tính. Việc đập phá nhiều khu, chặt cây lâu đời trong viện, xóa bỏ nhà ăn... Có nhiều quyết định sai phải thu hồi. Việc tuyển chọn người nơi khác về làm việc rất chủ quan, không có tiêu chí rõ. Không tôn trọng và tận dụng được chất xám của các bậc lão thành, nhà trí thức cao của bệnh viện. Thái độ với đồng nghiệp hách dịch, thiếu tôn trọng, thiếu lịch sự..."- một ý kiến phản ánh.
Khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai
Đánh giá về việc chỉ số hài lòng toàn diện của bệnh viện chỉ đạt 15,3% sau Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lấy ý kiến về khảo sát hài lòng tại Bệnh viện Bạch Mai, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng con số 15% hài lòng toàn diện trong môi trường áp lực, thu nhập giảm là tỉ lệ khá cao.
"Bộ Y tế nói là hài lòng toàn diện, tức là hài lòng tuyệt đối, không còn gì lăn tăn, bệnh viện đáp ứng mọi yêu cầu của nhân viên. Nếu xem xét trong bối cảnh bệnh viện khó khăn như thế, áp lực như thế, thu nhập giảm, công việc nặng nhọc căng thẳng, áp lực kiểm tra, giám sát, thu nhập giảm một nửa... thì con số hài lòng như thế là cao so với mong muốn"- vị này nói.
Vị này cho rằng một bác sĩ bình thường, nếu ra ngoài làm việc được trả hơn 100 triệu trong khi ở đây vất vả như thế, áp lực như thế, vất vả như thế, thu nhập 10-20 triệu thì làm sao có thể hài lòng được. "Hài lòng có nhiều yếu tố: Thu nhập phải tốt, nhưng thu nhập không phải tất cả; thứ hai, môi trường công việc phải thoải mái, không căng thẳng, không áp lực. Ai cũng muốn công việc nhàn, thu nhập cao. Nên câu chuyện làm trong môi trường áp lực, vất vả, thu nhập thấp thì chắc chắn không hài lòng rồi, hoặc nếu có hài lòng thì không phải chính xác. Thực sự, trong môi trường vừa áp lực, vất vả, thu nhập thấp mà hài lòng là không thuyết phục. Để đạt được hài lòng tuyệt đối như bảng điểm của Bộ Y tế đưa ra rất là khó"- vị đại diện bệnh viện nói.
Ông này cũng cho rằng mong muốn lớn nhất của bệnh viện là toàn thể nhân viên cứ cùng đồng hành, đặt hài lòng của người bệnh lên trước hết thì càng ngày sẽ càng có đông bệnh nhân. Bệnh nhân chính là khách hàng, có khách hàng sẽ có thu nhập. Còn các nút thắt về cơ chế tài chính sẽ kiến nghị để Chính phủ, Bộ Y tế tháo gỡ.
Điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc cho người bệnh sau can thiệp - Ảnh: Thành Dương
Quan điểm của Ban lãnh đạo bệnh viện là người bệnh phải là khách hàng, bệnh viện xác định bệnh nhân là khách hàng để nuôi sống bệnh viện nên phải đặt lợi ích bệnh nhân lên hàng đầu và phải đem lại dịch vụ tốt nhất cho người bệnh trong khả năng có thể. Dĩ nhiên, với nhân viên, Ban lãnh đạo Bệnh viện cũng nỗ lực tối đa tăng thu nhập để đạt đến sự hài lòng của nhân viên. "Trước đây, chỉ có lãnh đạo khoa mới được tổ chức sinh nhật, nhưng nay tất cả nhân viên bệnh viện đều nhận được tin nhắn chúc mừng của lãnh đạo và kèm 300.000 đồng. Ngay cả dịp 8-3, cả nam giới cũng được 500.000 đồng. Vừa qua, gần 1.300 người chưa được vào biên chế đã được mức lương bậc 3-4 và được hưởng toàn bộ phụ cấp như người có biên chế, trong khi trước đây chỉ được hưởng 85% lương bậc 1"- ông dẫn chứng.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết thêm chi cho cán bộ nhân viên năm qua tăng 6%, người thu nhập cao thì giảm, thu nhập thấp tăng lên, đặc biệt là hộ lý, điều dưỡng. Ngoài ra, Ban Giám đốc bệnh viện cũng yêu cầu tăng trách nhiệm vai trò thủ trưởng đơn vị. Trước đây, khoa phòng có bị đánh giá "be bét" đến đâu thì lãnh đạo cũng hoàn thành xuất sắc, nhưng nay theo đúng tinh thần, đơn vị xuất sắc thì trưởng khoa mới xuất sắc, nếu khoa hoàn thành tốt thì lãnh đạo chỉ hoàn thành tốt. Những cải tổ như vậy đã đánh vào trách nhiệm người đứng đầu.
"Bệnh viện luôn hướng tới sự hài lòng của nhân viên, tất cả những cái đó công đoàn trước khi triển khai bất kỳ chính sách nào thì luôn truyền thông trước, khi có bất cập luôn khảo sát để điều chỉnh cho phù hợp. Mỗi chính sách mới rất khó để vừa lòng tất cả mọi người. Nếu có vài ý kiến không hài lòng nhưng chính sách đó nếu thay đổi là cần thiết thì cần quyết liệt làm. Không phải vì vài cá nhân mà dừng thay đổi"- vị này nói.
Bình luận (0)