Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15-9-2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế gồm: BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV K và BV Chợ Rẫy. Đến nay, mới có 2 BV thực hiện thí điểm là BV K và BV Bạch Mai.
Chưa đúng nghĩa tự chủ!
Mới đây, lãnh đạo BV Bạch Mai đã xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm, chỉ thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 về chi thường xuyên. PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết gặp muôn vàn khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính toàn diện. Ngoài khó khăn vì dịch Covid-19, PGS-TS Đào Xuân Cơ còn cho rằng giá viện phí BHYT đã lỗi thời, cách đây 4-5 năm, quy định giá quá thấp, chưa tính đúng, tính đủ khiến BV thu không đủ chi. "Để BV tự chủ trong điều kiện thu không đủ chi thì không thể được. Hậu quả không chỉ Bạch Mai mà các BV công đang tự chủ tài chính cũng không bảo đảm lấy thu bù đủ chi" - ông Cơ dẫn chứng.
Cũng theo lãnh đạo BV Bạch Mai, trước khi tự chủ, phần lớn dự án tại BV là liên doanh, liên kết, tổng tài chính thu được dồi dào. Nay không liên doanh, liên kết nữa, không còn thiết bị, máy y tế xã hội hóa ở BV Bạch Mai, toàn bộ bây giờ thu giá của BHYT, mà nguồn chi rất lớn, dẫn tới nguồn cán bộ chất lượng cao dễ chuyển dịch sang y tế tư nhân có mức lương cao hơn nhiều lần.
"Chúng tôi đã đề xuất với Bộ Y tế, với Chính phủ, trong điều kiện hiện nay còn nhiều khó khăn về tài chính, giải pháp, văn bản pháp quy, các điều kiện thực tại của BV, của ngành y tế… thì nên dừng thí điểm tự chủ toàn diện. BV Bạch Mai chỉ nên thí điểm theo Nghị định 60 của Chính phủ mới ban hành về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nghị định có nhiều điểm dễ thực hiện tự chủ cho BV hơn" - PGS-TS Đào Xuân Cơ cho biết.
Làm rõ hơn về vấn đề tự chủ toàn diện tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế mới đây, TS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý BV Bạch Mai, cho biết các điều kiện cơ bản là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để thực hiện tự chủ. Hiện nay, BV mới được tự chủ về tổ chức bộ máy, do đó chưa đủ điều kiện và chưa làm đúng nghĩa tự chủ nên cần thay đổi.
Đánh giá về việc tự chủ toàn diện, một số lãnh đạo BV cho rằng các quy định về giá, đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất; áp lực cạnh tranh với các cơ sở y tế tư nhân trong việc thu hút bệnh nhân, thu hút nhân lực… đang là khó khăn mà cơ sở gặp phải khi thực hiện tự chủ. Vấn đề chi đầu tư, tài chính cũng "bất cập chồng bất cập". Cốt yếu nhất hiện là quy định khung giá các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ nhưng quy định này đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành.
Bệnh nhân điều trị tại một bệnh viện từng được dự kiến áp dụng thí điểm cơ chế tự chủ. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Thận trọng khi triển khai tiếp
Theo Nghị quyết 33, khi tự chủ toàn diện, các BV được quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Đó là quy mô BV, được quyền lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn; các BV được trao quyền tự chủ trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân, qua đó nâng cao thu nhập cho đội ngũ y - bác sĩ... Ngoài ra, khi tự chủ, các BV sẽ thực hiện "mô hình như doanh nghiệp", có hội đồng quản lý gồm từ 7 - 11 người. Hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các BV thành viên; điều động, miễn nhiệm với tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc…, có quyền thuê tổng giám đốc. Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí chủ tịch hội đồng quản lý, ban giám đốc đều do Bộ Y tế bổ nhiệm.
Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng khó khăn lớn nhất mà các BV tự chủ toàn diện phải đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. Với BV tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kỹ thuật cao... nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, BV sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lý giá.
Theo một chuyên gia y tế, về mặt lý thuyết, cơ chế tự chủ được xem là chính sách "cởi trói" cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng không có bệnh nhân, không có doanh thu, giá viện phí thấp là nguyên nhân khó bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế. Nhiều ý kiến cho rằng không thể áp dụng mô hình tự chủ BV một cách máy móc. Ngay cả việc tự chủ một phần cũng phải xét tùy điều kiện một số BV, tự chủ có mức độ chứ không thể ép tất cả BV tự chủ.
Một số ý kiến cũng bày tỏ quan điểm việc các BV hướng đến tăng thu từ tiền túi của bệnh nhân là chưa hợp lý, không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện tự chủ toàn diện, cần hoàn thiện một số quy định liên quan như ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy. Trong bối cảnh chưa hoàn thiện hết quy định về tự chủ toàn diện, cần thận trọng khi tiếp tục triển khai.
Lúng túng cơ chế quản lý
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết quy định BV được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn phải trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Hay quy định BV tự chủ thì được thuê giám đốc nhưng giám đốc lại đang nhận lương theo thang, bảng lương của nhà nước. Điều này khác với tự chủ ở BV tư, theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, còn BV công được quản lý theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập.
. TS-BS chuyên khoa II DIỆP BẢO TUẤN, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM:
Nên cho thu đúng, đủ 7 thành tố
Hiện nay, mỗi ngày BV Ung Bướu TP HCM (cả 2 cơ sở) khám 3.500 bệnh nhân ngoại trú và 700-800 bệnh nhân nội trú. BV thực hiện tự chủ tài chính từ hàng chục năm qua, từ lúc áp dụng Nghị định 43 rồi chuyển qua Nghị định 85 và hiện nay áp dụng Nghị định 60. BV đăng ký tự chủ ở nhóm 2, nghĩa là tự chủ chi thường xuyên, không đầu tư. BV Ung Bướu đang rất nỗ lực nên cũng đủ thu chi và bảo đảm quỹ lương, quỹ phúc lợi, quỹ phát triển sự nghiệp... Cơ sở 2 của BV rất hiện đại, rộng rãi nên chi phí vận hành cũng nhiều hơn. Vì vậy, rất mong nhà nước nói chung và thành phố hỗ trợ thêm chi phí để đơn vị hoạt động.
Trong việc triển khai tự chủ tài chính hiện nay chỉ mới tính 4 thành phần trong 7 thành phần cấu thành giá. Vì vậy, để BV hoạt động tự chủ hơn, tới thời điểm này cũng nên tính đủ, thu đúng đủ 7 thành tố.
. Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM:
Chưa thể tự chủ vốn đầu tư
BV tự chủ tài chính từ lâu theo hướng tự chủ vốn thường xuyên chứ chưa thể tự chủ vốn đầu tư. Nghĩa là tạo nguồn thu mua thuốc, mua vật tư..., còn vốn đầu tư xây dựng, sắm trang thiết bị thì nhà nước cấp. Vì tự chủ nên trong mùa dịch cũng gặp khó khăn. Mùa dịch khó khăn thì nhà nước phải đầu tư bù đắp thêm chứ BV lấy thu bù chi là không đủ.
Trong tình hình hiện nay, đối với BV chuyên khoa thì có phí dịch vụ hoạt động mạnh hơn, còn các BV đa khoa, BV quận, huyện còn khó khăn. Trong hoạt động, đơn vị nào thu không đủ chi thì nhà nước phải chi bù cho hoạt động. Riêng BV Nhân dân 115 trong mùa dịch gồng gánh được nhưng thu nhập của cán bộ, công nhân viên giảm.
Đối với chính sách cơ chế tự chủ tài chính hiện nay cần nghiên cứu và làm rõ nhiều quy định. Thu thì phải đúng và đủ trong khi giá BHYT hiện nay là không đúng và không đủ. Giá BHYT thường cố định nhưng giá vật tư luôn thay đổi theo hướng tăng cao.
N.Thạnh ghi
Bình luận (0)