Sáng 22-12, tại Bệnh viện (BV) K Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã công bố và trao quyết định thành lập Hội đồng quản lý BV K. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu mà tập thể BV K đã phấn đấu đạt được trong những năm qua, đặc biệt là khi vừa bảo đảm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) vừa bảo đảm các tiêu chí để trở thành BV an toàn, giúp người bệnh an tâm điều trị. Ngày 17-9 vừa qua, theo Quyết định số 1423/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án Thí điểm tự chủ của BV K giai đoạn 2020-2022.
Bảo đảm công khai, minh bạch
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã công bố và trao quyết định thành lập Hội đồng quản lý BV K bao gồm 11 thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản lý là TS-BS Nguyễn Tiến Quang. Hội đồng quản lý là cơ quan cao nhất điều hành toàn bộ hoạt động của BV, để tăng cường giám sát và kiểm tra chéo toàn bộ hoạt động của Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc sẽ có sự giám sát của Ban Kiểm soát. Đây là mô hình bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường tính giám sát trong mọi hoạt động của BV.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, với việc tự chủ này, BV K sẽ được quyết định về tài chính, nguồn nhân lực và định hướng phát triển trong tương lai, tuy nhiên đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để BV K có những quyết sách cẩn trọng, chính xác để vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vừa công khai, minh bạch và quan trọng nhất là vẫn thực hiện với phương châm "lấy người bệnh làm trung tâm", luôn luôn bảo đảm quyền lợi của người bệnh. "Công khai, minh bạch là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công tự chủ BV một cách toàn diện" - ông Quang khẳng định.
Trước đó, Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các BV: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Ngoài BV K, trước đó BV Bạch Mai cũng đã được Bộ Y tế công bố thành lập Hội đồng quản lý.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện K Trung ương
Sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực
Mục tiêu thực hiện thí điểm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của BV nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các BV; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.
Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội của BV, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ BHYT, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.
Theo Bộ Y tế, một trong những nội dung của cơ chế tự chủ là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, theo đó, BV được quyết định quy mô BV khi đáp ứng đủ các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất; BV được quyết định chỉ tiêu và kế hoạch hoạt động của BV bảo đảm phù hợp với các quy định về chuyên môn do Bộ Y tế ban hành và phù hợp với điều kiện, khả năng của BV... Hội đồng quản lý có từ 7 đến 11 người, trong đó có 1 đại diện của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi của chủ tịch Hội đồng quản lý, thực hiện theo quy định hiện hành. Thực hiện đề án này, BV được tự chủ về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế. BV được nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công theo kế hoạch.
Một trong những vấn đề quan tâm là giá dịch vụ y tế khi các BV công tự chủ tài chính hoàn toàn, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết bộ ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy trên cơ sở tham khảo giá của các BV tư nhân và các BV có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam. BV được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.
Bình luận (0)