Ngày 5-9, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết vẫn đang chờ giải trình của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên để làm rõ thông tin "bức thư" đăng trên mạng xã hội Facebook gửi giám đốc BV này.
Dài cổ chờ chuyển viện
Theo đó, chị Nguyễn Thị Mai Thảo (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đăng lên Facebook cá nhân vào ngày 2-9 với tiêu đề "Gửi ông giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên, ông nên xem xét và coi lại cách làm việc và đội ngũ BS, y tá của BV..." thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chị Thảo cho biết ngày 27-8, chị đưa cháu Lê Nguyễn Đăng Q. (6 tuổi) vào BVĐK vùng Tây Nguyên do bị té, đau ở chân. Tại đây, bác sĩ (BS) chẩn đoán cháu bị chấn thương cổ chân nên bó bột và chẩn đoán thêm bệnh sốt xuất huyết, sau đó chuyển sang nhiễm trùng máu. Trong thời gian điều trị, cháu sốt cao lên đến 40, 41 độ C, mê sảng nhưng BS cứ bảo không sao. Ngày 31-8, chị Thảo xin chuyển xuống BV Nhi Đồng 2 (TP HCM). BS ở đây kết luận cháu bị nhiễm trùng máu nặng, viêm cơ nặng, dịch trong khớp cổ chân nhiều, phải theo dõi để mổ. Nếu gia đình không kiên quyết chuyển đi thì chắc chắn chân cháu sẽ bị nguy hiểm.
"Có mỗi cái giấy chuyển tuyến họ cũng không ghi ngày tháng nên bảo hiểm không chịu, không biết họ làm ăn kiểu gì" - chị Thảo bức xúc nói.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa đi vào hoạt động nhưng liên tiếp bị tố thờ ơ với bệnh nhân
Trước đó, vào tháng 7-2019, Facebook cũng chia sẻ câu chuyện cho rằng BVĐK vùng Tây Nguyên đã thờ ơ, bỏ mặc nạn nhân trong vụ lật xe khách (1 người chết, hơn 10 người bị thương) suốt nhiều giờ. Chị Doãn Thị Viên (con gái bà Võ Thị Vinh bị đa chấn thương trong vụ tai nạn) kể sáng 16-7, sau nhiều giờ vào BV, bà Vinh được cho nằm trên băng ca, chưa khâu vết thương, máu chảy nhiều. Cứ khoảng 1 giờ, chị lại vào hối thúc nhưng điều dưỡng bảo ra ngoài chờ trong khi bà Vinh hết sức đau đớn, chảy máu.
Còn bà Nguyễn Thị Tám (mẹ vợ ông Nguyễn Tấn Tài - người bị đứt lìa tay trong vụ tai nạn), cho rằng cả đêm 16-7 chẳng thấy BS nào tới thăm khám, hỏi han tình hình bệnh nhân dù bị thương rất nặng. Đến sáng 17-7, ông Tài và bà Vinh ra máu nhiều, ướt đẫm băng ca nhưng nói đến lần 3 mới có người thay.
Anh Hồ Đăng Bình (một trong 2 tài xế xe khách trong vụ tai nạn) cho biết thấy việc điều trị không ổn nên khoảng 7 giờ ngày 17-7, nhà xe chủ động vào xin chuyển xuống BV Chợ Rẫy. Nhà xe đề nghị BV cử 1 điều dưỡng đi cùng và được hướng dẫn thuê người không trực với giá 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân đưa lên xe cấp cứu rồi mà chờ mãi không thấy điều dưỡng nên anh đã phải thuê 1 người ở ngoài với giá 2 triệu đồng. "Khi xe chạy được 200 km thì nhân viên y tế mới gọi hỏi ở đâu để đi. Bệnh nhân bị thương như vậy, chuyển sớm thì hy vọng cứu sống sẽ cao nhưng làm thủ tục chuyển viện quá lâu rồi để bệnh nhân nằm chờ ngoài xe như vậy tôi thấy không ổn" - anh Bình nói.
Cần chấn chỉnh hoạt động
Ông Nguyễn Minh Trực - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình BVĐK vùng Tây Nguyên - cho rằng các BS đã làm hết khả năng để điều trị cho 2 bệnh nhân trong vụ tai nạn giao thông. Theo ông Trực, bệnh nhân Tài đã được đưa đi phẫu thuật nối cánh tay (khi xuống BV Chợ Rẫy đã cắt bỏ - PV). Riêng bệnh nhân Vinh bị gãy xương cánh chậu, chấn thương đốt sống cổ chờ mổ chương trình vì không phải trường hợp mổ cấp cứu.
Ông Trực cũng thừa nhận 7 giờ ngày 17-7, nhà xe vào xin chuyển viện cho 2 bệnh nhân này nhưng phải làm thủ tục chứ không phải xin là đi liền. Đối với vấn đề điều dưỡng đi cùng, ông Trực nói đây cũng không phải là trường hợp khẩn cấp, phải cử điều dưỡng nghỉ trực vào nên buộc bệnh nhân phải chờ.
Trong khi đó, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho rằng thái độ phục vụ của một số ít BS, điều dưỡng không được tốt, gây bức xúc cho bệnh nhân. Việc cho bệnh nhân lên xe cấp cứu rồi nằm chờ nhân viên y tế thì người nhà bức xúc cũng dễ hiểu. "Chúng tôi đang lên chương trình mời chuyên gia chia sẻ về thái độ tiếp đón, thăm khám, chăm sóc bệnh nhân cho toàn bộ lãnh đạo các đơn vị, từ đó để chấn chỉnh công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân" - ông Nay Phi La cho biết thêm.
Chờ nhiều giờ mới được nhập viện
Chiều 22-7, trong lúc lên làm việc với BV, phóng viên thấy nhiều bệnh nhân liên tục vào thắc mắc với nhân viên y tế. Tới tìm hiểu được biết sáng cùng ngày, số bệnh nhân này tới BVĐK vùng Tây Nguyên để nhập viện mổ lấy dụng cụ sau phẫu thuật chỉnh hình hoặc phẫu thuật lại. Sau khi làm xong các thủ tục, các bệnh nhân đứng ngoài hành lang chờ BS tiếp nhận suốt nhiều giờ.
"Khoảng 10 giờ, tôi làm xong các thủ tục thăm khám và được hướng dẫn lên đây nhập viện. Tuy nhiên, nhân viên y tế cho biết BS đang đi mổ, chưa có người tiếp nhận. Hành lang chỉ có 3 ghế, chúng tôi là bệnh nhân phải thay nhau người ngồi, người đứng chờ. Chừng này bệnh nhân, chỉ cần 1 BS dành 10 phút ký vào giấy tiếp nhận vào viện là được nhưng không hiểu sao chúng tôi phải chờ gần 5 giờ rồi" - một bệnh nhân nói.
Trả lời câu hỏi vì sao để bệnh nhân chờ lâu đến vậy, ông Trực nói: "BS ít nên phải chờ cho đông bệnh nhân tiếp nhận cùng một lúc".
Bình luận (0)