Ngày 14-10, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) tổ chức chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp và hỗ trợ điều trị bằng kỹ thuật này lần đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa An Phước (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Bình Thuận, cho biết đây là lần đầu tiên một cơ sở y tế tại tỉnh triển khai kỹ thuật tim mạch can thiệp, mở ra hướng đi mới cho ngành y tế địa phương trong việc kịp thời cấp cứu các trường hợp nguy cấp do tim mạch, giảm chi phí đi lại cũng như giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.
Lễ chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp
Tại lễ chuyển giao, các y - bác sĩ địa phương đã thực hiện thành công ca can thiệp tim mạch đầu tiên cho một bệnh nhân nam với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Phước, cho biết thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh 1816 đối với Bệnh viện Chợ Rẫy, từ năm 2019, bệnh viện này đã cử một đoàn nhân viên y tế gồm 5 bác sĩ, 3 cử nhân chẩn đoán mạch, 3 cử nhân điều dưỡng vào TP HCM để đào tạo nhiều năm về tim mạch và não.
Đến năm 2023, Bộ Y tế cấp phép cho bệnh viện thành lập đơn nguyên can thiệp mạch trực thuộc Khoa Nội tim mạch, triển khai kỹ thuật can thiệp mạch vành trong bệnh lý nhồi máu cơ tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời, chụp mạch máu số hóa xóa nền.
Ca kỹ thuật tim mạch can thiệp đầu tiên thực hiện tại Bệnh viện An Phước
Theo ông Hùng, kỹ thuật tim mạch can thiệp giúp bệnh viện cấp cứu, khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh cho người bị tim mạch; tiếp cận, đánh giá, phân loại ban đầu với người bệnh đột quỵ.
Bình luận (0)