Bị ung thư phổi, được chỉ định truyền hóa chất nhưng gần 2 tháng qua, ông T.X.Th (54 tuổi, ở Hà Nội) được bệnh viện thông báo loại thuốc trong danh mục được bảo hiểm chi trả 50% của bệnh viện đã hết.
Bệnh nhân chịu thiệt
Tại Hà Nội, tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là biệt dược, thiếu vật tư tiêu hao… đang xảy ra ở nhiều bệnh viện. Tuy nhiên, khi được hỏi, hầu hết các lãnh đạo bệnh viện đều không muốn lên tiếng vì đang trong giai đoạn "nhạy cảm" của ngành y tế. Lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết bệnh viện vẫn cố gắng để bảo đảm có đủ thuốc, vật tư tiêu hao... Tuy nhiên, việc đấu thầu rất khó. "Đơn cử với mặt hàng thuốc gây mê vô cùng khó mua vì đây là thuốc thuộc diện phải kiểm soát, không phải nhiều nơi dùng. Theo quy định giá rẻ thì mua nhưng bên bán lại không chào giá rẻ. Ngoài ra, quy định là khi đã mua thuốc thì phải dùng hết ít nhất 80% loại thuốc đã mua. Nhưng đối với nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm thì các bệnh viện khó mà lường trước việc có đủ bệnh nhân để dùng hết thuốc hay không, do đó cũng không dám đấu thầu" - vị lãnh đạo này chia sẻ.
Trong khi đó, một lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh cho biết có tình trạng bệnh nhân BHYT phải tự đi mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dây truyền, dụng cụ… mang vào bệnh viện để bác sĩ thực hiện ca mổ, nếu không ca mổ phải hoãn hoặc chuyển tuyến điều trị. Trước đó, một bệnh viện tỉnh tại Hậu Giang cũng phản ánh thiếu nhiều loại thuốc như kháng sinh, thuốc an thần, thuốc chống đông, thuốc điều trị các bệnh tiểu đường, huyết áp, viêm gan, ung thư, dạ dày...
Thiếu thuốc và sinh phẩm y tế ảnh hưởng đến việc điều trị của không ít người bệnh
Gần đây nhất tại TP HCM, sau hơn nửa năm gián đoạn vì thiếu thuốc phóng xạ, ngày 9-6 vừa qua, máy chụp PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu mới có thể hoạt động trở lại. Hệ thống PET/CT ngưng hoạt động từ cuối năm ngoái vì lý do doanh nghiệp cung cấp thuốc phóng xạ 18F-FDG bị gián đoạn sản xuất do vướng các thủ tục giấy tờ.
Bệnh viện sợ… đấu thầu, mua sắm
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết hiện nay, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. "Sau "cơn bão lớn", những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết" - ông Hiếu nhận định.
Cũng theo ông Hiếu, Luật Đấu thầu đã có nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế thì chậm ban hành hoặc có nội dung tại văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao. Thậm chí tại một số bệnh viện, y - bác sĩ phải tự bỏ tiền mua những vật tư tối thiểu như găng tay, trong khi đồng lương cán bộ ngành y vốn đã ít ỏi.
Cùng quan điểm, GS-TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - nhìn nhận hiện nay tại một số bệnh viện công xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm… Nguyên nhân là các giám đốc không mặn mà, thậm chí người ta ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.
"Đây là điều đáng quan ngại vì sẽ tác động xấu đến người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc men ở ngoài và không quản lý được chất lượng thì sẽ rất nguy hiểm" - GS Trí đánh giá.
Nói về nguyên nhân của thực trạng này, GS Trí cho rằng có rất nhiều nhưng nhìn bề ngoài, mọi người cho rằng vì thời gian qua, nhiều cán bộ y tế vướng sai phạm, từ cấp nhỏ như trưởng khoa cho tới cấp giám đốc bệnh viện, thậm chí lên đến cả thứ trưởng, bộ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đến việc cán bộ y tế sợ không dám làm.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, Bộ Y tế ban hành danh mục 6.251 thuốc, sinh phẩm hết hạn đăng ký trước 30-6-2022 được tiếp tục lưu hành tới cuối năm. Với khoảng 4.000 thuốc, sinh phẩm còn lại, dự kiến sẽ được gia hạn trước ngày 15-7 tới đây. Tính đến thời điểm này, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia 2022- 2023 và công tác đàm phán giá cũng đang được khẩn trương thực hiện. Trong khi đó, các bệnh viện và cơ sở y tế vẫn chờ kết quả của việc đấu thầu, đàm phán giá để mở các gói thầu cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó đã có một số đề xuất trong việc cần cơ chế để các bệnh viện, sở y tế có thể gia hạn hợp đồng cung ứng.
Lập kế hoạch mua sắm đấu thầu thuốc sớm
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết việc mua sắm, đấu thầu thuốc chia làm ba cấp. Cụ thể: cấp quốc gia do Bộ Y tế đấu thầu tập trung một số loại thuốc theo danh mục; địa phương đấu thầu tập trung cấp tỉnh do sở y tế đứng ra tổ chức; cơ sở khám chữa trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) được phân cấp tự đấu thầu. Với những gói thầu trên 5 tỉ đồng do Bộ Y tế phê duyệt, dưới mức trên do bệnh viện tự quyết định nếu tự chủ tài chính. Với các gói thầu thuốc dưới 5 tỉ đồng mà chậm trễ gây thiếu thuốc cho bệnh nhân thì trách nhiệm thuộc cơ sở khám chữa bệnh.
Theo ông Phúc, quá trình chuẩn bị đấu thầu thường kéo dài vài tháng, nếu tháng 12 hết hạn thì tháng 6-7 đã phải lên kế hoạch.
Bình luận (0)