Trong 2 ngày 29 và 30-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã tổ chức giám sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc của các Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, BV quận 11 và BV Lê Văn Thịnh.
Tự chủ nhưng không được tự quyết
Trình bày những tồn tại, khó khăn liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính, ông Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu BV Chợ Rẫy, cho biết cơ cấu dịch vụ khám chữa bệnh mới chỉ tính 4/7 cấu phần. Ba cấu phần chưa được tính vào là khấu hao tài sản, chi phí hoạt động gián tiếp để vận hành BV, chi phí đào tạo bồi dưỡng chuyển giao công nghệ. Với thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao thì chưa tính chi phí quản lý, hao hụt, chi phí bảo quản, chi phí lưu kho; giá còn cố định, không điều chỉnh theo giá trúng thầu hằng năm. Với chi phí tiền lương, BV chỉ tính cho bộ phận trực tiếp trên mức tiền lương cơ bản và một số phụ cấp; chưa tính cho bộ phận gián tiếp, chưa tính phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại. Về giá vật tư tiêu hao, trong quá trình xây dựng nhà thầu, thẩm định kế hoạch từng chọn giá thấp nhất nhưng vẫn không đấu thầu được. Với khấu hao tài sản cố định, không có nguồn thu để tái đầu tư, trang bị mới máy móc, thiết bị...
Bà Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán BV Chợ Rẫy, cho rằng BV tự chủ nhưng nguồn thu do nhà nước quy định trong khi nguồn chi theo giá thị trường nên không bao giờ đi đến điểm chung. Bà Hải dẫn chứng quy định "không được dùng máy đặt, máy mượn" trong BV khiến công việc điều trị gặp không ít khó khăn. Hiện giá khám chữa bệnh chưa tính khấu hao máy móc trong khi BV không được dùng máy đặt, máy mượn thì nguy cơ đóng cửa.
Bà Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Đồng quan điểm giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết cơ chế tự chủ tài chính có ưu điểm là giúp BV chủ động xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn; chủ động trong công tác khám chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, mặt tích cực của cơ chế này khó phát huy khi vướng nhiều quy định. "Giá khám chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ dẫn đến BV càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư cơ sở vật chất. Máy móc, thiết bị ngày càng lạc hậu, BV không thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực cũng như thu hút nguồn lực có chất lượng cao" - bác sĩ Khanh nêu thực trạng. Do đó, bác sĩ Khanh kiến nghị cần tính đúng, tính đủ chi phí cho khung giá khám chữa bệnh, theo lộ trình.
Tại buổi làm việc với BV quận 11 chiều 30-9, ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, hỏi: "Năm năm gần đây thành phố có hỗ trợ kinh phí đầu tư cho BV không? Hỗ trợ theo kiểu gì? Đầu tư đã đúng nhu cầu chưa? BV có được quyết định lựa chọn những loại thuốc mình cần hay không?".
Bác sĩ Lê Đức Nhã, Phó Giám đốc BV quận 11, trả lời rằng từ năm 2017, khi được giao quyền tự chủ chi thường xuyên đến giờ, BV không được cấp kinh phí đầu tư. Về chuyên môn thì BV chưa thực sự tự chủ được vì còn nhiều yếu tố chi phối. "BV chưa được tự lựa chọn loại thuốc mình muốn" - bác sĩ Nhã khẳng định.
Bệnh viện không muốn tham gia đấu thầu thuốc
Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc, 3 BV đã nêu rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; giá cả đấu thầu và thị trường có sự chênh lệch... dẫn đến tình trạng thiếu thuốc diễn ra thời gian qua.
Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, dẫn chứng: "Mặc dù rất cấp thiết và đã trình UBND TP HCM nhưng đến nay gần 9 tháng, BV vẫn chưa thể mua sắm hệ thống chụp cắt lớp CT Scanner do UBND thành phố chưa phê duyệt định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng. Việc mua sắm trang thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều bước theo quy trình đã quy định".
Trước thực trạng trên, dược sĩ Trương Minh Quang, Trưởng Khoa Dược BV quận 11, đề xuất BV sẽ không tham gia đấu thầu nữa. BHYT trung ương hoặc địa phương đấu thầu xong, BV sẽ mua lại. BHXH sẽ đưa ra mức trần của một nhóm thuốc, một hoạt chất, nếu BV mua vượt thì phải tự xử lý phần chênh lệch; dưới mức trần thì BHYT sẽ chi trả.
Dược sĩ Nguyễn Phước Thành Nhân, Trưởng Khoa Dược BV Lê Văn Thịnh, cho biết tổng kinh phí dành cho đấu thầu thuốc rất lớn, chiếm hơn 55%, dẫn đến BV phải tập trung nguồn lực trả nợ cho công ty dược. Tuy nhiên, BV lại phụ thuộc nhiều vào BHYT. Nếu BHYT chậm thanh toán cho BV sẽ dẫn đến chậm thanh toán cho công ty, như vậy nợ công sẽ kéo dài. Đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu thuốc.
Đại diện Sở Y tế TP HCM thừa nhận theo quy định đấu thầu hiện hành, giá thuốc trúng thầu mỗi năm sẽ thấp đi, gây khó khăn cho các đơn vị khi mua sắm. Thậm chí, việc xác định giá đấu thầu rất khó để thực hiện, không mua sắm được. Có nơi phải mua thuốc ngoài để phục vụ bệnh nhân, BHYT sẽ không thanh toán lại, bệnh nhân cũng không thể chi trả thì BV phải tự gánh. Ngành y tế thành phố đang kiến nghị Bộ Y tế mở rộng danh mục đấu thầu cấp địa phương, giúp số thuốc đấu thầu tại các BV giảm bớt, nhẹ gánh cho BV.
Giá "hợp lý nhất" thay vì "thấp nhất"
Liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, BV Chợ Rẫy đưa ra nhiều kiến nghị. Cụ thể, đối với các loại thuốc hiếm, thuốc nhập theo hạn ngạch, BV đề nghị Bộ Y tế đưa vào danh mục mua sắm tập trung hoặc cho phép mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để bảo đảm có thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân.
BV Chợ Rẫy cũng kiến nghị tạm thời cho phép tiếp tục thực hiện đấu thầu vật tư, hóa chất theo quy trình hiện tại và đơn vị trúng thầu được phép cho mượn, đặt máy để sử dụng. Điều chỉnh bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151/NĐ-CP thêm hình thức sử dụng máy mượn, máy đặt phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Ngoài ra, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa Dược BV Chợ Rẫy, đề nghị giá mua sắm không nên là "giá thấp nhất" mà cần quy định rõ là giá "hợp lý nhất" dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, từng chuyên khoa, từng hạng BV. Quy định chi tiết như thế nào là tình huống cấp bách trong y khoa, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh; từ đó cho phép các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định để kịp thời có thuốc phục vụ người bệnh.
Đưa vấn đề lên nghị sự quốc gia
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nhìn nhận những khó khăn của BV đã kiến nghị rất lâu mà chưa giải quyết được. Theo ông, BV, trường học không phải là doanh nghiệp. "Vậy luật nào điều tiết các đơn vị hoạt động sự nghiệp này?" - ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề và cho biết đoàn sẽ nghiên cứu, chắt lọc các kiến nghị và đưa lên Quốc hội để có hướng giải quyết nhanh các bức xúc, tạo động lực phát triển lâu dài cho ngành y tế thành phố.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cũng khẳng định sẽ đề xuất lên Quốc hội sớm nghiên cứu ban hành luật cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động, tạo hành lang pháp lý để làm cơ sở.
Khó thanh toán bảo hiểm y tế
Bà Hoàng Thị Thanh Kiều, Trưởng Phòng Tài chính BV Lê Văn Thịnh, cho biết việc thanh toán BHYT hiện gặp rất nhiều khó khăn. Bà Kiều dẫn chứng: "Năm 2020, BHYT kiểm tra bóng đèn máy CT Scanner. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tối đa chụp 10.000 ca/bóng. Nhưng BV sử dụng, vận hành tốt nên bóng đèn có thể chụp được nhiều lượt hơn mà vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, khi BHYT thẩm tra lại từ chối thanh toán đối với số ca chụp vượt định mức khuyến cáo. Trong khi đó, trường hợp thiết bị hư hỏng trước thời gian khuyến cáo lại không được tính bổ sung vào chi phí". Từ đó, bà Kiều kiến nghị ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra công tác khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, bà Kiều đề nghị xem xét lại việc cấp kinh phí tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh bởi mức tạm ứng này hiện không đủ. "Bình quân mỗi năm chi phí khám chữa bệnh BHYT của BV là 250 tỉ đồng, mỗi quý chia đều khoảng 60 tỉ đồng nhưng tạm ứng chỉ 80%, nghĩa là chỉ được 40 tỉ đồng. Phần 20% chờ quyết toán trong 3 tháng, phần vượt dự toán năm sau mới được xem xét, chi phí này rất lớn. Trong khi đó, BV vẫn phải chi tiền lương, phụ cấp và thu nhập khác theo từng tháng; tiền điện, nước trả theo kỳ; tiền thuốc, vật tư, hóa chất sử dụng cho bệnh nhân phải dự trữ tồn kho... nên gặp rất nhiều khó khăn" - bà Kiều lý giải.
Bình luận (0)