Bà L.T.T.V (49 tuổi; ngụ Tiền Giang) đến phòng khám da liễu trong tình trạng da trên lưng có nhiều đốm đỏ, đau nhức, rát, bị nhiễm trùng. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bà bị bệnh Zona. Trước đó, ở quê, bà tự chữa trị bằng cách đắp đậu xanh nhưng không bớt. "Nhiều người đắp lá đều khỏi, sao bệnh tôi nặng hơn?" - bà thắc mắc.
Bệnh của người lớn
Cũng bị bệnh Zona, nhiều người mệt mỏi hơn bà V. do đã trị nhưng lại bị tái phát. "Tôi bị bệnh giời leo, đã chữa nhiều lần bằng cả Đông và Tây y nhưng hầu như năm nào nó cũng tái phát một, hai lần rất khó chịu và đau đớn. Có cách nào điều trị cho dứt không?" - một bệnh nhân hỏi.
Theo TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Khám Da liễu, cơ sở 2 Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, giời leo là tên gọi dân gian của bệnh Zona.
Bệnh này do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh thường có biểu hiện ở hạch, rễ thần kinh và da (mụn nước tròn căng, xếp thành đám hoặc thành mảng, phân bố một bên của cơ thể...). Hiện nay, mỗi ngày Phòng khám Da liễu BV Đại học Y Dược cũng đã khám từ 4-5 trường hợp, độ tuổi trung bình 40.
ThS-BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết bệnh này chỉ người lớn (tầm 50-60 tuổi) mới bị; trẻ con thì không bị. Thường thì trước khi bị Zona, người bệnh đã từng bị mắc bệnh thủy đậu từ nhỏ (do virus này gây ra).
Virus này tiềm ẩn hàng chục năm trong cơ thể người bệnh và sau đó gặp yếu tố thuận lợi nó được kích hoạt bột phát, gây ra bệnh.
Theo BS Khanh, những người lớn tuổi, sức đề kháng miễn dịch giảm do tuổi tác, bệnh tật, virus này hoạt động trở lại theo dây thần kinh ra da. Do virus tấn công thần kinh nên bệnh nhân thường rất đau đớn, dị cảm, nhức buốt, kể cả khi vết thương ngoài da đã lành sẹo.
Bệnh nhân khám bệnh về da liễu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Việt Nam chưa có vắc-xin phòng bệnh
Theo các chuyên gia da liễu, bệnh Zona khởi phát mạnh vào mùa mưa, mùa lạnh, khu vực có nhiệt độ ẩm thấp. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện mụn nước bóng láng, màu đục thành từng đám, cảm giác ngứa rát ở vùng phát ban kèm theo sốt nhẹ, đau nhức toàn thân, ớn lạnh, đau đầu, đau nhức một vùng da…
Có 2 nhóm dấu hiệu cho biết bệnh giời leo là thần kinh và da. Ở những người lớn tuổi, bệnh dễ gây biến chứng đau nhiều hơn. Với phụ nữ mang thai, nếu mắc bệnh Zona ở 3 tháng đầu sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện bào thai.
Dù vậy thay vì đến BV, 90% trường hợp mắc bệnh Zona đều tự ý điều trị. Nhiều người tự chữa trị bằng phương pháp dân gian như đắp lá, đắp đậu xanh… dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Không ít trường hợp bệnh diễn tiến nặng, di chứng kéo dài.
Khi mắc bệnh, tuyệt đối không gãi, cạo, xát chanh, xát muối, đắp đậu xanh, đắp lá… vì sẽ làm thương tổn sâu hơn, lan rộng hơn, nhiễm trùng, gây khó khăn cho việc điều trị. Giảm đau là việc cần làm đầu tiên. Việc điều trị bằng các thuốc kháng virus sẽ rút ngắn triệu chứng viêm và đau cấp, giảm các biến chứng nặng ở phổi, ngũ quan, mau lành sẹo. Nếu tổn thương có mủ, sâu rộng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh kèm bôi thuốc.
BS Khanh phân tích để phòng tránh bệnh những đối tượng có nguy cơ, hệ miễn dịch giảm nên biết phòng ngừa cho cơ thể, tránh thức đêm, tăng cường sức đề kháng. "Hiện nay, đã có vắc-xin phòng bệnh nhưng chỉ có nước ngoài còn trong nước thì chưa có" - BS Khanh lưu ý.
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên giữ cho khu vực vết thương được sạch sẽ, mặc quần áo rộng. Tránh tiếp xúc da, chạm da với những người chưa từng bị thủy đậu, đang bệnh, hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Không được gãi vì tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát và có thể để lại sẹo. Không cần kiêng ăn, vẫn tắm rửa, tập thể dục bình thường.
"Đi khám bệnh ngay nếu vết ban ở mũi hoặc gần mắt. Bạn cần phải đi khám ngay vì virus có thể gây tổn thương thị giác, thậm chí gây mù. Nếu đang có bệnh gây suy giảm chức năng miễn dịch, hoặc sốt cao, mệt mỏi, vết phồng lan ra nhiều khu vực khác trên cơ thể cũng phải đi BV để được can thiệp kịp thời, tránh xảy ra biến chứng" - một chuyên gia khuyên.
Phải mất 3 tuần bệnh mới giảm
Bệnh Zona có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trên cơ thể. Triệu chứng đầu tiên là cảm giác đau, ngứa, căng, bỏng, nhức ở một phía của cơ thể. Thông thường, sau khi cơn đau xuất hiện 1-3 ngày các dải ban sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng lên ở ngay vị trí đau, sau đó sẽ tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày; 2-3 tuần sau, ban sẽ biến mất, vảy rơi ra, có thể để lại sẹo.
Bình luận (0)