Mức sống tăng dần trong vòng 2 thập kỷ qua đã giúp hàng triệu người ở châu Á thoát khỏi cảnh nghèo khổ nhưng đồng thời mang lại một vấn đề mới: Người dân ngày càng mập ra. Bộ Y tế
Theo bác sĩ Gauden Galea, một cố vấn về các chứng bệnh kinh niên cho WHO ở châu Á, nhiều chính phủ châu Á đã không có những biện pháp mạnh để đối phó với bệnh béo phì do căn bệnh này không xuất hiện một cách ồ ạt trong những năm qua. Bác sĩ Galea nói: “Béo phì không gây ra tác động tức thì như SARS hay cúm gia cầm. Những trẻ em mũm mĩm thường được xem là khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi một xã hội ngày càng thịnh vượng, lối sống của người dân cũng thay đổi. Người dân có khuynh hướng làm việc nhiều, ít vận động hơn trong khi cuộc sống ngày càng căng thẳng hơn. Khi đó, các tác động của béo phì mới trở nên rõ ràng và lớn hơn”.
Theo WHO, trên thế giới có hơn 1 tỉ người trưởng thành quá cân, trong đó có ít nhất 300 triệu người được xem là béo phì. Sự gia tăng của béo phì kéo theo sự gia tăng đáng kể của bệnh tim và tiểu đường, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo dữ liệu của WHO, trong số 120 triệu người bị bệnh tiểu đường loại 2 trên thế giới thì 30 triệu người là ở châu Á – Thái Bình Dương. Đến năm 2010, con số này dự báo sẽ tăng lên 130 triệu trong tổng số 216 triệu người bị tiểu đường khắp thế giới.
Với việc béo phì trở thành một vấn nạn toàn cầu, nhiều chính phủ châu Á đang bắt đầu cảm nhận được những gánh nặng kinh tế và xã hội của căn bệnh này. Giống như các nước phát triển, một trong những gánh nặng lớn nhất là những phí tổn cao chóng mặt cho việc điều trị những chứng bệnh liên quan đến béo phì. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ ước tính những người béo phì Mỹ đã tốn khoảng 75 tỉ USD (khoảng 1,18 triệu tỉ đồng VN) cho các hóa đơn y tế trong năm ngoái. Trong khi đó, theo một nghiên cứu gần đây của Chính phủ Úc, tiểu đường và những căn bệnh liên quan khiến nước này thiệt hại 3 tỉ đô la Úc (34.000 tỉ đồng VN) mỗi năm. Vì thế, các phái đoàn châu Á tham dự cuộc họp của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ vào tuần rồi đều nhất trí với những chính sách chống béo phì mới của WHO như kêu gọi các chính phủ khuyến khích người dân dùng những thức ăn có ít chất béo, đường và muối, đồng thời tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày.
Bình luận (0)