Tại Hà Nội, ngày 17-10, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổng kết 2 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT).
Theo BHXH Việt Nam, dù quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng nhưng vẫn còn 34 triệu người (khoảng 40% số dân cả nước) thờ ơ với thẻ BHYT, chủ yếu là người tự nguyện tham gia BHYT, người lao động trong doanh nghiệp tư nhân và người thuộc hộ cận nghèo.
Tính đến giữa năm 2011, cả nước có 53,5 triệu người tham gia BHYT (tăng 13,8 triệu người so với năm 2008). Thế nhưng, với 34 triệu người còn lại, việc vận động tham gia là rất khó khăn. Đặc biệt với người thuộc hộ cận nghèo, kể cả khi đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng, một số địa phương hỗ trợ tới 80% nhưng cũng chỉ “hút” được 13%. Ngay cả với đối tượng trẻ dưới 6 tuổi, dù đã được Nhà nước cấp kinh phí mua thẻ nhưng vẫn còn gần 2 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ BHYT.
Kể từ khi Luật BHYT có hiệu lực, đối tượng tham gia BHYT phải chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là những bệnh nhân bị tai nạn giao thông chỉ vì quy định người bệnh phải chứng minh không phạm luật giao thông. Ngay sau thời điểm ban hành (tháng 4-2010) đến nay, quy định trên đã 2 lần bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” nhưng đến thời điểm này, người bệnh vẫn khổ sở vì yêu cầu trái khoáy này.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán của Bệnh viện Việt Đức, cho biết rất ít bệnh nhân xin được giấy xác nhận của cơ quan công an lúc nhập viện. Với những ca bệnh nhẹ, họ thường chấp nhận móc tiền túi để trả vì để xin được giấy xác nhận từ cơ quan công an không phải dễ. Vì thủ tục rắc rối nên không ít bệnh nhân “lách luật” bằng cách khai bị tai nạn lao động chứ không phải tai nạn giao thông.
Đề nghị bỏ quy định cùng chi trả 5% Bộ Y tế cho biết có nhiều sở y tế và bệnh viện đề nghị nên bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội và thân nhân người có công vì việc phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh đang là gánh nặng cho họ, nhất là những người mắc bệnh nan y, bệnh mãn tính… Dù Bộ Y tế không ít lần nói sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ để có một quỹ riêng hỗ trợ cho đối tượng nói trên, cùng đó là trích quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo để trả phần cùng chi trả của họ. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng ở hướng xem xét chứ chưa có văn bản chính thức. |
Bình luận (0)