Theo ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, dù Việt Nam khởi động BHYT muộn hơn so với các nước nhưng chúng ta tăng nhanh độ bao phủ đối với BHYT. Đến năm 2020, độ bảo phủ BHYT của nước ta đạt 90,85%, tăng rất nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội (QH) giao.
Mở rộng phạm vi, quyền lợi BHYT
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết BHYT giúp mọi người dân tiếp cận dễ dàng, bảo đảm cơ chế tài chính cho công tác khám chữa bệnh (KCB). Thời gian qua đã thể hiện rõ điều này, hầu hết các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được quan tâm; hầu hết các dịch vụ y tế đều chi trả 100% các dịch vụ, không phải trả thêm tiền, đây là chính sách ưu việt của nhà nước đối với bảo hiểm chăm sóc sức khỏe người dân.
Về chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, người dân đóng ở mức độ trung bình thấp so với các nước nhưng các dịch vụ y tế chất lượng thì hầu hết người dân được hưởng. Phạm vi hưởng BHYT cao hơn nhiều so với mức đóng BHYT. "Ngành y tế xác định BHYT là một trong những trụ cột, vấn đề an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân, đặc biệt là những người lao động, người nghèo, người yếu thế. Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị báo cáo trình Chính phủ, QH về Luật BHYT sửa đổi" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ việc bảo đảm tính bền vững, mở rộng đối tượng tham gia của người đóng BHYT là vấn đề quan trọng, chúng ta theo nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ rủi ro thì phải có nhiều người đóng, bao phủ hầu hết dân số thì chia sẻ rủi ro nhiều hơn cho những người khó khăn. Tới đây, Luật BHYT sửa đổi sẽ sửa theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận dịch vụ BHYT. "Hiện còn một số đối tượng chưa được liệt kê vào Luật BHYT sửa đổi, Nghị định của Chính phủ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng để bảo đảm người dân được hưởng chế độ BHYT, đóng bảo hiểm nhưng bảo đảm tính bền vững là rất quan trọng chứ không phải đến khi ốm đau mới đóng hoặc năm có năm không thì không bảo đảm nguồn tài chính vững bền cho BHYT" - Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng của người dân đối với BHYT, mặc dù mức đóng hưởng có thể thấp hơn nhưng lấy số đông, nhiều người để mở rộng phạm vi, quyền lợi BHYT. Đây là chính sách ưu việt. Bộ trưởng mong QH ủng hộ chính sách này.
Luật BHYT sửa đổi sẽ giúp mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ BHYT
Gần 88 triệu người tham gia BHYT
Đại biểu QH Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của QH, cũng cho rằng BHYT chính là cứu cánh của người dân khi KCB. Đặc biệt, trong bối cảnh giá các dịch vụ y tế, thuốc điều trị ngày càng cao hơn so với những giai đoạn trước đó. Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, việc tham gia BHYT trong thời gian qua đạt mục tiêu khi chúng ta thực hiện chuyển tham gia BHYT với tinh thần là BHYT bắt buộc chứ không phải tự nguyện. Do vậy, mọi người dân đều có thể tiếp cận được BHYT. Các nhóm đối tượng cũng được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Về y đức, mức độ hài lòng của người dân cải thiện khá nhiều. Ngành y tế nỗ lực cải tiến đạt chỉ số hài lòng của người dân, đạt mức ấn tượng so với 10 năm trước đây. Đến nay đã hoàn thành 8 chỉ tiêu trong Nghị quyết 68, hiện còn 4 chỉ tiêu hoàn thành một phần.
Ủy ban Xã hội của QH đề nghị thời gian tới có một nghị quyết về nâng cao đầu tư cho y tế cơ sở. Đặc biệt, qua dịch Covid-19, càng thấy nhu cầu cần đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh mức đóng BHYT. "Nếu không có nguồn của ngân sách hỗ trợ, một số nhóm người dân tham gia rất khó khăn, nhất là nhóm hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hay gia đình nông nghiệp có mức sống khó khăn" - đại biểu Đinh Ngọc Quý cho biết.
Tính đến ngày 31-12-2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỉ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT.
Bình luận (0)