Bạn đọc Tr.T.A. (nữ, 27 tuổi, Đồng Nai), hỏi: Tôi có người chị vì bị buồng trứng đa nang, đi chữa hiếm muộn cả mấy năm rồi vẫn chưa có kết quả. Xin bác sĩ cho biết chứng này là gì, hễ mắc là sẽ vô sinh hay sao? Liệu tôi còn hy vọng gì không? Tôi rất đau khổ, đã khóc với người yêu và có ý hủy đám cưới sắp tới nhưng anh ấy bảo rằng có người bị giống tôi vẫn có con, anh ấy nói thật không hay chỉ là an ủi tôi?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một bệnh lý có thể gặp ở 5-10% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ với một số biểu hiện như sau:
- Rối loạn kinh nguyệt: kinh thưa (dưới 8 lần hành kinh/năm hoặc chu kỳ kinh trên 35 ngày), có khi là vô kinh (trên 6 tháng không có kinh ). Kinh thưa hoặc vô kinh gặp ở khoảng 80% người bị buồng trứng đa nang, một số khác có thể vẫn có kinh bình thường. Đây là hệ quả của tình trạng rối loạn nội tiết và rối loạn phóng noãn (rụng trứng), và cũng chính những rối loạn này đưa đến nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.
- Rối loạn nội tiết theo hướng nam hóa (rậm lông, da nhờn, hói đầu…).
- Béo phì, thường tăng có tích mỡ vùng bụng .
- Hình ảnh siêu âm cho thấy buồng trứng có rất nhiều nang nhỏ và không có hiện tượng rụng trứng (tham khảo hình ảnh bên dưới).
Nguyên nhân phát sinh tình trạng này hiện vẫn còn chưa rõ, bệnh có thể gây nhiều rối loạn khác như tiểu đường, bệnh tim mạch… và đặc biệt là dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang hiện nay chủ yếu là giải quyết những rối loạn hậu quả và điều trị vô sinh , có nhiều phương thức can thiệp như sau :
- Giảm cân: đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và giúp điều trị vô sinh hiệu quả hơn .
- Điều trị bằng thuốc nội tiết để chống hiện tượng nam hóa, kích thích rụng trứng .
-Phẫu thuật để xẻ, đốt nang buồng trứng để tái tạo khả năng rụng trứng tự nhiên .
- Dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản giúp người phụ nữ có thai nếu tình trạng hiếm muộn xảy ra: bơm tinh trùng vào lòng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Như đã nói ở trên, tỉ lệ mắc hội chứng buồng trứng đa nang lên tới 5-10% phụ nữ, không phải ai cũng vô sinh, hiếm muộn và những người bị hiếm muộn do tình trạng này điều trị thành công cũng rất nhiều.
Điều bạn cần làm là đừng quá bi quan. Hãy tìm đến cơ sở chuyên khoa sản – phụ lớn để được kiểm tra và điều trị. Chú ý giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì; giữ chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp và tinh thần lạc quan vì có khi chính sự lo âu quá độ mới khiến bạn khó có con. Bạn nên có kế hoạch lập gia đình và có con không quá muộn để tăng cơ hội có thai và nếu như có gặp tình trạng hiếm muộn thì việc điều trị cũng dễ thành công hơn.
Bình luận (0)